08/01/2025

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Mở rộng phạm vi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ tăng?

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đang xây dựng đề án tuyển sinh theo hướng bỏ quy định hộ khẩu trong xét tuyển đầu vào.

 

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Mở rộng phạm vi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ tăng?

 

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đang xây dựng đề án tuyển sinh theo hướng bỏ quy định hộ khẩu trong xét tuyển đầu vào.



Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là niềm mơ ước của nhiều thí sinh  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là niềm mơ ước của nhiều thí sinhẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Dự kiến tuyển sinh trong cả nước
Trong buổi làm việc chiều 22.2, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã chỉ đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM trong tuyển sinh đầu vào. Đồng thời trường không nên thực hiện bao cấp học phí tràn lan tất cả các đối tượng. Thay vào đó là cấp học bổng cho sinh viên nghèo, còn sinh viên giàu phải đóng học phí theo cơ chế giá thị trường. Như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn, nguồn thu tăng lên để tăng gấp đôi thu nhập cho cán bộ giảng viên.
Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cũng đề nghị trường làm đề xuất trình UBND TP.HCM về việc mở rộng phạm vi tuyển sinh ra ngoài TP.HCM. Theo bà Thu, quy định chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM vào trường ĐH này được thực hiện trước đây để đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cho thành phố. Tuy nhiên theo như báo cáo của trường, dù được cấp gần 1.000 chỉ tiêu ngành y đa khoa nhưng năm ngoái trường không tuyển đủ người học.

Theo chỉ đạo này, dự kiến trường sẽ mở rộng phạm vi tuyển sinh ra cả nước thay vì chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM như trước đây. Riêng ngành y đa khoa, chỉ tiêu có thể giảm nhẹ so với năm ngoái (từ 950 xuống còn 850). Trong số này, có 200 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, 650 sẽ dành cho thí sinh cả nước. Như vậy, với kế hoạch xác định chỉ tiêu này, trường dự kiến sẽ không có sự phân biệt về chỉ tiêu, điểm chuẩn đầu vào giữa đối tượng thí sinh TP.HCM và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, các sinh viên này khi ra trường có khả năng sẽ không còn được phân công nhiệm sở tại TP.HCM như cách làm trước nay.

 
 
Học phí sẽ tăng ?
Theo kiến nghị của trường với UBND TP.HCM trong buổi làm việc ngày 22.2, để nâng cao chất lượng, trường mong muốn được phép thực hiện tự chủ tài chính (phần chi thường xuyên). Hiện nay trường là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên. Mỗi sinh viên đang học tập tại trường được thành phố bao cấp một phần học phí (khoảng 10 triệu đồng/năm), sinh viên chỉ đóng 9 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đề án được thông qua, thành phố có thể sẽ không còn bao cấp học phí cho người học và học phí sẽ tăng lên.

 

Các ngành còn lại, chỉ tiêu dự kiến không thay đổi so với năm 2016. Cụ thể: răng hàm mặt 30, y tế công cộng 30, điều dưỡng 150, xét nghiệm y học 35, kỹ thuật y học 35, khúc xạ nhãn khoa 30. Trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bằng tổ hợp: toán, hóa, sinh cho tất cả các ngành.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước ngày 27.2, các trường ĐH, học viện và CĐ, TC đào tạo trình độ giáo viên phải gửi bộ báo cáo kế hoạch tuyển sinh năm nay. Với điều chỉnh quan trọng này, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể phải gia hạn thời gian nộp đề án trong khi làm đề xuất trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Sẽ nâng chất lượng ?
Cũng trong buổi làm việc trên, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh trường phải mở rộng phạm vi tuyển sinh để chọn những người giỏi nhất của cả nước vào học. Có như vậy chất lượng sinh viên đầu vào của trường mới tốt lên được. “Không thể có quy định Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy điểm thấp chỉ dành cho người có hộ khẩu TP vào học, còn được hỗ trợ tiền học phí”, ông Thăng nói.
Nhận định này đúng với thực tế khi nhìn vào điểm trúng tuyển của trường trong hệ thống chung các trường đào tạo về khối ngành này. Chỉ riêng ngành y đa khoa, cùng trên địa bàn TP.HCM nhưng so sánh điểm chuẩn đầu vào của trường này (chỉ tuyển hộ khẩu TP.HCM) và Trường ĐH Y Dược TP.HCM (tuyển sinh trong cả nước) những qua năm luôn có mức chênh lệch khá lớn. Cụ thể, năm 2016 điểm chuẩn đợt 1 của trường này chỉ 22,8 điểm (trong khi đó Trường ĐH Y Dược TP.HCM 26,75). Năm 2015 điểm chuẩn ngành này 24 (trong khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM là 28 điểm). Ở năm 2016, trường này phải tuyển bổ sung đợt 1 tới 5 ngành, bổ sung đợt 2 thêm 2 ngành mới đủ chỉ tiêu. Như vậy, nếu trường áp dụng quy định bỏ giới hạn hộ khẩu thì sẽ thu hút được thí sinh giỏi tham gia xét tuyển, điểm chuẩn và chất lượng sinh viên đầu vào sẽ tăng lên. Những thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng điểm cao thay vì về các trường có đào tạo ngành y ở các địa phương khác có thể theo học tại trường này.

Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là trường sẽ đáp ứng đào tạo ra sao trong bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ. Theo báo cáo của trường này, trong buổi làm việc chiều 22.2, tổng số cán bộ viên chức toàn trường tính đến cuối năm ngoái có 649 người. Trong đó tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (chỉ 76 người, chiếm tỷ lệ 18% trong tổng số 421 giảng viên). So với tỷ lệ quy chuẩn của trường ĐH tại VN ở mức 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên thì trường còn thiếu khá nhiều. Với quy mô năm 2015 – 2016 là 7.500 sinh viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên hiện còn rất cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường còn chật hẹp, chưa đáp ứng tốt điều kiện thực nghiệm cho sinh viên trong giờ thực hành.

Trường đã được phê duyệt dự án cơ sở 2 tại Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) với diện tích 12,6 ha và 2.500 tỉ đồng. Dự án này dự kiến được khởi công quý 2 năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn còn khó khăn trong giải phóng mặt bằng.


Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Mở rộng phạm vi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ tăng? - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Không thể để lương giáo viên có 3 triệu đồng/tháng!

Ngày 23.2, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc thực hiện tự chủ và công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, định hướng phát triển ngành giáo dục đến năm 2020.


 

Bảo Hân