10/01/2025

Thoáng thị thực, đột phá du lịch

Trang Passport Index vừa đưa ra bảng xếp hạng các cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới dựa trên số lượng quốc gia có thể đến mà không cần visa (thị thực).

 

Thoáng thị thực, đột phá du lịch

Trang Passport Index vừa đưa ra bảng xếp hạng các cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới dựa trên số lượng quốc gia có thể đến mà không cần visa (thị thực).



Du khách nước ngoài tham quan tại TP.HCM  /// Ảnh: Ngọc Dương

Du khách nước ngoài tham quan tại TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo đó, công dân sở hữu hộ chiếu VN có thể đến thăm 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà không cần visa. Thế nhưng, chúng ta lại tỏ ra khá “chặt” trong vấn đề này khi mới chỉ có 23 quốc gia được miễn thị thực khi vào VN.
Bất lợi trong cạnh tranh
Thị thực được ví như tấm “vé vào cửa”. Tâm lý khách du lịch đều coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, gồm chi phí trực tiếp (lệ phí) và gián tiếp (thời gian chờ đợi, quy trình cấp). Vì vậy, đây là một trong những vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia khi đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế đến nước mình.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, nói thẳng quá chặt chẽ trong vấn đề thị thực mang đến rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế của VN. “25 USD phí xin cấp thị thực không phải vấn đề nhưng cái mà du khách băn khoăn nhất chính là phiền phức, mất thời gian. Họ mang tiền đến cho ta mà ta không tạo cho họ cảm giác được “welcome”, được chào đón thì họ không vui, không chọn nữa”, ông nhận xét.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Công ty du lịch Nexus Nguyễn Tử Anh phân tích khách nước ngoài đã quen với việc tự do du lịch không cần xin visa nên khi vào VN, có thêm thủ tục này sẽ gây tâm lý khó chịu cho họ. Họ sẽ phải e dè khi quyết định chi tiền cho một quốc gia mà lại không được chào đón. Như vậy là ta đã thua ngay từ bước đầu.
 
 
Thoáng thị thực, đột phá du lịch - ảnh 1

VN cũng đã bắt đầu nắm bắt được xu thế của thế giới, bắt đầu có những động tác nới nhẹ nhưng nhẹ lại nhẹ quá, không đáp ứng được kỳ vọng. Nếu Chính phủ không gỡ bỏ nút thắt này thì mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ là đưa du lịch cơ bản trở thành nền kinh tế mũi nhọn sẽ không cách nào hoàn thành được

Thoáng thị thực, đột phá du lịch - ảnh 2
 

PGS-TS Phạm Trung Lương,
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

 

Đáng nói là trong khi chúng ta tỏ ra khắt khe về vấn đề visa thì các nước láng giềng từ lâu đã mở rộng cửa đón du khách quốc tế bằng chính sách miễn thị thực. Trong đó phải kể đến Philippines đã miễn thị thực cho gần 165 nước, Malaysia cho 164 nước, Singapore mở cửa cho gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan 61 nước. Đặc biệt, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3.2016, Indonesia đã miễn thị thực thêm cho công dân của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực lên 169. Đây được coi là động thái tiếp thêm đà cho thành công của việc nới lỏng chính sách, miễn thị thực cho công dân đến từ 30 quốc gia vào tháng 4.2015 của Chính phủ Indonesia. Chính sách này đã có hiệu quả tức thì khi lượt khách nước ngoài thuộc diện miễn thị thực đạt 3,3 triệu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

Thực tế cho thấy, các nước có mức tăng trưởng du lịch cao đều thoáng trong vấn đề thị thực. Đơn cử giai đoạn 2011 – 2015, trong khi Thái Lan và Singapore có mức tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình lần lượt 12% và 10%/năm; Philippines 8%, Lào 15%… trong khi tỷ lệ của VN là 7%. Ông Huê cũng chia sẻ thêm: “Các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ họ có quá nhiều sự lựa chọn. Thái Lan, Campuchia hay Trung Quốc, cùng văn hóa Á Đông như mình cũng miễn thị thực, đỡ phiền phức thì tội gì du khách không chọn. Đây chính là bất lợi cho VN trong vấn đề cạnh tranh điểm đến”.
Tháo nút thắt thị thực
PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, chia sẻ vấn đề miễn visa này đã được kiến nghị lên Chính phủ rất nhiều lần nhưng đến bây giờ vẫn chưa được tháo gỡ. “Chúng ta lúc nào cũng lấy lý do lo sợ an ninh. Vậy ở đâu là không cần an ninh? VN cũng đã bắt đầu nắm bắt được xu thế của thế giới, bắt đầu có những động tác nới nhẹ nhưng nhẹ lại nhẹ quá, không đáp ứng được kỳ vọng. Nếu Chính phủ không gỡ bỏ nút thắt này thì mục tiêu đến năm 2020 của Chính phủ là đưa du lịch cơ bản trở thành nền kinh tế mũi nhọn sẽ không cách nào hoàn thành được”, PGS-TS Phạm Trung Lương nói.
Ông Phan Đình Huê đặt vấn đề: Về vấn đề an ninh, các nước như Anh, Mỹ, Singapore còn phải lo nhiều hơn mình mà sao họ vẫn cởi mở miễn visa được? Chúng ta hoàn toàn có quyền không cho nhập cảnh khi cảm thấy có nghi ngờ. Cần phải tách bạch rõ ràng vấn đề an ninh với phát triển du lịch. Đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan kinh tế và các cơ quan an ninh cũng như Bộ Ngoại giao. Điều này gây khó khăn rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch VN.
Có thể thấy, những bất cập liên quan đến vấn đề visa đã được nói đi nói lại rất nhiều lần. Ai cũng biết, thông thoáng trong chính sách thị thực không chỉ mở ra cơ hội cho du lịch mà còn đẩy mạnh phát triển giao thông, xuất khẩu tại chỗ, đầu tư nước ngoài. Đây cũng là lý do khiến Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch không ít lần gửi văn bản kiến nghị Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đối với công dân các thị trường tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển vận tải hàng không và du lịch. Các chuyên gia du lịch đều cho rằng, chúng ta cố gắng cải thiện chất lượng, phát triển dịch vụ, hạ tầng du lịch nhưng chính sách vẫn là điều quan trọng nhất. Nhà nước cần làm một lần, làm đồng bộ, quyết liệt, không nên mở theo kiểu “nhỏ giọt” vì như vậy chính ta đang tự hạn chế tiềm năng của mình.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế vào nước ta ước đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Với khởi động khả quan này, mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017 không phải quá khó khăn. Tuy nhiên, nếu chính sách thị thực thông thoáng hơn, cùng với những cải thiện về hạ tầng du lịch đã và đang thực hiện, tăng trưởng của ngành du lịch sẽ còn có bước đột phá ngoạn mục.

 

Hà Mai