08/01/2025

‘Nợ khoả thân’ bủa vây nữ sinh Trung Quốc

Nhiều nữ sinh viên Trung Quốc vay tiền của đối tượng cho vay nặng lãi phải thế chấp bằng ảnh khoả thân, thậm chí bị ép bán dâm nếu không trả hết nợ.

 

‘Nợ khoả thân’ bủa vây nữ sinh Trung Quốc

Nhiều nữ sinh viên Trung Quốc vay tiền của đối tượng cho vay nặng lãi phải thế chấp bằng ảnh khoả thân, thậm chí bị ép bán dâm nếu không trả hết nợ.



Nhiều nữ sinh viên ở Trung Quốc sập bẫy “nợ khỏa thân” 	 /// Reuters

Nhiều nữ sinh viên ở Trung Quốc sập bẫy “nợ khoả thân”REUTERS

Báo đài và nhà chức trách Trung Quốc báo động về tình trạng nữ sinh nước này mắc “nợ khoả thân”, bị phát tán ảnh nhạy cảm trên mạng và đã có trường hợp tự sát vì bị ép vào đường cùng. Theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận của Thành đoàn thủ đô Bắc Kinh, các tổ chức “tín dụng đen” chuyên tiếp cận nữ sinh viên có nhu cầu vay tiền thông qua các website dịch vụ cho vay trực tuyến và mạng xã hội. Để được duyệt “hồ sơ vay” nhanh chóng, các nữ sinh phải thế chấp bằng những bức ảnh và video khỏa thân của họ.
Hậu quả nghiêm trọng
Dịch vụ cho vay trực tuyến là mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer lending – gọi tắt là P2P), kết nối trực tiếp người có vốn và người cần tiền mà không cần qua trung gian hay ngân hàng. Mô hình P2P lần đầu tiên xuất hiện ở Anh rồi phát triển mạnh tại Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời Phó khoa Luật Đại học Nhân dân Trung Quốc Diêu Hoa Thanh cảnh báo “tín dụng đen” đang len lỏi, thậm chí tràn lan trên các website P2P ở Trung Quốc.
Do nhu cầu học phí, sinh hoạt phí đắt đỏ tại các đô thị lớn và cả cần tiền để đua đòi ăn chơi, nhiều nữ sinh viên chấp nhận vay nóng với mức lãi suất trên 30%/tháng, thậm chí 30%/tuần. Họ buộc phải cung cấp ảnh, video khoả thân cùng địa chỉ, số điện thoại của tất cả người thân cho chủ nợ.

Theo Thanh Niên Bắc Kinh, trong một số trường hợp nghiêm trọng, đối tượng cho vay thậm chí yêu cầu nữ sinh cung cấp đoạn băng quay cảnh thủ dâm nếu muốn được khất nợ. Chủ nợ cũng thường xuyên doạ tung ảnh lên mạng hoặc đưa cho gia đình nạn nhân để làm áp lực. Thậm chí, một số người bị ép phải bán dâm. “Căn cứ theo luật pháp Trung Quốc, lãi suất cho vay không được phép vượt quá 24% và ý định thật sự của những đối tượng cho vay nặng lãi là dụ dỗ các cô gái trẻ vào những hoạt động liên quan đến tình dục ngay từ ban đầu, hơn là cho vay tiền”, ông Diêu nhận định.

Mới đây, chính quyền tỉnh Sơn Đông tiến hành họp khẩn cấp về thực trạng đáng báo động này và chỉ thị lãnh đạo các trường đại học phải có biện pháp ngăn chặn sau vụ một nữ sinh viên tự sát do không thể trả nợ. Theo báo chí Trung Quốc, nữ sinh họ Vương dùng ảnh khoả thân thế chấp để vay 5.000 nhân dân tệ (727 USD) và đã phải trả hơn 50.000 nhân dân tệ nhưng vẫn chưa thể dứt nợ. Kẻ cho vay doạ tung ảnh lên mạng và do quẫn trí, cô Vương cắt cổ tay tự sát nhưng được cấp cứu kịp thời. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra và bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi dùng mạng xã hội và các website P2P để “săn” những cô gái trẻ có nhu cầu vay tiền trong nhiều năm qua.
Không chỉ riêng ở Sơn Đông mà tình trạng chủ nợ dùng ảnh, video khỏa thân của con nợ để uy hiếp ngày càng lan rộng khắp Trung Quốc. Điều tra cho thấy chỉ riêng trong tháng 11.2016 đã có hơn 160 nạn nhân bị phát tán hình ảnh nhạy cảm với dung lượng lên đến 10 gigabyte.
'Nợ khỏa thân' bủa vây nữ sinh Trung Quốc - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Người trẻ châu Á đối mặt tương lai khó khăn

Thế hệ Thiên niên kỷ ở châu Á, tức những người đến tuổi trưởng thành vào đầu thế kỷ 21, đang đối mặt nguy cơ lâm cảnh ngặt nghèo về tiền bạc trong những năm cuối đời.
Quốc hội vào cuộc
Hồi tuần rồi, tờ Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận nhận định thực trạng “nợ khỏa thân” bủa vây nữ sinh viên Trung Quốc một phần cũng là do những website P2P không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về người cho vay trước khi kết nối họ với giới trẻ. Tờ báo cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục sinh viên về quản lý tài chính cá nhân.
Mặt khác, bài xã luận dẫn lại các kết quả nghiên cứu cho thấy trên 75% sinh viên đại học ở Trung Quốc đang phải chật vật với chi phí sinh hoạt hằng ngày và 39% sinh viên biết được bạn bè họ có vay tiền thông qua các website P2P. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu tín dụng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, 48% sinh viên sử dụng các dịch vụ cho vay trực tuyến, chủ yếu vay tiền để chi tiêu hằng ngày. Khoảng 50% trong số này vay không quá 5.000 nhân dân tệ nhưng với lãi suất “cắt cổ” nên số tiền lãi có thể tăng lên gấp 3, thậm chí gấp 10 lần. Phó khoa Diêu Hoa Thanh nhận định dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn còn hạn chế nên dẫn đến sự bùng nổ P2P và tạo cơ hội cho đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng.

Tương tự, Nikkei Asian Review dẫn lời một nữ luật sư không nêu tên tại Bắc Kinh cho rằng các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng vẫn còn hạn chế cho vay tiêu dùng, khiến khách hàng phải chuyển sang dịch vụ cho vay trực tuyến. “Đa số giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Trung Quốc chỉ muốn duyệt khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và họ không quan tâm đến vay tiêu dùng với khoản vay nhỏ nhưng rủi ro cao. Hiện tại, người dân bình thường có nhu cầu vay tiêu dùng chẳng biết đi đâu, ngoại trừ P2P”, nữ luật sư, người đang cố vấn pháp lý cho 16 website P2P ở Trung Quốc, cho biết.

Bên cạnh đó, những website P2P chỉ tập trung kết nối càng nhiều người có vốn và người có nhu cầu vay càng tốt. Ban quản trị website không chú trọng và cũng không thể kiểm soát hết thỏa thuận giữa người vay và đối tượng cho vay, chẳng hạn như yêu cầu cung cấp tất cả số điện thoại người thân hay ảnh khỏa thân. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo giới hữu trách cần tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ cho vay trực tuyến và cương quyết xử lý những kẻ cho vay nặng lãi dùng ảnh khỏa thân làm thế chấp để uy hiếp người vay. Theo Nikkei Asian Review, vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong tháng 3.2017.

 

Phúc Duy