29/11/2024

Quản lý hàng rong ở các nước ASEAN

Việc người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè là tình trạng nhiều nước ASEAN đã và đang phải đối mặt.

 

Quản lý hàng rong ở các nước ASEAN

Việc người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè là tình trạng nhiều nước ASEAN đã và đang phải đối mặt.



Những người bán hàng rong tại thủ đô Bangkok, Thái Lan  /// AFP

Những người bán hàng rong tại thủ đô Bangkok, Thái LanAFP

Một số quốc gia ASEAN như Indonesia và Singapore hiện áp dụng biện pháp quản lý theo hướng tạo điều kiện cho người bán hàng rong có cơ hội buôn bán kiếm sống mà không chiếm dụng vỉa hè.
Xây chợ, trung tâm bán hàng rong
Cơ quan Quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ (KUKMP) thuộc chính quyền thủ đô Jakarta (Indonesia) hồi đầu tháng 2 tuyên bố thực hiện kế hoạch xây thêm 20 trung tâm và 2 chợ cho người bán hàng rong tập trung buôn bán, dùng ngân sách nhà nước và quỹ trách nhiệm xã hội do các doanh nghiệp đóng góp, theo tờ The Jakarta Post.
Giám đốc KUKMP Irwandi nói: “Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp quản lý buôn bán hàng rong tốt hơn, để chúng tôi không còn phải nhắc đến những vụ cưỡng chế hay đuổi người bán hàng rong. Chúng tôi sẽ xây thêm nhiều chợ nhỏ để tạo cơ hội buôn bán kiếm sống cho người bán hàng rong”, ông Irwandi cho hay.
Trước đó, chính quyền Jakarta thí điểm hệ thống quản lý buôn bán hàng rong vào năm 2014. Theo hệ thống này, chính quyền các địa phương thu thập dữ liệu của khoảng 600.000 người bán hàng rong, khoanh vùng những địa điểm cho phép họ tập trung buôn bán. Và mỗi người bán hàng rong phải đăng ký để được cấp thẻ đa chức năng, vừa là thẻ ATM vừa là thẻ nhận diện bao gồm họ tên, sản phẩm và địa điểm buôn bán.
Sau một năm thực hiện, chính quyền Jakarta đánh giá tình trạng hàng rong lấn chiếm vỉa hè có giảm, nhưng số người bán hàng rong “ngoài luồng” vẫn còn cao và nhiều người tự ý bỏ khu vực được phép tập trung buôn bán để trở lại vỉa hè.
Giới chức Jakarta nhận định chương trình này vẫn chưa phát huy hết tác dụng một phần là do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực chấm dứt tình trạng người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè.
Chuyên gia Dian Tri Irawaty thuộc Trung tâm nghiên cứu đô thị Rujak (Jakarta) gọi đây là một bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người bán hàng rong. “Tuy nhiên, chính quyền Jakarta cần mời người bán hàng rong tham gia góp ý, hiến kế nhất là đối với việc tái bố trí địa điểm buôn bán. Nhiều người quay trở lại lấn chiếm vỉa hè bởi vì địa điểm tái bố trí không phù hợp với nhu cầu của họ”, bà Dian nói với The JakartaPost.
Trong một nghiên cứu về mô hình quản lý hàng rong thành công ở Singapore, nhà nghiên cứu Azhar Ghani, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Singapore, viết: “Trong thập niên 1950, chính quyền Singapore muốn dọn sạch hàng rong khỏi vỉa hè, nhưng đa số người dân thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người bán hàng rong”. Điều này khiến các quan chức Singapore thay đổi quan điểm và đưa ra nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi cho người bán hàng rong.
Trong giai đoạn 1971 – 1986, chính quyền Singapore bắt đầu xây dựng nhiều chợ, trung tâm bán hàng rong rải rác khắp nơi “càng nhiều càng tốt”, sẵn sàng giao đất cho các nhà đầu tư với điều kiện phải lập ra trung tâm bán hàng rong ngay trong mảnh đất đó, ông Ghani cho biết.
Chính quyền Singapore cũng tính đến việc tái bố trí người bán hàng rong về khu vực gần với điểm buôn bán trước đây, giúp giải tỏa tâm lý lo sợ mất khách hàng thân thiết, theo ông Ghani.
Người bán hàng rong ở Singapore phải đăng ký kinh doanh, trả tiền thuê mặt bằng tại trung tâm bán hàng rong. Nhưng họ không thiệt thòi bởi vì trung tâm bán hàng rong và món ăn vỉa hè vốn được quảng bá là đặc trưng của đời sống văn hoá Singapore, giúp thu hút hàng ngàn du khách hằng năm, ông Ghani cho hay.
Quản lý hàng rong ở các nước ASEAN - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Những chiến binh xanh ở Đông Nam Á

Những thủ lĩnh trẻ của ASEAN đang góp phần vào công cuộc bảo vệ tài nguyên quý giá của tự nhiên, với các dự án hứa hẹn tạo nên thay đổi trong cộng đồng.
Vỉa hè không của riêng ai
Không giống như Indonesia và Singapore, chính quyền Bangkok (Thái Lan) kể từ giữa năm 2016 bắt đầu chiến dịch giành lại vỉa hè, đuổi những người bán hàng rong, xử phạt xe máy chạy, xe hơi đậu và chạy trên vỉa hè, theo tờ Bangkok Post.
Trong năm 2016, chính quyền Bangkok đã đuổi gần 15.000 người bán hàng rong khỏi 39 khu vực công cộng. “Vỉa hè là dành cho người đi bộ và cộng đồng. Vỉa hè không phục vụ mục đích riêng”, ông Vallop Suwandee, một cố vấn cấp cao của chính quyền Bangkok, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tờ Bangkok Post mới đây dẫn lời một thanh tra cảnh sát cấp cao ở Bangkok thừa nhận rằng giành lại vỉa hè cho người đi bộ là “một nhiệm vụ bất khả thi” do thiếu nhân lực. Và chiến dịch này cũng khiến nhiều người dân bức xúc vì 40% người dân Bangkok kiếm sống nhờ vào những quán hàng rong và đa số người bán hàng rong là người nghèo, theo phản ánh của tờ The Guardian.
Gần đây, một bức ảnh được tung lên Twitter cho thấy nhiều người bán hàng rong “lách luật” bằng cách đẩy xe hàng rong xuống lòng đường buôn bán, kèm theo chú thích: “Họ cấm người bán hàng rong trên vỉa hè, vì thế họ chỉ cần bán trên lòng đường”. Bức ảnh châm ngòi làn sóng tranh luận từ các cư dân mạng ở Thái Lan, theo trang tin về châu Á Coconuts.
“Các quan chức nên có biện pháp sắp xếp khu vực mới cho phép họ tập trung bán hàng rong và không thể chỉ yêu cầu họ tự dọn đi nơi khác. Nếu có lựa chọn khác, họ sẽ không làm như vậy”, cư dân mạng tên Khunnapim bình luận.
Quản lý hàng rong ở các nước ASEAN - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ bom bẩn ở Đông Nam Á

Vụ mất cắp nguyên liệu phóng xạ Iridium-192 ở Malaysia làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang trở thành điểm trung chuyển nguyên liệu phóng xạ để chế tạo bom.

 

Phúc Duy