Khó áp dụng biện pháp tự vệ với ôtô?
Các cơ quan chức năng đang xúc tiến những biện pháp nhằm tiếp tục bảo hộ sản xuất ôtô trong nước và biện pháp tự vệ với ôtô nhập khẩu đang được tính tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không dễ áp dụng biện pháp này.
Khó áp dụng biện pháp tự vệ với ôtô?
Các cơ quan chức năng đang xúc tiến những biện pháp nhằm tiếp tục bảo hộ sản xuất ôtô trong nước và biện pháp tự vệ với ôtô nhập khẩu đang được tính tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không dễ áp dụng biện pháp này.
Nhiều chuyên gia cho rằng không dễ áp dụng biện pháp tự vệ đối với ôtô nhập khẩu. Trong ảnh: sản xuất ôtô của một doanh nghiệp trong nước – Ảnh: Nguyễn Thảo |
Một tổ công tác liên ngành dự kiến được thành lập để cùng bàn thảo, đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ôtô nội địa, trong đó nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ôtô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến.
Ngoài ra, các yếu tố như trị giá tính thuế, xuất xứ, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, hàng rào kỹ thuật… cũng sẽ được siết chặt.
Không dễ sử dụng
Với tỉ lệ nội địa hoá mới chỉ đạt 7-10%, ngành công nghiệp ôtô VN đang đứng trước nhiều sức ép lớn khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong ASEAN về 0% vào năm 2018. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất ôtô nước ngoài cũng đang tính chuyện cắt giảm sản xuất, thu hẹp quy mô sau nhiều năm hoạt động.
Do đó, theo một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), việc đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển ngành ôtô, trong đó có chính sách phòng vệ thương mại, là cần thiết.
“Chính sách này không chỉ bảo vệ sản xuất trong nước, bởi việc nhập khẩu ôtô tăng mạnh còn gây ảnh hưởng đến cán cân thương mại và dự trữ ngoại tệ” – vị này nói.
Cũng theo chuyên gia này, dù ngành công nghiệp ôtô VN chủ yếu là các DN FDI hay DN liên doanh nhưng vẫn có sự tham gia của hàng nghìn nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng của VN.
Do đó, chính sách phòng vệ thương mại sẽ có tác dụng bảo vệ nền sản xuất trong nước nói chung, các DN ôtô và ngành công nghiệp phụ trợ cung ứng cho ngành ôtô nói riêng. Tuy nhiên, phòng vệ thương mại cũng chỉ là giải pháp nhất thời, không phải là giải pháp dài hạn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một DN sản xuất ôtô có vốn nước ngoài cho biết việc áp thuế tự vệ đối với ôtô nhập khẩu không chỉ nhằm bảo hộ DN, mà còn bảo vệ sản xuất trong nước cũng như nền kinh tế nói chung!
“Nhập khẩu tăng sẽ gây tác động đến ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, chính sách này không chỉ tác động nhiều đến người tiêu dùng bởi không có cơ hội tiếp cận được ôtô giá rẻ, mà các DN cũng bị ảnh hưởng vì hầu hết DN ôtô hiện nay đều có nhập khẩu. Chính phủ sẽ cân nhắc tổng thể, nhưng áp dụng biện pháp tự vệ hay không còn là cả một câu chuyện dài” – vị này cho hay.
Một chuyên gia về cạnh tranh cũng cho rằng điều quan trọng là phải cân đối việc áp dụng biện pháp tự vệ mức độ như thế nào, để người tiêu dùng không quá thiệt thòi và ngành sản xuất ôtô trong nước cũng phải phát triển được.
Tuy nhiên, một lãnh đạo chuyên ngành thuộc Bộ Công thương cho rằng không dễ áp biện pháp tự vệ thương mại đối với ôtô nhập khẩu, bởi trước khi thực hiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại cần phải có đơn đề nghị của DN và phải thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Cần phải chứng minh được lượng xe nhập khẩu gia tăng đột biến trong nhiều năm liên tiếp, chứ không phải chỉ vài tháng và nó đe doạ đến ngành sản xuất trong nước mới được áp dụng biện pháp tự vệ. Không thể tuỳ tiện áp dụng biện pháp tự vệ vì có thể bị kiện” – vị này khẳng định.
Không nên tiếp tục bảo hộ
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô, trong một cuộc họp với các DN ôtô mới đây, Bộ Công thương đưa ra ba nhóm giải pháp, trong đó sẽ tập trung tạo dựng thị trường cho các nhà sản xuất ôtô trong nước, bảo hộ hợp lý thị trường; hỗ trợ các nhà sản xuất để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ Công thương, đây là nền tảng cơ bản để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong lâu dài, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, mới tạo cơ hội thị trường cho các nhà cung cấp, DN của VN tham gia chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thành Tự Anh – giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright VN, ngành công nghiệp ôtô đã được hưởng ưu đãi về đầu tư, bảo hộ trong vòng 20 năm qua.
Từ những năm 1990, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu như Toyota, Nissan… cũng đã cam kết sẽ tăng tỉ lệ nội địa hóa từ mức 10% lên 40% trong vòng mười năm. Dù được hưởng rất nhiều ưu ái, nhưng đến nay các DN này chưa thực hiện được cam kết, không đạt kỳ vọng của Chính phủ cũng như chính sách công nghiệp VN.
“Các DN ôtô chủ yếu sống nhờ vào bảo hộ và khi có nguy cơ thuế giảm xuống, họ đều đưa ra một thông điệp rằng sẽ không lắp ráp ở VN nữa mà nhập nguyên chiếc về bán. Điều này cho thấy các ưu đãi không tạo ra các DN có tính cạnh tranh” – ông Tự Anh nói.
Một trong những lý do các DN ôtô không nâng được tỉ lệ nội địa hoá là vì không có nhà cung ứng nội địa, do VN không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như công nghiệp chế tạo, chế biến khác.
“Thaco là một trong những DN ôtô thành công nhưng đến nay vẫn phải nhập khẩu động cơ, bộ phận chiếm 40-50% giá trị ôtô. Điều đó cho thấy VN đang rất thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa kể các ngành logistics để tạo sự phân phối hiệu quả” – ông Tự Anh nhận định.
Ông Đào Phan Long, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí VN, cũng cho rằng chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp ôtô nội địa suốt thời gian qua là “có vấn đề”, dẫn đến hệ quả là ngành ôtô VN hoàn toàn lệ thuộc vào DN nước ngoài.
Theo ông Long, trong bối cảnh toàn cầu hóa và trên cơ sở nhu cầu thị trường nội địa, Nhà nước cần tập trung nguồn lực và chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp những loại ôtô nào có nhu cầu sức mua và có lợi thế cạnh tranh hơn những dòng xe nhập khẩu từ các nước khu vực.
“Nhà nước cũng cần có chủ trương cho lựa chọn ngay một số nhà sản xuất ôtô của những tập đoàn quốc tế có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư vào VN để sản xuất được một vài dòng xe có đủ chất lượng, giá hợp lý với túi tiền dân Việt.
Khi đó, VN mới hi vọng về lâu dài có thể thoát được cuộc chơi của các nhà sản xuất ôtô đã có danh tiếng và sức mạnh ở khu vực” – ông Long gợi ý.
Không thể tuỳ tiện áp dụng biện pháp tự vệ Các chuyên gia về cạnh tranh cho rằng muốn áp dụng biện pháp tự vệ phải phân tích xem ngành sản xuất trong nước thiệt hại như thế nào, bởi WTO quy định chỉ được áp dụng biện pháp tự vệ khi ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng. Hơn nữa, biện pháp tự vệ cũng không thể được áp dụng tràn lan, mà phải phân tích từng dòng xe cụ thể. Theo quy định của WTO, có 15 chỉ số khác nhau để đánh giá mức độ thiệt hại như doanh thu, lợi nhuận, sử dụng công suất, lỗ lãi, tình trạng tồn kho… Đặc biệt, một trong những căn cứ để áp dụng biện pháp tự vệ là chứng minh được diễn biến ôtô nhập vào VN khiến ngành sản xuất ôtô không lường trước được, bất ngờ, không kịp chống đỡ. Trong khi đó, ngành ôtô VN tham gia Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN từ năm 2005 với lộ trình giảm thuế rõ ràng, nên không thể nói là không lường trước được. |