Dạy và học toán: Phải nhanh chóng cải cách phương pháp
Đó là ý kiến chung của hàng trăm bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ sau bài báo “Dạy và học toán: phải thay đổi”.
Dạy và học toán: Phải nhanh chóng cải cách phương pháp
Đó là ý kiến chung của hàng trăm bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ sau bài báo “Dạy và học toán: phải thay đổi”.
Một tiết học môn toán của học sinh lớp 12A6 Trường THPT Ernst Thälmann Q.1,TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Bộ GD-ĐT nên lắng nghe những ý kiến nói thẳng nói thật như thế này. Giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi theo hướng thực tiễn, hướng về cuộc sống |
* Là phụ huynh, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của thầy Phương. Phải nhanh chóng cải cách phương pháp giảng dạy một cách thiết thực: dạy những cái cuộc sống cần, chứ không phải dạy những gì Bộ GD-ĐT có.
* Hồi còn đi học tôi đã thấy rất vô lý khi phải ngồi vắt óc giải những con số mà tôi nghĩ nó chẳng đem lại gì trong cuộc sống. Đến bây giờ cũng đã hơn 20 năm con cái tôi vẫn học theo cách vô nghĩa đó. Với cách học toán như hiện nay thì chúng ta đã quá lạm dụng chất xám của trẻ em, có thể các em học được nhưng sẽ hao tốn rất nhiều năng lượng và sẽ đuối sau đại học.
* Hiện nay có rất nhiều học sinh đang học lớp 12 quá bận rộn: ngoài học ở trường còn học thêm đến 2 hoặc 3 thầy giáo toán khác, nhưng không ít em lại không biết tính diện tích hình tròn hay chu vi đường tròn. Tích phân hay đạo hàm thì các em lại giỏi. Nghe có vẻ lạ nhưng sự thực là vậy. Vì những kiến thức nào không ra trong các kỳ thi thì bị xem nhẹ, bỏ qua.
* Chỉ nên dạy toán cơ bản đủ dùng thôi. Mỗi người một năng khiếu riêng, ai yêu và có năng khiếu về toán thì học sâu hơn, phân nhánh ra từ cấp III. Còn những ai có năng khiếu về xã hội, sinh, hoá… thì học nhiều toán làm gì? Chỉ là làm khổ học sinh, tất cả đều bị ép vào một cái khung chương trình toán cứng nhắc! Tôi học ngành hoá, hằng đêm tôi vẫn mơ và sợ hãi khoảng thời gian vật vã học toán, chẳng liên quan gì tới hóa. Đi làm 13 năm nay và có lẽ đến lúc chết cũng không dùng đến cái sin, cos, vi phân, chuỗi… Ôi cái khung chương trình giáo dục!
* Ý kiến nêu trong bài báo quá chính xác. Học trò xứ mình học nhồi nhét đủ thứ rối rắm như tích phân, đạo hàm, thuật toán, nhưng học xong rồi để đó… Bộ GD-ĐT cứ thử hỏi 100 người học xong THPT xem có bao nhiêu người nhớ được và vận dụng chút xíu gì mớ kiến thức đó vào cuộc sống không?
* Thầy Phương đã nói những điều mà nhiều người muốn nói từ lâu. Mong rằng Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của thầy, nếu không thì còn nhiều thế hệ học sinh với hàng triệu em phải vất vả, gian nan vì sự trì trệ và bảo thủ của một cơ quan.
* Cảm ơn thầy Phương! Nếu toán học Việt Nam được định hướng thiết thực như vậy, thì thế hệ trẻ của đất nước trong tương lai sẽ có được một môi trường học tập tốt hơn. Ước mơ của phụ huynh chúng tôi là con cái mình được học những điều cần học, có thể áp dụng sau này cho cuộc sống…
* Không riêng gì toán, nhiều môn học khác ở phổ thông cũng ôm đồm về kiến thức. Cho các cháu học sinh học nhiều vậy thì lấy thời gian ở đâu mà tư duy, tìm hiểu, sáng tạo, ứng dụng, trải nghiệm thực tế. Chuyện ép học “cao siêu” như thế này còn dẫn đến việc buộc học sinh phải đi học thêm.
* Tôi và các bạn đại học của tôi đều là kỹ sư viễn thông. Từ thực tế việc học, chúng tôi đều thấy mình đã học nhiều thứ không dùng đến trong công việc và đời sống. Chúng ta đã qua nhiều lần cải cách giáo dục, rồi giảm tải… nhưng tôi chưa thấy có hiệu quả, học sinh vẫn phải học quá nhiều thứ, quá mất thời gian và công sức, trong khi những kỹ năng sống cần thiết cho cuộc sống thì không được học bao nhiêu, đúng hơn là không có thời gian để học…