Khi sinh viên được giao việc
Nhờ được tin tưởng giao trách nhiệm khi còn trên giảng đường, các sinh viên ở nhiều đại học trên thế giới có cơ hội thực hành các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống.
Khi sinh viên được giao việc
Nhờ được tin tưởng giao trách nhiệm khi còn trên giảng đường, các sinh viên ở nhiều đại học trên thế giới có cơ hội thực hành các kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống.
Đón đoàn Việt Nam ở sân bay, bạn Thái Ngọc Phương Minh vui vẻ: “Về đến ký túc xá, nhóm phụ trách khách mời sẽ mang đồ ăn sáng cho mọi người. Đoàn Hồng Kông đã đến trước rồi”. Minh là du học sinh Việt Nam tại Đại học Đài Loan (NTU) và cũng là trưởng ban tổ chức chương trình tập huấn, giao lưu văn hóa – thể thao Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông, thuộc khuôn khổ hoạt động ngoại khoá của Câu lạc bộ judo NTU.
Người nào việc nấy
Về đến ký túc xá, chưa kịp trầm trồ vì khu thể thao của NTU quá quy mô, các thành viên của đoàn Việt Nam đã rất ấn tượng với cách làm việc nhịp nhàng của đội chủ nhà. Công việc đã được phân chia từ trước nên khi khách vừa đến, bạn thì hướng dẫn phòng ốc, bạn đi ngay ra tiệm gần đó mua đồ ăn, cực kỳ nhịp nhàng.
Minh giải thích với phóng viên Thanh Niên: “Câu lạc bộ tụi mình họp tổng cộng 3 lần cho sự kiện lần này. Cũng hơi khó hẹn giờ vì ai cũng bận bịu việc học. Thời gian ngắn nhưng yêu cầu hiệu quả các buổi họp phải cao nên khâu chuẩn bị trước buổi họp rất quan trọng. Với vai trò là trưởng ban tổ chức, mình phác họa sơ nội dung và nêu một số câu hỏi rồi gửi cho mọi người. Chẳng hạn, mình sẽ lên sẵn lịch tập huấn, sau đó khi họp thì sẽ bàn với các bạn, xem xét cân đối từng hoạt động để có nội dung cuối cùng”.
Cách phân công của các sinh viên thuộc Câu lạc bộ judo NTU rất khoa học: trưởng ban lo mọi việc lớn nhỏ, phân công và điều hành sự kiện; 2 phó ban lo lên lịch chương trình và các hoạt động; một thủ quỹ lo tài chính, một hậu cần lo ăn ở, đi lại, dụng cụ…
Đặc biệt, mọi công việc từ viết kế hoạch, xin tài trợ đến viết thư mời, hướng dẫn thủ tục làm thị thực nhập cảnh… đều do các bạn tự thực hiện. Sau khi phân việc sẽ nhập thành nhóm với 2 hoặc 3 người/nhóm phụ trách các hoạt động nhỏ trong sự kiện lớn: nhóm phụ trách công tác thi đấu thì lo sẵn huy chương, mua quà, mời trọng tài, quy chế thi đấu, y tế…; nhóm phụ trách trò chơi tập thể sẽ chuẩn bị dụng cụ, mượn sân, nghĩ trò chơi… Như vậy, ai cũng sẽ có cơ hội được “chịu trách nhiệm” và công việc của mọi người là như nhau.
Nhờ được sự đóng góp ý kiến của tất cả thành viên Câu lạc bộ judo NTU nên từng chi tiết nhỏ đều được quan tâm. Bạn Trần Lê Phương Nga, cựu sinh viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên đoàn Việt Nam tham gia chương trình giao lưu, chia sẻ: “Các bạn rất chu đáo, tuy chỉ là giao hữu nhưng huy chương rất đẹp hay từng thành viên của đoàn khách đều có quà kỷ niệm”.
TIN LIÊN QUAN
Người trẻ châu Á đối mặt tương lai khó khăn
Thế hệ Thiên niên kỷ ở châu Á, tức những người đến tuổi trưởng thành vào đầu thế kỷ 21, đang đối mặt nguy cơ lâm cảnh ngặt nghèo về tiền bạc trong những năm cuối đời.
Lá phiếu ngang với thầy cô
Trong suốt chương trình giao lưu, các giảng viên, thành viên quản trị NTU chỉ tham dự và hoàn toàn không can thiệp vào công tác tổ chức. Minh cho biết: “Trong thời gian chuẩn bị, nhóm gặp khá nhiều khó khăn nhưng thường sẽ tự tìm cách giải quyết, thầy cô không chủ động xen vào. Nếu cần, mình và các bạn sẽ hỏi ý kiến. Các thầy cô sẵn sàng làm cố vấn hoặc hỗ trợ nhưng không bao giờ áp đặt”.
Minh và đồng đội đã có thói quen tự quản lý, tự tổ chức ngay khi bước chân vào NTU và tham gia câu lạc bộ. Thông thường, hằng năm, đội nam và đội nữ sẽ bầu ra đội trưởng, một “nhiệm kỳ” kéo dài khoảng một năm để nhiều sinh viên có dịp được làm “lãnh đạo”. Hai bạn được bầu sẽ thay mặt huấn luyện viên điều hành và phân chia mọi việc của câu lạc bộ. Qua mỗi năm học, với cách làm này, tinh thần trách nhiệm, khả năng làm việc tập thể của các bạn ngày càng được trau dồi.
Với “vốn liếng” đó, các bạn không hề bỡ ngỡ khi thử sức với sự kiện lớn, như bạn Đỗ Hoàng Xuân Quỳnh (Đại học FPT) kể với Thanh Niên: “Mình hỏi tổ chức một chương trình “hoành tráng” như vậy có khó lắm không thì thật bất ngờ, các bạn Đài Loan bảo không vì… quen quá rồi!”.
Chủ trương giao việc và giao quyền cho sinh viên đang ngày càng trở nên phổ biến tại đại học của nhiều nước. Đại học Pierre et Marie Curie (Paris, Pháp) có một quỹ dành cho các chương trình ngoại khóa thuộc nhiều lĩnh vực như thể thao, văn hoá, hoạt động thiện nguyện… Điều kiện đầu tiên để nộp hồ sơ xin tài trợ từ quỹ là người tổ chức phải là sinh viên. Các bạn phải viết kế hoạch chi tiết, trình bày trước hội đồng và nếu làm tốt, có thể được trường cấp 20.000 – 30.000 euro.
Ngoài ra, tại Pháp, sinh viên luôn có “ghế” trong các hội đồng của đại học. Cụ thể, Hội đồng quản trị cụm Đại học Paris -Saclay (gồm Đại học Paris Sud mà Giáo sư Ngô Bảo Châu từng làm luận án tiến sĩ và làm việc) có 36 thành viên, trong đó có 6 sinh viên. Những sinh viên này sẽ dự mọi cuộc họp và khi cần biểu quyết thì lá phiếu có giá trị tương đương với mọi thành viên khác.
TIN LIÊN QUAN
Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì sao
Vũ trụ có vẻ không còn quá xa vời đối với những bạn trẻ đang là nhân tố chính trong các chương trình nghiên cứu không gian.
Lan Chi