11/01/2025

‘Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?’

Sáng nay 11-3, chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra tại khuôn viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Đây là năm thứ tư liên tiếp chương trình được tổ chức cho học sinh xứ Nghệ.

 

‘Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?’

Sáng nay 11-3, chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra tại khuôn viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Đây là năm thứ tư liên tiếp chương trình được tổ chức cho học sinh xứ Nghệ. 

 

 

 

'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Các bạn học sinh rạng rỡ có mặt tại buổi tư vấn – Ảnh: NAM TRẦN

Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. 

Nghệ An là nơi nhiều trường ĐH lớn tại Hà Nội và TP.HCM coi là vùng tuyển sinh quan trọng, vì thế các trường rất quan tâm tới chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại đây.

Từ 7h30 sáng, trước giờ khai mạc chương trình chính thức, trên 20 trường có bàn tư vấn tại chương trình đã bắt đầu cung cấp tài liệu và tư vấn cho các bạn học sinh đến sớm.

Trước giờ khai mạc hơn 30 phút, rất nhiều học sinh đã có mặt, ngồi ngay ngắn ở khu vực sân khấu chính để chờ phiên tư vấn bắt đầu.

“Điều em quan tâm là những điểm mới liên quan tới xét tuyển ĐH năm nay. Tuy đã đọc kĩ quy chế nhưng em vẫn muốn được trực tiếp hỏi các thầy, cô ở Bộ GD-ĐT”, một học sinh chia sẻ.

 

 
 
 
 

 
 

Em Nguyễn Trung Đức – học sinh lớp 12A4 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinhcho biết em đến dự chương trình để biết thêm nhiều thông tin về kỳ thi năm nay cũng như cách làm bài để đạt điểm cao - Clip: Doãn Hoà

 

Trong khi đó nhiều học sinh khác của trường Phan Bội Châu lại quan tâm đến các quy định về tuyển thẳng, các chương trình đào tạo tiên tiến, chính sách học bổng của các trường ĐH.

“Em đang cân nhắc việc học một trường khối Kinh tế trong Nam hay học ngoài Bắc, em hy vọng sau chương trình tư vấn này, em sẽ có câu trả lời”, một trong những học sinh có mặt sớm ở khu vực tư vấn chung chia sẻ.

Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Nghệ An dự kiến thu hút khoảng 6.000 học sinh và nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Ban tư vấn của chương trình cũng nhiều ‘màu sắc’ nhất trong chuỗi chương trình tư vấn năm nay, với đại diện của 4 bộ: Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đại diện các thầy, cô của nhiều trường ĐH ba miền Bắc-Trung-Nam.

TS Vũ Viết Bình, nhiều năm tham gia chương trình của báo Tuổi Trẻ, cho biết ông rất hào hứng khi tư vấn ở khu vực miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng vì các em học sinh ở đây rất hiếu học, chịu khó tìm hiểu và đặt câu hỏi sắc sảo. 

Phát biểu khaimạc chương trình, TS Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD- ĐT, đánh giá cao ý nghĩa của chương trình Tư vấn Tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trong suốt 15 năm qua nói chung và chương trình được tổ chức tại Nghệ An ngày 11-3 khi thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH đang đến gần.

“Thay mặt Bộ GD- ĐT, tôi trân trọng cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đồng hành cùng với ngành giáo dục và với các em học sinh bền bỉ suốt 15 năm qua. Các chương trình tư vấn thiết thực này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của một tờ báo lớn.

Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong ban tư vấn đồng hành nhiều năm với chương trình, cung cấp thông tin, tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp cho học sinh cả nước. Bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp của các thầy cô, hy vọng sau buổi tư vấn hôm nay, mọi băn khoăn, thắc mắc của thí sinh sẽ được giải toà”- ông Hồng nhấn mạnh.

Đề thi: sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó

'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
TS. Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD- ĐT chia sẻ những điều cần biết chung cho các thí sinh – Ảnh: Nam Trần

Trước băn khoăn của thí sinh “nội dung của đề thi sẽ nằm trọng tâm ở đâu”, TS Sái Công Hồng trả lời: “Đề thi chủ yếu thuộc… ngân hàng đề”. Trước tiếng “ồ” đầy ngạc nhiên của cả ngàn học sinh dự chương trình, ông nói tiếp: “Thực tế, các nội dung kiến thức trong đề thi sẽ xoáy vào nội dung của sách giáo khoa lớp 12.

Tuy nhiên, để nắm chắc kiến thức lớp 12, các em cũng cần phải có nền tảng kiến thức các năm trước. Ví dụ để làm bài thi toán, dù trọng tâm kiến thức lớp 12 nhưng các em vẫn phải vận dụng kỹ năng cộng, trừ được học từ lớp 1, lớp 2. Cũng giống như một đứa trẻ trước khi biết đi thì phải biết bò, biết đứng”, ông Hồng so sánh.

Ông Hồng cũng nhắc thí sinh cấu trúc các đề thi sẽ có 60% kiến thức cơ bản, 40% câu hỏi dùng để phân loại thí sinh, nên các em cố gắng tận dụng để làm tốt phần kiến thức cơ bản trước, không nên quá “đắm đuối” với những nội dung đề thi khó sẽ mất thời gian và có thể không hiệu quả cho kết quả cuối cùng.

Đặc biệt, đề thi sẽ được xây dựng theo nguyên tắc từ câu dễ đến câu khó. “Điều này giúp các em không phải mất công đọc toàn bộ đề thi mà làm tuần tự từ đầu đến cuối, làm từ dễ đến khó, sức đến đâu làm đến đó” – ông Hồng lý giải.

Trường học lớn nhất là “trường đời”

“Muốn trở thành chủ tịch nước, Tổng bí thư thì học trường nào?”, câu hỏi này của một học sinh làm nóng sân khấu tư vấn chung. TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là câu hỏi hóc búa.

Chia sẻ với học sinh này, TS Hồng cho biết hiện không có một trường đại học nào đào tạo để làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Nhưng các trường ĐH đều cung cấp kiến thức nền cho các em. Ngoài ra các em cần bổ sung các kiến thức mềm.

Và đặc biệt, có một trường ĐH lớn nhất là Trường Đời. Ở đó các em sẽ có những trải nghiệm quý giá, những bài học cuộc sống để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. “Các em hoàn toàn có thể trở thành nguyên thủ quốc gia nếu các em có ý thức học hỏi và luôn nỗ lực rèn luyện”, TS Hồng nhấn mạnh.

 

 
 
 
 

 
 

Tiến sĩ Vũ Viết Bình – Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội trả lời thắc mắc của học sinh về đối tượng ưu tiên, phương thức xét tuyển – Clip: Doãn Hoà

 

“Nên yêu một người và thích cùng lắm vài ba người thôi”

Ở cả phiên tư vấn chung và tư vấn chuyên sâu, rất nhiều học sinh thắc mắc về việc nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng là vừa, có nên tận dụng hết các nguyện vọng không?

TS Vũ Viết Bình, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Theo thầy, tốt nhất ta chỉ nên yêu một người và thích vài ba người thôi, chứ yêu quá nhiều, thích quá nhiều thì sẽ dễ rơi vào tình thế ‘lắm mối, tối nằm không’. Ttrong việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp cũng thế, các em nên chọn một lĩnh vực nào mình phù hợp nhất để tập trung nguyện vọng vào lĩnh vực đó”.

Về điều này, TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng cho rằng các bạn học sinh khi chưa biết mình thích gì thì cần tìm hiểu kĩ hơn. Ví dụ ngành mình tìm hiểu sẽ học về cái gì, học ở đâu, yêu cầu học tập thế nào, ra trường làm việc gì, làm ở đâu. Từ đó cân nhắc tới tố chất, sở thích của mình để xác định nguyện vọng cần chọn.

Cận 5 độ có được làm bác sĩ?

'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
PGS-TS Nguyễn Thị Bình – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội trực tiếp giải đáp thắc mắc cho các bạn học sinh – Ảnh: Doãn Hoà

Giải đáp thắc mắc này của bạn Phan Thị Tâm, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, PGS-TS Nguyễn Thị Bình - phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội cho hay bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi người lao động có đủ sức khỏe để làm việc.

“Nếu bạn có sức khoẻ nhưng bị cận 5 độ vẫn có thể làm được bác sĩ vì trên thực tế có những bác sĩ đeo kính cận khi mổ. Tuy nhiên, trong thời gian học tập, bạn phải thường xuyên đi khám để điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng, thói quen đọc sách…để giảm độ cận”, cô Bình nhắn nhủ.

Trả lời câu hỏi của một học sinh: “Trường ĐH Y Hà Nội có tuyển giảng viên là sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường hay không?”, cô Bình thông tin: hiện nay Trường ĐH Y Hà Nội có khoảng 700 giảng viên giảng dạy, trong đó có nhiều thầy cô là sinh viên từng được đào tạo của trường.

“Nếu bạn có niềm đam mê nghề nghiệp, phấn đấu rèn luyện học tập, tích lũy cho mình kinh nghiệm thì tôi tin bạn sẽ làm được nghề mình thích”, cô Bình nhắn nhủ.

“Cô nói các em có nghe rõ không?”

Câu hỏi của TS Lê Thị Thanh Mai – Trưởng ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM trong phiên tư vấn chung tại Nghệ An nói lên đặc trưng của chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại xứ Nghệ, khi mà các thầy cô trong ban tư vấn từ ba miền Bắc-Trung-Nam cùng hội tụ để tư vấn cho các em học sinh miền Trung. 

Sự “khác biệt ngôn ngữ” đã không trở thành vấn đề khi các khu tư vấn trở nên sôi động. Khá nhiều học sinh bày tỏ sự cân nhắc trong việc nên “vào Nam, hay ra Bắc”.

TS Lê Thị Thanh Mai khẳng định không thể nói trường nào sáng giá hơn trường nào vì mỗi trường có một đặc thù, có ưu điểm riêng. Bởi vậy, các em học sinh cần tìm hiểu thông tin của các trường cụ thể trong khối ngành các em quan tâm để cân nhắc trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện học tập và khả năng thích ứng với các yêu cầu đề ra của mỗi trường.

Cô Mai cũng cho rằng cơ hội việc làm, cơ hội thành công lệ thuộc vào các bạn sinh viên rất nhiều. (V.HÀ-N.HÀ)

Nghề pha chế “hút” nam sinh

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh ở Nghệ An, gian hàng tư vấn hướng nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo thu hút sự quan tâm của nhiều nam sinh với nghề pha chế.

Trực tiếp tự tay pha chế nước ép táo dưới sự hướng dẫn của thầy cô, bạn Nguyễn Văn Hoà – Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hào hứng chia sẻ: “Những năm gần đây, tôi thấy nhiều anh chị học nghề thời gian ngắn, đỡ chi phí đào tạo lại có thể tìm được việc làm ngay sau khi ra trường nhờ được học nghề sớm.

Con đường tạo cho mình việc làm không nhất thiết phải học ĐH, nên tôi có thể chọn nghề pha chế nước uống, chế biến thực phẩm…vừa là sở thích vừa phù hợp với năng lực học tập của tôi”. (DOÃN HÒA)

'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Một học sinh đặt câu hỏi với các thầy cô trong ban tư vấn – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Ông Đỗ Văn Giang – Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các học sinh – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác chính trị – sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Rất đông các bạn học sinh tham gia các hoạt động tại những gian tư vấn trường đại học tại buổi tư vấn – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Bạn Nguyễn Văn Hoà – Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thích thú khi tìm hiểu nghề pha chế tại buổi tư vấn – Ảnh: Doãn Hoà
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Hàng ngạn học sinh ở Nghệ An chăm chú theo dõi những chia sẻ của các chuyên gia và thầy cô trong ban tư vấn – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Những thông tin bất ngờ, thú vị từ ban tư vấn khiến học sinh thích thú – Ảnh: Nam Trần
'Muốn làm chủ tịch nước, tổng bí thư học trường nào?'
Các em học sinh Nghệ An đến dự chương trình tư vấn sáng 11-3 – Ảnh: Nam Trần

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ – DOÃN HOÀ