29/11/2024

Nhiệt điện than Long An ‘uy hiếp’ TP.HCM

Trung tâm nhiệt điện than trị giá 5 tỉ USD tại H.Cần Giuộc, Long An, mà Bộ Công thương đang xúc tiến khiến TP.HCM lo ngại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và kinh tế của TP.

 

Nhiệt điện than Long An ‘uy hiếp’ TP.HCM

Trung tâm nhiệt điện than trị giá 5 tỉ USD tại H.Cần Giuộc, Long An, mà Bộ Công thương đang xúc tiến khiến TP.HCM lo ngại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và kinh tế của TP.





Hai vị trí ưu tiên đặt Nhà máy nhiệt điện Long An /// Ảnh: CTV

Hai vị trí ưu tiên đặt Nhà máy nhiệt điện Long AnẢNH: CTV

Theo Quy hoạch điện VII (đã điều chỉnh), tại Long An có 2 dự án, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5,8 tỉ USD, đó là Nhà máy nhiệt điện Long An 1, dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 – 2025; Nhà máy nhiệt điện Long An 2 dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 – 2027.
Dựa trên quy hoạch này, Bộ Công thương đang tìm vị trí thích hợp để phát triển Trung tâm nhiệt điện Long An. Vị trí được đề xuất là xã Phước Vĩnh Đông (H.Cần Giuộc) để tận dụng ưu thế của tuyến đường sông Soài Rạp đã được TP.HCM đầu tư nạo vét. Tuyến sông đón được tàu biển 50.000 tấn và tương lai còn nạo vét sâu hơn để đón được tàu đến 70.000 tấn. Dự kiến trung tâm này sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2024, nhu cầu than tiêu thụ có thể lên đến gần 10 triệu tấn/năm, nhập từ Úc, Indonesia.
Phát triển điện than là tất yếu ?
Trước những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than, tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” ở TP.HCM do Bộ Công thương tổ chức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) Phương Hoàng Kim khẳng định: Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giá thành sản xuất điện than thấp (sau thuỷ điện) nên để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển điện than là nhu cầu tất yếu. Theo Quy hoạch điện VII – có điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất. 

 
 
Nhiệt điện than Long An ‘uy hiếp’ TP.HCM  - ảnh 1
VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh hiện hành, giảm thậm chí dừng xây dựng nhiệt điện than, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt năng lượng mặt trời và điện gió và sử dụng tiết kiệm năng lượng


Nhiệt điện than Long An ‘uy hiếp’ TP.HCM  - ảnh 2
 
Ông Trần Đình SínhPhó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID
 


PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, cho rằng: Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong khoảng 300 năm nữa nên không lo về an ninh năng lượng. VN lại ở gần các nguồn cung cấp than lớn như Indonesia, Úc. Nếu nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì không có vấn đề gì!
3.000 người chết/năm vì ô nhiễm không khí tại TP.HCM
Nếu như các nhà quản lý tỏ ra lạc quan với nhiệt điện than thì nhiều chuyên gia môi trường lại tỏ ra lo ngại.
Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID, nói thẳng để đánh lừa dư luận, các nhà tư vấn, nhà đầu tư hiện nay thường hô hào sẽ áp dụng các công nghệ cao trong việc sản xuất điện than. Công nghệ hiện đại hiện nay là siêu tới hạn và trên siêu tới hạn nhưng cũng chỉ giúp giảm ô nhiễm khoảng 10 – 15% so với công nghệ cận tới hạn, phổ biến ở VN hiện nay. Cần biết là sản xuất ra 1 kW điện, tương ứng thải ra môi trường 1 kg CO2. Như vậy giảm 10 – 15% nguồn gây ô nhiễm này cũng không có nhiều ý nghĩa so với lượng thải mà nó thải ra. Chưa kể nước làm mát thải ra môi trường theo tiêu chuẩn chỉ cần dưới 40 độ C, nên dù đảm bảo tiêu chuẩn nhưng nếu nước thải ở nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C thì khó loài thủy sinh nào sống nổi.
Cũng theo ông Sính, một lý lẽ mà những người ủng hộ nhiệt điện thường đưa ra là “sẽ áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới, của các nước phát triển”. Điều này có làm chúng ta yên tâm hơn? Câu trả lời là không! Vì khi họ đầu tư, mang công nghệ vào VN thì thứ nhất công nghệ đó đã lạc hậu hơn của họ. Điều thứ hai và rất quan trọng là họ phải tuân thủ luật pháp VN. Mà các tiêu chuẩn môi trường của VN thấp hơn các nước phát triển. Phải lưu ý rằng chi phí đầu tư để xử lý môi trường đối với nhiệt điện than là rất cao và xử lý càng thân thiện với môi trường càng đắt tiền.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc đặt nhà máy nhiệt điện than ở Cần Giuộc, ô nhiễm không khí TP.HCM sẽ tăng mạnh. Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nói: Các nhà máy nhiệt điện than thải ra lượng bụi mịn rất lớn. Khu vực Cần Giuộc chỉ cách TP.HCM khoảng 30 km nên tác động đến không khí TP là rất lớn. Đáng chú ý ở khu vực này chịu ảnh hưởng mỗi năm 2 lần gió chướng. Lần đầu rơi vào từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 và lần 2 rơi vào giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11. Gió chướng sẽ đẩy trực tiếp không khí ô nhiễm từ các nhà máy này vào hướng TP.HCM. Ngoài ra, đây là khu vực ven biển chịu tác động của nhiều hướng gió khác nhau nên tạo sự khuếch tán. Chính vì vậy TP.HCM có thể thường xuyên bị mù khô, sương mù giống như ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thậm chí là mưa a xít.
Trong đề tài nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khoẻ và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại TP.HCM” của TS Lê Việt Phú, chuyên gia sáng kiến chính sách công hạ vùng Mê Kông thuộc Fulbright, tại khu vực TP.HCM số người chết do ô nhiễm không khí năm 2013 là 3.000 người. Rủi ro vô hình do ô nhiễm không khí ở TP.HCM cao gấp 10 lần so với tai nạn giao thông. Tính tổng thiệt hại khi một người chết rủi ro về mất thu nhập tương đương từ 9 – 12 tỉ đồng. Thiệt hại về kinh tế do thiệt hại về người tương đương từ 5 – 7% GDP vào năm 2013.
ĐTM phải tính thiệt hại về mạng người
TS Phú lo lắng: “Nhiệt điện là nguồn rất lớn góp phần vào ô nhiễm không khí trong khi VN phát triển hoàn toàn vào nhiệt điện đốt than. Nếu cứ dựa vào đường hướng phát triển như vậy thì rủi ro về môi trường và sức khoẻ người dân là vô cùng lớn. Nghiên cứu này nhằm chỉ ra một góc độ thiệt hại về sức khỏe con người và kinh tế mà chúng ta phải trả cho phát triển. Để phát triển bền vững cần đưa những con số ước lượng thiệt hại về sức khoẻ, mạng người, kinh tế vào các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiệt điện”.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nêu quan điểm: Ở góc độ khoa học, việc hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đang và chuẩn bị xây dựng sẽ là một chuỗi ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho ĐBSCL và TP.HCM. Khói bụi ở dạng các khí độc như: CO2, CO, SOx, NOx, các hạt tro xỉ PM1.0, PM2.5 (là các hạt bụi lơ lửng lần lượt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1.0 và 2,5 µm; 1 µm = 1/triệu mét) sẽ tác động mạnh đến sức khoẻ người dân. Các loại khói bụi này sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch… Về mặt tự nhiên nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mưa a xít, tàn phá hệ sinh thái.
Ông Trần Đình Sính đánh giá Quy hoạch điện VII cho rằng nhu cầu tăng trưởng điện năng của VN tăng trưởng khoảng 10%/năm trong khi tốc độ phát triển kinh tế của VN khoảng 5,6 – 6%/năm. Bộ Công thương đã đẩy tốc độ tăng trưởng phát triển điện gần gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế là quá cao. Trong khi một số nước xung quanh, khi tốc độ phát triển kinh tế tăng 1% thì nhu cầu điện cũng chỉ tăng 1%. Còn ở các nước phát triển, tốc độ phát triển kinh tế vẫn tăng mà nhu cầu năng lượng giảm.
“VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh hiện hành, giảm hay thậm chí dừng xây dựng nhiệt điện than, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời và điện gió và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Làm như vậy sẽ vẫn đảm bảo được nhu cầu điện mà giữ gìn đất nước ta xanh, sạch đẹp”, vị này nói.
Các tác động trong suốt vòng đời của một nhà máy điện than siêu tới hạn điển hình 550-MW có kiểm soát ô nhiễm
• 150 triệu tấn CO2
• 470.000 tấn metan
• 7.800 kg chì
• 760 kg thuỷ ngân
• 54.000 tấn NOx
• 64.000 tấn SOx
• 12.000 tấn bụi
• 4.000 tấn CO
• 15.000 kg N2O
• 440.000 kg NH3
• 24.000 kg SF6
• hút 420 triệu m3 nước hầu hết từ các nguồn nước ngọt
• tiêu thụ 220 triệu m3 nước
• thải 206 triệu m3 nước thải vào các dòng sông.
(Nguồn: Bộ Năng lượng, Phòng Thí nghiệm công nghệ năng lượng quốc gia Mỹ)

 

Chí Nhân