11/01/2025

Đánh thức đêm Sài Gòn

Được mệnh danh là ‘thành phố không ngủ’ nhưng TP.HCM hiện đang thiếu hầu hết các dịch vụ giải trí về đêm. Nghịch lý này chính là điểm yếu khiến TP chưa thể kéo du khách quay lại cũng như mạnh tay ‘móc hầu bao’… như các điểm đến khác trong khu vực.

 

Đánh thức đêm Sài Gòn

Được mệnh danh là ‘thành phố không ngủ’ nhưng TP.HCM hiện đang thiếu hầu hết các dịch vụ giải trí về đêm. Nghịch lý này chính là điểm yếu khiến TP chưa thể kéo du khách quay lại cũng như mạnh tay ‘móc hầu bao’… như các điểm đến khác trong khu vực.



TP.HCM cần tổ chức nhiều điểm vui chơi, giải trí, mua sắm đóng cửa muộn cho du khách /// ẢNH: Đ.N.T

TP.HCM cần tổ chức nhiều điểm vui chơi, giải trí, mua sắm đóng cửa muộn cho du kháchẢNH: Đ.N.T

Tạo sức sống về đêm
Ở hội nghị về du lịch mới đây tại TP.HCM, ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết nhiều du khách phản ảnh sản phẩm du lịch về đêm còn quá đơn điệu, hạn chế. Chính vì thế cần tạo ra các điểm vui chơi giải trí sôi động, hấp dẫn để thể hiện TP là “điểm đến không ngủ” cho du khách.
Có 20 năm làm hướng dẫn viên tiếng Đức ở TP.HCM, theo bà Trần Thùy Linh, TP.HCM nên ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư sản phẩm du lịch mới, nhất là không gian chợ đêm. Hiện TP có chợ đêm Bến Thành nhưng đây chưa phải là nơi giải trí về đêm đúng nghĩa do không gian chật chội, ẩm thực bình dân, hàng hoá không rõ nguồn gốc… “Phú Quốc cũng đã hỗ trợ tư nhân đầu tư chợ đêm có hàng trăm gian hàng thì không lý gì TP.HCM lại chậm chạp trong vấn đề này. Các TP du lịch nổi tiếng trên thế giới như Bangkok, Đài Bắc… đều phát triển không gian chợ đêm, bởi tại đây, du khách có cơ hội tìm hiểu văn h bản địa và tiêu xài tiền nhiều nhất. Đối với TP.HCM, việc đầu tư chợ đêm ở bờ kênh Bến Nghé (đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Mống) là hợp lý bởi sát Q.1, thuận tiện cho du khách tìm đến. Hơn nữa, một chợ đêm nằm ở bên sông sẽ tạo sức sống cho TP về đêm. Các TP bên sông trên thế giới đều dành không gian cho loại hình này, như Singapore… Dĩ nhiên, chủ đầu tư cần nghiên cứu để chợ đêm Sài Gòn phải mang nét văn h bản địa, qua việc buôn bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản vật địa phương, ẩm thực VN”, bà Linh phân tích.
Trước đó, thời điểm cuối năm 2016, Công ty CP du lịch Ngôi sao Biển đã đề xuất với UBND TP.HCM được triển khai phố đi bộ và chợ đêm Sài Gòn bên rạch Bến Nghé, phía đường Bến Vân Đồn (P.12, Q.4) từ chân cầu Khánh Hội đến chân cầu Calmette. Mô hình chợ đêm Sài Gòn liền kề điểm tham quan Bến Nhà Rồng, kiến trúc lịch sử cầu Mống và liên kết với phố đi bộ Nguyễn Huệ, trung tâm mua sắm Bitexco, nối liền Q.4 với trung tâm TP được nhiều người ủng hộ.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng: Ba tiêu chí hàng đầu để thu hút du khách quốc tế khi đến VN đó là con người địa phương, sản vật địa phương và ẩm thực địa phương. Ba yếu tố này nếu được kết nối trong cùng một không gian sẽ tạo nên hiệu ứng rất tốt. Mô hình thích hợp nhất cho những hoạt động này là các khu ẩm thực, chợ đêm. Đây là nơi các du khách có cơ hội cọ xát, gặp gỡ, cảm và thấm văn h, con người VN. “Nếu được tổ chức một cách bài bản, quy củ, những khu ẩm thực, chợ đêm chắc chắn sẽ là một trong những sản phẩm tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế”, vị này khẳng định.
Ủng hộ mô hình chợ đêm, TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng: “Một trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, việc phát triển các quán bar, vũ trường, chợ đêm là rất cần thiết. Xa hơn nữa, trong mức độ cho phép của nhà nước, TP có thể nghĩ đến phương án tổ chức casino để thu hút khách du lịch”. TS Phạm Trung Lương đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển các khu mua sắm. “Các khu mua sắm phải được đầu tư bài bản, bày bán cả những mặt hàng có thương hiệu, có ưu đãi như khấu trừ VAT tại chỗ cho khách. Điều này vừa giúp ta xuất khẩu hàng tại chỗ, tạo hiệu quả kinh doanh, vừa giúp khách hài lòng. Những khu mua sắm này nên kéo dài thời gian chi tiền của khách bằng cách lui thời gian đóng cửa đến 1 – 2 giờ sáng”, ông Lương đề xuất.
Xây dựng chợ đêm, làm mới điểm đến cũ
Mới đây UBND Q.4 cũng đề xuất sử dụng bờ kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và một phần lòng đường Bến Vân Đồn để hoạt động chợ đêm từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hằng ngày và trả lại nguyên trạng từ 4 giờ sáng. Theo UBND Q.4, khu vực chợ đêm không có nhà dân, đối diện là trường học, mật độ lưu thông sau 17 giờ thấp.
Theo ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, khách quốc tế nếu bay tới TP.HCM tối đa chỉ ở 2 đêm rồi sẽ di chuyển tới các điểm đến khác; hoặc bay tới TP.HCM và đi ngay, không ở lại. Lý do ở TP.HCM không có nhiều điểm tham quan nên chỉ cần 2 ngày 1 đêm là có thể khám phá hết. Nên những khách đã tới TP.HCM rồi, khi quay lại lần 2 sẽ chuyển tiếp ngay đến nơi khác. Ông Trần Vĩnh Lộc cho rằng những sản phẩm, điểm đến cũ ở TP.HCM nếu được quan tâm đầu tư làm mới cũng có thể khiến khách quay trở lại. Chẳng hạn, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có cơ sở vật chất rất tốt, kiến trúc cổ rất đẹp, chỉ cần đầu tư nhiều hơn các sự kiện là được. Chợ Bến Thành là điểm đến thu hút rất đông du khách, nhưng chủ yếu tự phát. Nếu ngành du lịch đặt ở đây một quầy thông tin hướng dẫn, hoặc phối hợp với Ban Quản lý chợ tạo nhiều hơn không gian cho du khách, thì chắc chắn chợ Bến Thành sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua. Ngoài ra, TP.HCM gần đây cũng có một số nơi có thể phát triển thành sản phẩm du lịch, như đường sách Nguyễn Văn Bình, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trong đó, tiếc nhất là phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi nơi này chỉ “có vỏ mà không có ruột”. Để phố đi bộ trở thành điểm vui chơi thực sự, ngành du lịch TP.HCM cần phối hợp tổ chức các sự kiện về đêm như ở phố đi bộ bờ hồ ở Hà Nội, có biểu diễn âm nhạc của sinh viên nhạc viện với thủ tục xin phép đơn giản.

 

P.Vy – H.Mai