10/01/2025

Malaysia mật đàm với Triều Tiên

Malaysia đang bí mật đàm phán với CHDCND Triều Tiên để giải quyết các khúc mắc ngoại giao giữa hai nước, bao gồm gỡ bỏ lệnh ngăn chặn công dân của nhau.

 

Malaysia mật đàm với Triều Tiên

Malaysia đang bí mật đàm phán với CHDCND Triều Tiên để giải quyết các khúc mắc ngoại giao giữa hai nước, bao gồm gỡ bỏ lệnh ngăn chặn công dân của nhau.




Xe cảnh sát Malaysia chặn lối ra vào Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur /// Reuters

Xe cảnh sát Malaysia chặn lối ra vào Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala LumpurREUTERS

Reuters ngày 9.3 dẫn một nguồn tin ở Malaysia cho hay không có quốc gia khác nào tham gia cuộc đàm phán, kể cả Trung Quốc, vốn có mối quan hệ thân thiết với cả hai bên. Thủ tướng Najib cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào với CHDCND Triều Tiên đều diễn ra trong phòng kín. “Tôi chỉ có thể công bố thông tin rằng chính phủ Malaysia đang trong tiến trình xác định lý do và động cơ đằng sau những hành động của Triều Tiên”, ông Najib nói.
Căng thẳng ngoại giao giữa Triều Tiên và Malaysia leo thang do bất đồng về cuộc điều tra vụ công dân Triều Tiên tên Kim Chol bị sát hại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 (Malaysia) hôm 13.2. Đầu tuần này, Bình Nhưỡng đã cấm công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên cho đến khi khúc mắc giữa hai bên được giải quyết và Kuala Lumpur cũng đáp trả bằng động thái tương tự.
Tuy nhiên, ngày 9.3, hai trong số 11 công dân Malaysia mắc kẹt ở Triều Tiên đã được phép rời khỏi nước này và đến Bắc Kinh. Đây là 2 người làm việc cho Tổ chức Chương trình lương thực thế giới (WFP) của LHQ. AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Malaysia tiết lộ Kuala Lumpur không có động thái gì để 2 nhân viên WFP được rời khỏi Triều Tiên. “Họ chỉ có giấy thông hành của LHQ”, vị quan chức nói.
Thông tấn xã Bernama dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 9.3 cho biết Triều Tiên đảm bảo an toàn cho công dân Malaysia bị giữ lại tại nước này. Ông Najib khẳng định: “Quan hệ ngoại giao Malaysia – Triều Tiên sẽ không bị cắt đứt bởi chúng ta cần phải liên lạc với họ để tìm ra giải pháp”.
Trong khi đó, trong cuộc họp kín để thảo luận về vụ Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo hôm 6.3, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã đề cập đến vụ án mạng ở Malaysia.
“Nhưng hiện chưa có đề xuất hành động nào được nêu lên tại Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến vụ việc ở Malaysia”, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft nói với các phóng viên.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất lưu ý cho đến khi cuộc điều tra chưa hoàn tất, cộng đồng quốc tế sẽ không có hành động gì.
“Do tính chất phức tạp và nhạy cảm của vụ án, cuộc điều tra có thể kéo dài hơn dự kiến. Chính phủ Malaysia sẽ hợp tác toàn diện với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và các tổ chức quốc tế khác để mang thủ phạm ra trước tòa”, Reuters dẫn lời đại diện thường trực của Malaysia tại OPCW Ahmad Nazri Yusof phát biểu về vụ án mạng được cho là sử dụng chất độc VX, vốn bị LHQ liệt vào danh sách vũ khí giết người hàng loạt.
Theo Công ước về vũ khí hóa học, các quốc gia thành viên OPCW trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể trình lên Hội đồng Bảo an LHQ và Đại hội đồng LHQ để có hành động thích hợp.
Tổng giám đốc Cơ quan Di trú Đài Loan Hà Vinh Thôn ngày 9.3 đã bác bỏ thông tin từ truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Kim Han-sol – con trai ông Kim Jong-nam – đang ẩn náu tại Đài Loan. Tuy nhiên, quan chức này nói ông không có thông tin về việc liệu Kim Han-sol có quá cảnh tại Đài Loan trên đường đến nơi khác hay không.
Trước đó, ngày 7.3, một nhóm có tên Cheollima Civil Defense đã đăng lên YouTube một đoạn video ghi hình một người được cho là Kim Han-sol, đồng thời tuyên bố đang bảo vệ Kim cùng gia đình, làm dấy lên nhiều đồn đoán về tung tích của nhân vật này.

 

Phúc Duy