11/01/2025

EU – ASEAN tiến tới tự do hoá thương mại

Sau những trục trặc, năm 2017 được xem là thời điểm chín muồi để Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khởi động cho thoả thuận hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai khối.

 

EU – ASEAN tiến tới tự do hoá thương mại

 Sau những trục trặc, năm 2017 được xem là thời điểm chín muồi để Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khởi động cho thoả thuận hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai khối.

 

 

 

EU - ASEAN tiến tới tự do hóa thương mại
Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, Chủ tịch AEM Ramon Lopez, Uỷ viên thương mại EU Cecilia Malmstrom và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại cuộc họp AEM – EU ở Philippines ngày 10-3 – Ảnh: Reuters

Hôm 10-3, Hội nghị tham vấn bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao uỷ thương mại EU (AEM – EU) lần thứ 15 đã diễn ra tại thành phố Pasay, thủ đô Manila (Philippines). Sự kiện lần này có diễn biến đáng chú ý khi hai bên thống nhất thúc đẩy tái đàm phán hiệp định tự do thương mại, đồng thời chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Hồi sinh FTA

Phát biểu trong cuộc họp báo ra tuyên bố chung của hội nghị AEM – EU, Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khuôn khổ cho các cuộc thảo luận để tái khởi động đàm phán FTA giữa EU và ASEAN. Dù vậy, vẫn chưa có sự xác định về mặt thời gian cho việc này.

“Chúng tôi tin rằng việc kết nối cũng như giải quyết trở ngại trong thương mại giữa hai thị trường là điều rất quan trọng. Việc có một thoả thuận giữa hai khu vực ASEAN và EU là mục tiêu dài lâu mà chúng ta đã bàn thảo trong nhiều năm nay. Hiện giờ chúng tôi đang tiến hành các bước tiếp theo để đạt mục tiêu ấy” – Reuters dẫn lời bà Malmstrom.

“Nhằm củng cố đà phát triển, AEM và Cao ủy thương mại EU giao nhiệm vụ cho các quan chức kinh tế cấp cao phát triển một khuôn khổ bao gồm những điều kiện cần thiết cho một FTA giữa ASEAN và EU trong tương lai, sau đó báo cáo lại tại Hội nghị AEM – EU tiếp theo” - Manila Bulletin dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Philippines đồng thời là chủ tịch AEM, ông Ramon Lopez.

Cũng tại cuộc họp, bà Malmstrom tái khẳng định cam kết của EU về thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư vào ASEAN. Bà cho rằng mối quan hệ giữa hai khối là “sống động, tốt đẹp và đang phát triển”.

Thời điểm quan trọng

Trang EurActiv, chuyên đưa tin về chính sách của EU, nhận định rằng một thỏa thuận thương mại với ASEAN sẽ giúp EU kết nối với thị trường lớn thứ 7 thế giới.

Hiện ASEAN là khu vực hơn 622 triệu dân, quy mô kinh tế khoảng 2,5 ngàn tỉ USD và là thị trường nhập khẩu hàng hoá quan trọng của EU, và là đối tác thương mại lớn thứ ba trên thế giới của EU bên ngoài châu Âu.

EurActiv đánh giá Việt Nam và Philippines thuộc nhóm nền kinh tế có hiệu suất cao nhất thế giới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Tang Siew Mun – giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore) – cho biết: “Đề xuất về FTA là tín hiệu cho sự phát triển định tính quan trọng trong mối quan hệ giữa ASEAN và EU.

Nó cũng cho thấy sự cam kết của cả hai bên về tự do thương mại. Đây chỉ là những ngày đầu, nhưng kết luận cuối cùng về thoả thuận này sẽ nâng mối quan hệ lên tầm 
cao mới”.

Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 40 năm mối quan hệ hợp tác EU – ASEAN, và cũng là năm có nhiều diễn biến quan trọng để cả hai khối xích lại gần nhau hơn.

Thứ nhất, EU đang trải qua giai đoạn khó khăn về chính trị lẫn kinh tế. Sự kiện Anh rời EU (Brexit) cùng chủ nghĩa dân tuý đang thậm chí thách thức sự tồn vong của khối gồm 28 nền kinh tế châu Âu này.

Thứ hai, EU, cũng như ASEAN, đều đang trong giai đoạn phải thăm dò chính sách của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump. Ít nhiều ông Trump cho thấy sẽ đặt “nước Mỹ trên hết”, trong đó bao gồm động thái rút khỏi các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong khi đó, cả EU lẫn ASEAN đều có chung mong muốn hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hoá những nguồn lực từ sự hợp tác cùng có lợi.

“Mỹ và EU là hai nền kinh tế lớn còn lại trong danh sách đối tác đối thoại của ASEAN, mà không có FTA. Tính thời điểm của sự hợp tác EU – ASEAN này cho thấy cả hai đánh giá quan hệ thương mại là ưu tiên. So với những đối tác đối thoại khác của ASEAN, EU đang bắt kịp” – TS Tang Siew Mun nói thêm.

Thứ ba, một vấn đề quan trọng nữa để EU và ASEAN hợp tác ở quy mô cao hơn lúc này là sự sẵn sàng. Hiện nay các nước ASEAN đã ổn định hơn về chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền và dân chủ, thể hiện qua cuộc tổng tuyển cử của Myanmar năm 2016. Đây là sự khác biệt so với những bất ổn như ở Thái Lan giai đoạn trước, tạp chí The Diplomat nhận định.

Thêm vào đó, ASEAN đã giới thiệu thành công hình mẫu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và thương lượng gia nhập các tổ chức thoả thuận thương mại đa phương, ví dụ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai yếu tố này ảnh hưởng tích cực lên khả năng thống nhất và hội nhập của ASEAN, như The Diplomat mô tả, là “một quá trình xây dựng năng lực, tiến trình chuẩn bị” để tham gia vào cuộc chơi chung với EU.

Bóng đang trong chân EU

Trong khi ASEAN có vẻ đã sẵn sàng, “quả bóng” FTA hiện đang nằm trong chân EU. TS Tang Siew Mun nhận định rằng nhiệm vụ quan trọng của EU là xây dựng và duy trì sự ủng hộ giữa 28 thành viên (sắp còn 27 thành viên) đối với sự nâng cấp bắt buộc về mối liên hệ trong lĩnh vực thương mại liên quan tới khối này.

Điều quan trọng nhất là các thành viên EU có đạt được sự đồng thuận về FTA với ASEAN hay không, ông Tang đặt vấn đề.

Trên thực tế từ năm 2007, các cuộc thảo luận về FTA giữa hai khối đã bắt đầu, nhưng tới năm 2009 thì bị trì hoãn vì nhiều lý do. Thay vào đó, EU đã tiến hành đàm phán riêng lẻ với các thành viên ASEAN, và đến nay mới chỉ có FTA với Singapore và Việt Nam.

Tuy nhiên theo tinh thần của cuộc họp vừa qua, một thỏa thuận ở tầm “khối”, tức thỏa thuận chung giữa toàn bộ EU và toàn bộ ASEAN là ưu tiên trong thời gian tới.

NHẬT ĐĂNG