10/01/2025

Trải nghiệm để chọn đúng nghề

Không chỉ mời chuyên gia tới trường tư vấn chọn nghề cho học sinh, nhiều trường THPT đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh phát hiện thế mạnh, nhận ra sở trường nhằm xác định nghề nghiệp cho tương lai.

 

Trải nghiệm để chọn đúng nghề

Không chỉ mời chuyên gia tới trường tư vấn chọn nghề cho học sinh, nhiều trường THPT đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh phát hiện thế mạnh, nhận ra sở trường nhằm xác định nghề nghiệp cho tương lai.



Phạm Phối Như (trái), lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Du, thử làm giáo viên /// Ảnh: Lam Ngọc

 

Phạm Phối Như (trái), lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn Du, thử làm giáo viênẢNH: LAM NGỌC

Nhìn tận mắt, sờ tận tay
Q.9 (TP.HCM) có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất công nghệ cao vì thế một số trường THPT trên địa bàn đã liên hệ với doanh nghiệp (DN) nhờ hỗ trợ để học sinh (HS) được tới tham quan tìm hiểu quá trình lao động sản xuất của công nhân, nhân viên làm việc tại đây. Trong các chuyến tham quan thực tế này, HS được nhìn tận mắt, sờ tận tay các công đoạn để tạo ra một sản phẩm. Thông qua việc tìm hiểu thực tế này, HS có những thông tin về công ty, từ đó giúp HS lựa chọn nghề nghiệp có cơ sở hơn.
Một vài năm trở lại đây, Trường THPT Phước Long (Q.9) luôn duy trì hoạt động này. Bà Mai Tuyết Vân, Phó hiệu trưởng, cho rằng đây là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa. Nó sẽ giúp phân luồng và giúp HS tiết kiệm thời gian để tìm hiểu về ngành nghề. Theo bà Vân, không phải HS cứ vào ĐH sau đó ra trường là có việc làm mà trên thực tế số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp hằng năm rất nhiều. Ngược lại, bất kỳ DN nào cũng cần có những lao động giỏi. Qua những buổi tham quan các DN, HS tự cân đong sức học và tài chính, sau đó trường tiếp tục tư vấn để HS chọn được nghề phù hợp.
Bà Vân cho biết mỗi năm trường có trên 30% HS không vào ĐH. Nếu HS xác định được mục tiêu và bắt tay học nghề ngay sau đó, tham gia vào lao động sản xuất là một cách làm tốt. Việc này sẽ giúp HS tiết kiệm rất nhiều thời gian. Mặt khác, hầu hết các DN ở Q.9 đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ. Vì vậy việc đưa HS tới tham quan sản xuất tại DN sẽ có tác động hai chiều, vừa giúp HS định hình, phân luồng giáo dục nghề nghiệp vừa giúp DN có được nguồn lao động mà không phải tìm đâu xa.
Trải nghiệm để chọn đúng nghề - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Rộng cửa tuyển thẳng vào đại học

Nhiều năm nay quy định xét tuyển thẳng vào ĐH chỉ dành cho học sinh thực sự giỏi hoặc đối tượng đặc biệt. Năm nay, các trường có những quy định riêng dẫn đến cơ hội xét tuyển thẳng vào ĐH dễ dàng hơn.

Một ngày làm…giáo viên

Cũng nằm trong kế hoạch giáo dục hướng nghiệp năm 2016 – 2017, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) xây dựng kế hoạch “Một ngày làm giáo viên” để giúp HS thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn vất vả của thầy cô, vận động HS tích cực hơn trong việc xây dựng bài, tiết học. Ngoài ra, cũng thông qua hoạt động này trường muốn phát hiện và ươm mầm những giáo viên tương lai. “Một tiết dạy không quá nhiều. Tuy nhiên quá trình chuẩn bị bài, soạn giáo án sẽ giúp HS hiểu hơn về nghề giáo. Đặc biệt với những HS có ý định theo nghề sư phạm, tham gia những tiết dạy sẽ giúp các em có được cảm giác thật khi đứng lớp. Qua đó, các em sẽ hiểu được niềm vui cũng như áp lực khi điều hành một tiết dạy”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói về mục đích tổ chức hoạt động này.
Kết quả thu được sau chương trình một ngày làm thầy đó là, hầu hết HS đã thấu hiểu hơn về nghề giáo. “Để có một tiết dạy thành công thì giáo viên không chỉ cần giỏi mà cần biết chịu đựng và nắm trong tay cả một nghệ thuật”, một HS chia sẻ.

Cũng sau những tiết dạy trải nghiệm này, một số HS nhận ra mình hoàn toàn không phù hợp với ngành sư phạm. Lương Thoại Quỳnh (HS lớp 12A3) chia sẻ: “Đứng trên bục giảng nhìn xuống mới thấy mỗi khi lớp ồn, HS không chú ý tới bài giảng, làm việc riêng thì giáo viên sẽ ức chế tới mức nào. Chỉ một ngày trong vai trò giáo viên mà em đã không chịu nổi. Nếu không kiềm chế bản thân thì em đã đuổi các bạn làm việc riêng ra ngoài”. Quỳnh cũng nói thêm: “Vẫn biết nếu thực sự yêu nghề giáo và muốn gắn bó với nghề này vẫn có cơ hội rèn mình qua 4 năm được đào tạo ở trường sư phạm, nhưng em cảm thấy mình hoàn toàn không phù hợp và chắc chắn sẽ không thi ngành này”.

Với Hoàng Nguyễn Gia Linh (HS lớp 12A4) thì khác. Sau khi kết thúc tiết dạy, Linh khẳng định mình chọn nghề sư phạm là đúng. Qua tiết dạy ngữ văn với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Linh được giáo viên chủ nhiệm và một số giáo viên dự giờ đánh giá tiết dạy tốt. Với phong thái tự nhiên, cách giảng bài truyền cảm thu hút HS, các giáo viên có mặt đánh giá Linh hoàn toàn hợp với ngành sư phạm. Điều này đã tiếp thêm động lực giúp Linh vững tin hơn và xác định được nghề nghiệp cho tương lai.


Đổi mục tiêu sau một cuộc thi
Không chỉ bằng những hoạt động học tập mà ngay cả những game show cũng là nơi giúp HS nhận ra thế mạnh của mình và điều chỉnh ngành nghề phù hợp.
Sau cuộc thi Duyên dáng áo dài mà Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) tổ chức vừa qua, nhiều HS đã nhận ra mình có một thế mạnh mới khiến nhiều HS nhen nhóm ý định chọn một nghề khác với dự định ban đầu.
Nguyễn Lê Uyên Phương (HS lớp 11D1) cho biết: “Em học múa và rất thích sân khấu. Tuy nhiên em chưa bao giờ được tham gia một cuộc thi lớn nào nên em không biết mình có hợp với sân khấu hay không. Với em, cuộc thi Duyên dáng áo dài do trường tổ chức là cuộc thi lớn đầu tiên. Qua cuộc thi này em thấy mình khá hợp với sân khấu. Em sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này và nếu có cơ hội sẽ chuyển hướng”. Với khuôn mặt khả ái, chiều cao 1,67 m và tỏ ra có duyên với sân khấu, Tiêu Khánh Phương (HS lớp 10A2) cho biết: “Trước nay em chưa từng nghĩ sẽ tham gia một cuộc thi sắc đẹp nào. Tuy nhiên, qua cuộc thi vừa rồi em cảm thấy mình khá hợp với sân khấu và rất thích trở thành nghệ sĩ. Từ những thế mạnh của bản thân, rất có thể em sẽ lựa chọn một nghề phù hợp hơn trong tương lai”.


 

Lam Ngọc