09/01/2025

Người ĐBSCL bớt trồng lúa để đối phó hạn mặn

Ngay sau Tết Đinh Dậu 2017, nước mặn đã bắt đầu lấn sâu vào các nhánh sông chính của khu vực ĐBSCL. Nhiều nơi đã bỏ trồng lúa vì lo thiệt hại…

 

Người ĐBSCL bớt trồng lúa để đối phó hạn mặn

Ngay sau Tết Đinh Dậu 2017, nước mặn đã bắt đầu lấn sâu vào các nhánh sông chính của khu vực ĐBSCL. Nhiều nơi đã bỏ trồng lúa vì lo thiệt hại…

 

 

 

Người ĐBSCL bớt trồng lúa để đối phó hạn mặn
Ông Nguyễn Văn Sâu, 64 tuổi, ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre), dành ra 6 công ruộng để trồng cỏ nuôi bò thay vì trồng lúa nhằm giảm nguy cơ từ hạn mặn – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tại huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại (Bến Tre) những ngày này, một màu xanh phủ kín, nhưng là màu xanh của… cỏ.

Bỏ lúa để trồng cỏ, sả

Đang cắt cỏ về cho đàn bò 10 con ăn, ông Nguyễn Văn Sâu, 64 tuổi, ngụ huyện Giồng Trôm, cho biết: “Năm rồi tôi làm 17 công ruộng, bị thất thu khoảng 80 – 90%, còn lại lúa thu hoạch được thì chỉ cho vịt ăn thôi. Cho nên năm nay tôi chuyển đổi khoảng 6 công để trồng cỏ cho bò ăn”.

Ông Sâu cho biết thêm số ruộng còn lại ông cũng tính làm vài vụ nữa rồi sẽ lên liếp để trồng dừa.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, chỉ tính riêng hai huyện Ba Tri, Bình Đại, người dân đã chuyển đổi 350ha đất trồng lúa qua trồng dừa, cỏ.

Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) – địa phương được xem là tuyến đầu của vùng chịu ảnh hưởng hạn mặn, cho biết sau đợt hạn mặn năm 2016, nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển đổi mô hình sang trồng sả.

Là địa phương mỗi năm làm ra hơn 1 triệu tấn lúa, chiếm 25% tổng sản lượng lúa của cả tỉnh Kiên Giang, nhưng theo ông Đào Xuân Nha – trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hòn Đất, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, huyện Hòn Đất đã phải tính tới chuyện giảm dần diện tích lúa.

“Cơ cấu nông nghiệp sắp tới của Hòn Đất có thể sẽ là 2 vụ lúa – 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa – 2 vụ màu, tuỳ vào từng địa bàn cụ thể chúng tôi sẽ cân nhắc chuyển đổi cơ cấu.

Hiện tại có nhiều loại cây trồng thay thế cây lúa cho thu nhập khá như hoa màu, rau củ quả, thậm chí nhiều hộ nông dân đã bắt đầu trồng các loại hoa cho thu nhập khá cao” – ông Nha nói.

Sẽ đảm bảo 
nước cho dân

Nhiều địa phương đã chủ động chống mặn để đảm bảo nước cho người dân.

Ông Cao Văn Trọng – chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – khẳng định đợt hạn mặn kỷ lục mùa khô 2015 – 2016 đã gây thiệt hại cho Bến Tre khoảng 1.500 tỉ đồng.

“Độ mặn trên các sông chính tăng liên tục từ trước Tết Đinh Dậu 2017: sông Cửa Đại, huyện Bình Đại độ mặn đã có lúc lên 5 – 8‰. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4 – 7‰ đã đến địa bàn xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam” – ông Trọng nói.

Ông Trọng cho biết năm nay Bến Tre sẽ tăng cường thông tin, có biện pháp để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, giảm thiệt hại.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Tiền Giang, cho biết sau đợt hạn mặn nghiêm trọng xảy ra hồi năm 2016, năm nay ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động nạo vét hệ thống kênh mương để trữ nước phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt.

Tại các cống đập dọc các đê sông Tiền đều được theo dõi độ mặn một cách sát sao để đóng cửa cống kịp thời nhằm đảm bảo nước ngọt cho dân.

Cập nhật độ mặn qua tin nhắn điện thoại

Ông Cao Văn Trọng – chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho biết rút kinh nghiệm năm trước, năm 2017 tỉnh đã chỉ đạo phải định kỳ hằng ngày kiểm tra độ mặn.

Kết quả sẽ được nhắn tin đến số điện thoại lãnh đạo các huyện, thành phố và tận cấp xã, phường. (Mậu Trường)

M.TRƯỜNG – T.TÚ – K.NAM – K.TÂM