10/01/2025

Điềm lành từ Hà Lan, nhưng…

Chiến thắng của Đảng trung hữu Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) là tín hiệu đáng mừng, nhưng được dự đoán sẽ ít khả năng tạo ra thay đổi cho số phận của Liên minh châu Âu (EU).

 

Điềm lành từ Hà Lan, nhưng…

Chiến thắng của Đảng trung hữu Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) là tín hiệu đáng mừng, nhưng được dự đoán sẽ ít khả năng tạo ra thay đổi cho số phận của Liên minh châu Âu (EU).

 

 

 

Điềm lành từ Hà Lan, nhưng...
Ông Wilders (trái) bên cạnh Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte – Ảnh: REUTERS

Nhiều lãnh đạo ở châu Âu hôm 16-3 đã chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ sau cuộc bầu cử Hà Lan cho thấy Đảng VVD của ông Rutte giành được số ghế nhiều nhất trong Quốc hội, vượt qua đối thủ chính là Đảng dân túy cực hữu Vì tự do (PVV) của ông Geert Wilders.

Hú vía

Đối với những người theo chủ nghĩa ủng hộ EU, chiến thắng của Thủ tướng Hà Lan là điềm lành, ít ra ngăn chặn được chủ nghĩa dân tuý, bài ngoại, chống nhập cư của ông Wilders – người được xem là “Donald Trump của Hà Lan”.

Tại Hà Lan, cuộc bầu cử vừa qua bị ví như một quân cờ domino trong thế trận giữa hai phe ủng hộ và bài xích EU. Báo Financieele Dagblad thở phào: “Quân domino Hà Lan đã không đổ”.

Nhưng thực tế, báo chí phương Tây phần lớn dè dặt với thành quả của ông Rutte. Mặc dù vẫn chiếm số ghế nhiều nhất Quốc hội, Đảng VVD năm nay chỉ có 33 ghế, tức giảm 8 ghế so với năm 2012 (41).

Ngược lại, dù xuất hiện trong trạng thái “thất bại”, Đảng PVV của ông Wilders cũng không hẳn phải gánh chịu kết quả quá tồi khi giành thêm 5 ghế ở cuộc bầu cử này.

Hiện Đảng PVV có 20 ghế, xếp thứ hai về số lượng ở Quốc hội, tức đã tăng tới 1/3 số ghế so với cách đây 4 năm.

Cảm giác chung được báo chí Hà Lan lẫn châu Âu thể hiện trong cuộc bầu cử này là… hú vía. Lấy ví dụ, nhiều tờ báo thậm chí đã dự đoán về một chiến thắng của Đảng PVV do ông Wilders lãnh đạo.

Nhật báo NRC (Hà Lan) và Telegraph (Anh) trong tháng 3 này đã giật những dòng tít nửa bi quan, nửa lạc quan rằng: Tại sao PVV có thể chiến thắng nhưng không thể thống trị?

Những nhận định tương tự như vậy xuất phát từ thực tế rằng Đảng PVV đã dẫn đầu trong thời gian dài ở các cuộc thăm dò.

Người ta đã lo sợ về viễn cảnh Hà Lan từ chỗ luôn giữ sự trung lập, sẽ trở nên khép kín hơn trong tay Wilders, người đề xuất cấm cửa dân nhập cư, cấm đạo Hồi và kinh Koran.

Thêm vào đó, nỗi lo này đã khiến thuật ngữ “Nexit” xuất hiện phổ biến, chơi chữ theo cụm từ Brexit trước đó dùng để chỉ việc Anh rời khỏi EU.

Nỗi lo hiện hữu

Chiến thắng của ông Rutte bị nhận xét phải nhờ tới “món quà” từ căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngay trước ngày bỏ phiếu.

Hà Lan đã ngăn cản các nhóm Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan, tạo ra cuộc “khẩu chiến”, đề cập sự cực đoan và người Hồi giáo. Nhưng chính điểm này mới gợi lên lo ngại trong tương lai.

Đơn giản vì nhiều đảng, trong đó có Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDA) và cả Đảng VVD, cũng tranh thủ các luận điểm cứng rắn với vấn đề an ninh, nhập cư, đạo Hồi… để thuyết phục cử tri.

Lấy ví dụ, ông Rutte đã “lấy điểm” nhờ ứng xử cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ, không khác gì ông Wilders.

Vì thế, cơ bản chính trường Hà Lan cũng đã nghiêng về đường lối khép cửa hơn một chút.

Reuters cho rằng liên minh cầm quyền mới ở Hà Lan không loại trừ khả năng tiếp tục lập trường nghiêm ngặt với vấn đề nhập cư – một điểm các lãnh đạo ủng hộ EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker không hề mong muốn.

Lúc này, thế domino đúng ra phải đặt ở Pháp, nơi ứng viên cánh hữu Marine Le Pen – cũng được xem là “Trump của Pháp” – đang chiếm ưu thế.

Mabel Berezin, giáo sư xã hội học tại ĐH Cornell (Mỹ), nhận định thất bại của ông Wilders không nên được xem như dấu hiệu rằng chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đang suy yếu.

“Cuộc bầu cử mang tính quan trọng sẽ nằm ở trường hợp của Marine Le Pen tại Pháp, bắt đầu từ ngày 23-4. Đó là nơi hành động của người theo chủ nghĩa dân tuý thể hiện và là nơi chúng ta nên tập trung theo dõi” – Reuters dẫn lời bà Mabel Berezin.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo EU sụp đổ

Dù nhận sự chúc tụng từ nhiều lãnh đạo ở châu Âu, kết quả sơ bộ về cuộc bầu cử Hà Lan không tạo ra cảm giác tích cực ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên báo Hurriyet rằng: “Giờ cuộc bầu cử đã kết thúc ở Hà Lan… khi bạn nhìn nhiều đảng ở đó, bạn sẽ thấy không hề có sự khác biệt giữa phe dân chủ xã hội và quan điểm phát xít của Wilders”.

Ông Cavusoglu nói thêm rằng sớm muộn gì châu Âu cũng sụp đổ, dù có ngăn được Wilders hay không.

“Tất cả đều có cùng tư duy. Rồi các anh sẽ đi tới đâu? Các anh dẫn châu Âu về đâu? Các anh đã bắt đầu sự sụp đổ ở châu Âu. Các anh đang kéo châu Âu về vực thẳm. Một cuộc thánh chiến sẽ sớm bắt đầu tại châu Âu” – ông Cavusoglu nói.

Reuters hôm 16-3 nhận xét với 13 đảng dự kiến tham gia vào quốc hội, ông Rutte sẽ mất vài tháng để thành lập liên minh cầm quyền. Đảng VVD cần ít nhất 3 đảng liên minh khác để đạt đủ 76 ghế/150 ghế quốc hội.

Năm nay, Đảng Dân chủ 66 (D66) và Đảng Xanh cánh tả (GreenLeft hay GroenLinks) giành thêm ghế, nhưng Công Đảng lại vấp phải sự sa sút “lịch sử” với việc mất tới 29 ghế, từ 38 ghế còn chỉ 9 ghế.

NHẬT ĐĂNG