Tranh cãi về nhập cư vẫn chưa kết thúc
Vì sao chính quyền các bang lại “cậy” đến toà án để ngăn lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Donald Trump?
Tranh cãi về nhập cư vẫn chưa kết thúc
Vì sao chính quyền các bang lại “cậy” đến toà án để ngăn lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Donald Trump?
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bị phản ứng khi ban hành sắc lệnh nhập cư sửa đổi – Ảnh: Reuters |
Ông Trump đã xem việc cấm người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ như một trong những vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử.
Trở thành tổng thống, ông đã áp đặt một lệnh cấm nhập cảnh tạm thời lên công dân từ bảy nước (hiện giảm còn sáu) đang có xung đột và đang muốn lánh sang châu Âu hoặc Mỹ.
Tại sao lại chống nhập cư?
Tổng thống Trump lý luận rằng những người có khả năng trở thành những kẻ thánh chiến có thể vào Mỹ do chính quyền không thể kiểm tra nhân thân của họ, vì người tị nạn thường bỏ hết giấy tờ khi rời khỏi vùng chiến sự.
Trong khi đó, phe Cộng hoà tin rằng nước Mỹ đang bị khủng bố đe dọa và muốn ngăn các mối nguy này.
Những người đã bầu cho Tổng thống Trump không muốn thấy “nước Mỹ của họ” tràn ngập người nhập cư, vốn không mang những giá trị như người Mỹ mà lại còn cướp việc làm của người Mỹ, cũng như “ngốn” tiền thuế của người Mỹ vì được hưởng các chương trình phúc lợi.
Còn người ủng hộ ông Obama và thành viên Đảng Dân chủ tin rằng nước Mỹ có bổn phận phải tiếp nhận người nhập cư đang khốn đốn. Đây là lúc nước Mỹ trả giá cho những bất công mà đất nước này đã gây ra cho các quốc gia khác trước đó, cũng như tin rằng càng đa dạng về chủng tộc thì càng tốt cho nước Mỹ.
Họ không cho rằng người tị nạn hay nhập cư bất hợp pháp là “mối đe doạ cho sự tồn vong” của nước Mỹ.
Tiền lệ từ thời ông Obama
Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 2009 đến 2016, cựu tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh cho phép 1 triệu người di cư gốc Latin (những người mà ông gọi là “người mơ giấc mơ Mỹ”) được ở lại nước Mỹ lâu hơn.
Bằng một sắc lệnh hành pháp không thông qua quốc hội, ông Obama cho phép hàng triệu trẻ em Trung Mỹ không có người giám hộ được ở lại Mỹ. Nhóm trẻ em Trung Mỹ này là một phần của khoảng 11-12 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Hoa Kỳ.
Ông Obama can thiệp khiến nhiều người nhập cư bất hợp pháp không bị trục xuất và người nhập cư bất hợp pháp không xuất hiện dù tòa đã triệu tập, cũng không bị truy đến tận cùng.
Chính quyền ông Obama không theo dõi người nhập cư bất hợp pháp nên không ai biết họ đang làm gì ở Mỹ. Nhiều người nhập cư bất hợp pháp được hưởng các phúc lợi như đến trường, chăm sóc y tế.
Để hiện thực hóa quan điểm mềm mỏng với người nhập cư, ông Obama đã sử dụng nhiều sắc lệnh hành pháp. Đảng Cộng hoà từng kiện ông Obama ra toà án liên bang, song không thể ngăn cản nhiều sắc lệnh liên quan đến vấn đề di dân của cựu tổng thống.
Nghĩ là ông Obama đã thiết lập tiền lệ “bẻ cong luật pháp” thông qua các sắc lệnh hành pháp của mình, ông Trump đã vận động tranh cử theo hướng lật đổ “những thành tựu của Obama”, đặc biệt là về nhập cư.
Câu trả lời của ông Trump
Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 27-1, ông Trump đã ký lệnh tạm thời (trong 90 ngày) cấm người tị nạn và người nhập cư từ bảy quốc gia Hồi giáo.
Ngày 9-2, tiểu bang Washington khởi kiện lên tòa án liên bang nhằm chặn lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Hôm 9-3, Washington và các bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ lại đệ trình một vụ kiện khác để ngăn chặn lệnh ngày 6-3 của ông Trump.
Có thể kết luận được gì từ điều này? Các quy trình dân chủ truyền thống đang gặp rắc rối to! Về phía tòa án, cơ quan quyền lực này đã bị chính trị hoá. Họ không còn là trọng tài khách quan với chức năng đảm bảo luật pháp sẽ được thực thi công bằng.
Giờ đây, nhiều tòa án lại hành động như nhà lập pháp tạo ra luật mới, vốn dĩ không phải là chức năng của họ. Cuộc chiến giữa ông Obama và ông Trump chính là minh chứng.
Các nhóm lợi ích cũng cố gắng áp đặt ảnh hưởng chính trị lên các phán quyết của tòa án. Nhiều công ty công nghệ cao như Microsoft, Google, Amazon cho rằng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, thị thực “công nghệ cao” H1B thực chất chủ yếu được cấp cho công nhân Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ một số ít từ Iran, Syria và Iraq. Toà án dường như bỏ qua những người thực sự bị tổn thương bởi hành động của ông Trump.
Điều này đặt ra quan điểm rằng các bang không thể ra tòa để bảo vệ công dân của họ. Đúng hơn là chính công dân phải tự ra tòa. Điều này về cơ bản là cơ sở để bang Washington đứng ra khởi kiện sắc lệnh của ông Trump, dù bang này không bị ảnh hưởng.
Sắp tới có thể nước Mỹ sẽ chứng kiến những cuộc chiến giữa các bang, toà án và tổng thống khi quyền lực chuyển từ Đảng Dân chủ sang Đảng Cộng hòa. Đây là hệ quả của việc toà án đưa ra các quyết định chính trị thay vì tư pháp.
Ông Trump có nghĩa vụ và cơ hội để lấp đầy gần 300 ghế còn khuyết tại toà án liên bang và chọn thẩm phán toà án tối cao. Hệ thống tòa án thiết lập dưới triều Obama vẫn đang tại nhiệm. Một khi ông Trump hoàn tất “tái cơ cấu”, các quyết định của toà án chắc chắn thiên về Đảng Cộng hoà.
Các đời tổng thống Mỹ trước đây cũng đã cấm công dân nhiều nước nhập cảnh vào Mỹ. Tổng thống Jimmy Carter đã cấm dân Iran vào Mỹ từ khi những kẻ thánh chiến chiếm toà sứ quán Mỹ năm 1979. |
Thêm 3 bang phản đối sắc lệnh nhập cảnh của ông Trump Cùng với Hawaii, có thêm 3 bang khác của Mỹ tham gia cuộc chiến pháp lý phản đối sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump. Theo BBC, bang New York cho rằng sắc lệnh mới dù đã sửa đổi vẫn là một lệnh cấm với người Hồi giáo. Trong khi đó bang Washington khẳng định lệnh cấm này gây tổn hại cho họ. Bang Massachusetts sau đó cũng đã lên tiếng phản đối sắc lệnh cùng New York và Washington. Có thông tin hai bang Minnesota và Oregon cũng đang nộp đơn khởi kiện yêu cầu ngăn chặn lệnh cấm nhập cảnh tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 16-3. Tuy nhiên trước những phản đối lần này, Nhà Trắng cho biết “rất tự tin” sẽ chiến thắng trước toà. |