10/01/2025

Giao tranh ác liệt gần biên giới Myanmar – Trung Quốc

Ít nhất 30 người chết trong đợt đụng độ dữ dội giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang ly khai tại khu vực gần biên giới với Trung Quốc.

 

Giao tranh ác liệt gần biên giới Myanmar – Trung Quốc

Ít nhất 30 người chết trong đợt đụng độ dữ dội giữa quân đội Myanmar và nhóm vũ trang ly khai tại khu vực gần biên giới với Trung Quốc.





Các thành viên nhóm vũ trang MNDAA tại Kokang, đông bắc Myanmar /// Reuters

Các thành viên nhóm vũ trang MNDAA tại Kokang, đông bắc MyanmarREUTERS

Ngày 7.3, Tân Hoa xã dẫn thông cáo từ chính phủ Myanmar cho hay binh sĩ và các tay súng thuộc Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) giao tranh ác liệt ở Laukkai, thủ phủ của Khu tự trị Kokang, đông bắc nước này.
Theo phía chính phủ, vào khoảng 2 giờ ngày 6.3 (giờ địa phương), MNDAA bất ngờ tiến hành đợt tấn công bằng vũ khí hạng nặng. Các tay súng bắn phá một số toà nhà chung cư, khách sạn, doanh trại quân đội và đốt nhiều xe cộ bên đường. Gần như cùng lúc, khoảng 30 thành viên MNDAA giả trang làm cảnh sát tấn công một chốt an ninh nhưng bị binh sĩ chính phủ phản công dữ dội. Khoảng 30 phút sau, 50 tay súng kéo đến vây hãm tư dinh của ông U Wai San, một quan chức thuộc chính quyền Kokang, và một khách sạn ở Laukkai. Nhóm này thiêu rụi 4 chiếc xe hơi và cướp đi một khoản tiền lớn trong khách sạn trước khi rút đi.
Theo tờ The Myanmar Times, đụng độ kéo dài cả ngày tại nhiều địa điểm trong thành phố và đến hơn 17 giờ ngày 6.3, MNDAA mới rút quân về phía biên giới với Trung Quốc. Đến ngày 7.3, tin từ Văn phòng Cố vấn nhà nước Myanmar cho biết giao tranh đã khiến ít nhất 5 cảnh sát giao thông và 5 dân thường thiệt mạng. Ngoài ra, còn có 4 cảnh sát bị phía MNDAA bắt giữ làm con tin. Các binh sĩ cũng tìm thấy 20 thi thể được cho là thành viên nhóm vũ trang ly khai.
Hồi năm ngoái, MNDAA cùng 3 nhóm vũ trang khác là Quân đội giải phóng quốc gia Ta-ang (TNLA), Quân đội độc lập Kachin (KIA) và Quân đội Arakan hợp quân thành lập cái gọi là Liên minh Phương bắc. Sau cuộc đụng độ, liên minh này ra tuyên bố cáo buộc quân đội tấn công vào phe nổi dậy ở Kokang nên họ “phải tự vệ”.
The Myanmar Times dẫn lời phát ngôn viên TNLA Mai Aik Kyaw cảnh báo Liên minh Phương bắc có thể tiếp tục đáp trả. “Tấn công một trong những đồng minh của chúng tôi là tấn công chúng tôi”, ông Mai Aik Kyaw tuyên bố.
Theo giới quan sát, vụ đụng độ mới là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi nhằm đạt được giải pháp hoà bình với các nhóm vũ trang ly khai tại Myanmar. Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài ngày sau khi bà Suu Kyi gặp phái đoàn của một số nhóm vũ trang khác để thuyết phục họ tham gia hội nghị hòa bình quốc gia. Trung tâm hòa bình và hoà giải quốc gia do bà Suu Kyi dẫn đầu đã ra tuyên bố kêu gọi MNDAA chấp nhận đàm phán.
Cũng trong ngày 7.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn leo thang và trả lại trật tự bình thường cho khu vực biên giới. Reuters dẫn lời ông Cảnh xác nhận nhiều người Myanmar đã tháo chạy sang Trung Quốc từ ngày 6.3 và đang được hỗ trợ nhân đạo. Phát ngôn viên này cho biết thêm chưa có thông tin về trường hợp người Trung Quốc bị thương hay thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới.
Hồi tháng 11.2016, ít nhất 2 người ở thị trấn Uyển Đinh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc bị thương do đạn pháo bay lạc sang trong trận đột kích của Liên minh Phương bắc vào các chốt an ninh tại bang Shan. Ngoài ra, gần 100 người Myanmar chạy sang Uyển Đinh lánh nạn, buộc chính quyền địa phương kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và tăng cường cảnh sát vũ trang để theo dõi tình hình, theo Hoàn Cầu thời báo.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra lệnh đặt lực lượng biên giới trong tình trạng báo động cao. Trước đó, Bắc Kinh hồi tháng 3.2015 điều động chiến đấu cơ đến khu vực sau khi 4 công dân Trung Quốc thiệt mạng và 9 người bị thương do bom rơi từ Myanmar.

 

Văn Khoa