11/01/2025

Giá tăng kỷ lục, ngành điều vẫn khó

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,84 tỉ USD, đứng thứ 2 sau ngành cà phê.

 

Giá tăng kỷ lục, ngành điều vẫn khó

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,84 tỉ USD, đứng thứ 2 sau ngành cà phê.



Ngành điều VN dẫn đầu thế giới nhiều năm liền nhưng vẫn phát triển thiếu bền vững
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Ngành điều VN dẫn đầu thế giới nhiều năm liền nhưng vẫn phát triển thiếu bền vữngẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm nay nhưng ngành điều VN hưởng lợi không bao nhiêu do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Trong nước mất mùa
Hiện tại đang vào vụ thu hoạch điều nhưng do năm nay mưa trái mùa phổ biến trên diện rộng với lượng lớn; thêm vào đó dịch bệnh phát triển nên năng suất và sản lượng ở các vùng nguyên liệu đều giảm. Ông Nguyễn Văn Quang ở xã Đak Ơ, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: Giá bán điều giữa tháng 3 này lên tới 45.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Dù giá cao nhưng ông Quang cũng chẳng vui nổi vì mất mùa nặng. Năng suất năm nay chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Hòa Hội, H.Xuyên Mộc cho biết: Giá điều ở mức chưa từng có với điều tươi 46.000 đồng/kg, điều khô 60.000 đồng/kg. Nhưng nhiều vườn điều ở địa phương bị sâu, bọ xít ùa vào chích hết từ lá non đến lá già, vườn chết khô y như bị cháy. Một số hộ kịp thời phun thuốc, kích thích trổ bông lại từ đầu nên có khả năng trong vòng 2 tháng nữa sẽ có thu hoạch nếu còn nắng. Trong khi đó, nhiều hộ bỏ mặc, thất thu đến 80%.
Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết mùa điều năm nay thu hoạch kém hơn các năm trước trong đó Lâm Đồng thiệt hại nặng nề nhất, mất mùa gần 80%. Một số tỉnh như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cũng thiệt hại khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu do sự bùng nổ của sâu róm đỏ và bọ xít muỗi. Toàn bộ hoa, chồi non đều bị bọ xít muỗi chích đến khô khốc, cháy đen, không thể thụ phấn, đậu quả. Các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Giá điều tăng đột biến cũng là do mất mùa, nguyên liệu khan hiếm. Những năm trước mức giá cao nhất chỉ Giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá thấp, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Người “khổng lồ” bị ép giá
Trong khoảng 10 năm qua, VN luôn dẫn đầu ngành điều thế giới ở cả khâu nhập và xuất khẩu. Năm 2016, VN chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong năm này, theo Bộ NN-PTNT, VN xuất khẩu đạt 347.000 tấn tương đương kim ngạch 2,84 tỉ USD; tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bỏ ra đến 1,6 tỉ USD để nhập 1 triệu tấn nguyên liệu chủ yếu từ châu Phi về sản xuất.
Dù dự báo sản lượng điều thế giới không giảm nhưng theo Vinacas, giá điều nhập khẩu không ngừng tăng khiến lợi nhuận thu về của ngành giảm mạnh. Cụ thể ngày 15.3, giá điều thô nhập khẩu tăng thêm 150 USD/tấn, đạt mức 2.000 USD/tấn. Lý giải về mức giá nguyên liệu điều tăng quá mạnh, ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho rằng, là do các doanh nghiệp (DN) của ta sợ thiếu nguyên liệu, tranh mua nên bị ép giá. “Chúng ta là nhà nhập khẩu điều lớn nhất thế giới mà vẫn bị ép giá là một sự thật hết sức vô lý. Sự tranh mua cũng bắt nguồn từ tranh bán, chỉ mạnh ai nấy làm nên dù là người “khổng lồ” trên thương trường thế giới nhưng chúng ta vẫn đang bị ép cả hai đầu” – ông Hồ Ngọc Cầm nói.
Nhưng mức giá 2.000 USD/tấn chưa phải là cao nhất. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay VN nhập khẩu 93.000 tấn tương đương 226 triệu USD, tăng gần 54% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính ra giá nhập khẩu bình quân đến 2.430 USD/tấn, tương đương khoảng 53.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm 2016, VN nhập khẩu 63.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tương đương 1.630 USD/tấn, rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg. Nghĩa là chúng ta càng nhập nhiều thì giá càng cao, càng làm nhiều, lợi nhuận càng ít đi.
Giá trị gia tăng thấp
Theo ông Cầm, 4 kg điều thô sẽ cho ra 1 kg điều chế biến. Với giá điều nhập khẩu là 2,43 USD/kg thì để có 1 kg điều xuất khẩu với giá 9,1 USD chúng ta tốn tới 9,72 USD (2,43 x 4) để nhập nguyên liệu. Năm 2016 VN nhập khẩu
1 triệu tấn điều với giá trị 1,6 tỉ USD. Với công thức trên, để có một ký điều xuất khẩu chúng ta mất giá vốn 6,4 USD. Với giá xuất khẩu bình quân năm 2016 là 8.118 USD/tấn (tương đương 8,1 USD/kg), mức chênh lệch giữa mua – bán là 1,7 USD/kg. Khoản chênh lệch 1,7 USD phải gánh hàng loạt chi phí như lãi vay ngân hàng, lương nhân công, điện, nước, thuế, khấu hao máy móc… nên lợi nhuận thu về là rất thấp, thậm chí không ít DN không khéo thu vén sẽ bị lỗ. Vậy họ sống nhờ cái gì? Ông Cầm giải thích, có 3 yếu tố giúp các DN tồn tại. Thứ nhất là DN sống nhờ vào nguồn thu từ phụ phẩm trong quá trình chế biến điều. Thứ hai là cố gắng kềm giá thu mua điều trong nước để bù vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Thứ ba chính là có một số DN “lướt sóng” mua được nguyên liệu dự trữ lúc giá thấp. “Nhìn con số xuất khẩu 2 – 3 tỉ USD rất ấn tượng nhưng giá trị gia tăng mang lại rất khiêm tốn. Chúng ta cần nên tỉnh táo nhìn vào thực chất”, ông Cầm nói.
Không chỉ vậy, các DN còn đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nguyên liệu qua trung gian. Nhiều DN trong ngành thừa nhận, họ ít khi mua được nguyên liệu trực tiếp từ châu Phi mà chủ yếu qua các thương nhân Ấn Độ nên rủi ro về chất lượng hàng nhập khẩu rất lớn.
Vậy giải pháp nào cho ngành điều, một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành điều phát triển bền vững, cần chú trọng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tạo giống để tăng sản lượng từ 2 tấn/ha lên 3 – 4 tấn/ha, áp dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt, sản xuất, chế biến điều. Chỉ có như vậy, mới giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Đối với thị trường nhập khẩu cần có đàm phán cấp Chính phủ trong việc thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó các DN phải thật sự đồng lòng, đoàn kết để luôn có giá tốt trong cả mua và bán. Nếu không, câu chuyện của ngành sẽ giống như ngành cá tra – dù một mình một chợ vẫn thua thiệt.

 

Chí Nhân – Hà Mai