Mùa mưa thất thường khiến các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, các nhà xe cấu kết làm giá vận chuyển khiến cả nông dân và nhà máy đều kêu trời.
Một vụ mía nhiều bất thường
Mùa mưa thất thường khiến các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Phú Yên thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, các nhà xe cấu kết làm giá vận chuyển khiến cả nông dân và nhà máy đều kêu trời.
Nhà máy đói nguyên liệu
Theo ông Đặng Việt Anh, vào đầu vụ ép có tình trạng nhiều nông dân đã hợp đồng với nhà máy nhưng cố tình chặt mía non, rồi ra yêu sách thu mua. “Mía chỉ có 8 CCS nhưng nhà máy vẫn mua giá mía hợp đồng là 9 CCS. Đến khi mía có chữ đường cao hơn 9 CCS thì nông dân lại bán cho tư thương. Đây là cái khó vì nhà máy đầu tư nhưng tài sản này lại không phải của nhà máy, nên khi nông dân phá vỡ hợp đồng, bán ra bên ngoài thì không xử lý được; nếu chờ khởi kiện ra tòa thì trễ hết thời vụ”, ông Anh nói. Cũng theo ông này, nếu để xảy ra việc tranh mua nguyên liệu sẽ khiến các nhà máy “chết chùm”. “Tình trạng tranh mua mía nguyên liệu từng xảy ra ở các nhà máy đường miền Nam. Nhiều nhà máy rơi vào tình trạng phá sản vì sự cạnh tranh kiểu này. Đây là bài học cho việc điều hành vùng nguyên liệu mía tại khu vực miền Trung – Tây nguyên”, ông Anh cảnh báo.
Ông Đặng Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Tuy Hoà (đặt tại H.Tây Hoà, Phú Yên), cho biết thường lệ nhà máy của công ty này vào vụ ép là tháng 1 hằng năm, nhưng năm nay mưa kéo dài nên mãi đến giữa tháng 2.2017 mới vào vụ ép. Hiện tại, nhà máy chỉ ép 2.230 tấn mía cây/ngày. Ông Anh nói: “Mưa kéo dài khiến đường sá lầy lội, xe không vào được khu vực nguyên liệu mía vận chuyển. Hơn nữa, mưa kéo dài nên người dân cũng chẳng thể ra đồng để chặt mía. Đến khi nắng lên, đường khô ráo thì không có nhân công để chặt mía vì hầu hết công thuê đang nghỉ ăn tết nên nhà máy thiếu nguyên liệu để ép trầm trọng”.
Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam có 2 nhà máy đường đặt tại H.Sơn Hòa và H.Đồng Xuân (Phú Yên) khẳng định, đây là năm có nhiều yếu tố bất lợi với sản xuất mía đường, đặc biệt là thời tiết quá thất thường. Ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết 2 nhà máy ép 9.000 tấn mía/ngày, công ty dự kiến cuối tháng 11.2016 là vào vụ ép mới nên đã mua mía ngoài tỉnh về ép với mục đích lấy bã làm chất đốt duy trì lò hơi máy phát điện của công ty, nhưng cũng không thể thực hiện được theo kế hoạch vì thời tiết quá bất lợi. “Các nhà máy ở những tỉnh lân cận đều vào vụ ép chậm hơn 1 tháng. Riêng KCP thì trễ hơn 1 tuần. Vụ ép này áp lực rất lớn đối với nhà máy vì phải duy trì lò hơi nhà máy điện nên phải mua mía ngoài tỉnh chữ đường thấp”, ông Subbaiah nói.
Theo nhận định của ông Subbaiah, do lượng mưa nhiều nên năng suất mía năm nay sẽ rất cao, nhưng chữ đường lại thấp nhất trong 16 năm qua. Ông phân tích: “Chữ đường chỉ đạt bình quân 8,7 CCS (viết tắt của cụm từ Commercial Cane Sugar, là số đơn vị khối lượng đường saccaroza theo lý thuyết có thể sản xuất từ 100 đơn vị khối lượng mía – PV), trong khi mua của người dân theo hợp đồng đã ký 9 CCS nên nhà máy lỗ nhưng vẫn mua nhằm đảm bảo cho người dân”.
Theo ông Subbaiah, kế hoạch niên vụ ép của Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam sẽ kết thúc vào tháng 4.2017, nhưng do mưa kéo dài nên lịch kết thúc niên vụ cũng kéo đến giữa tháng 5.2017. Trong khi đó, ông Anh cũng cho biết lịch kết thúc niên vụ ép của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hoà sẽ chậm hơn 1 tháng so với mọi năm.
Nhà xe “làm giá”
Trong khi thiếu nguyên liệu, mía chữ đường thấp… thì các nhà máy và nông dân còn gặp cảnh nhà xe vận chuyển làm giá. Ông Đặng Việt Anh cho biết: “Trước đây, nhà xe hưởng cước phí nhà máy và tiền “tăng bo” khi lái xe vào tận ruộng mía. Giá tiền “ tăng bo” nông dân trả cho lái xe là 50.000 đồng/tấn. Vụ ép này công ty đã nâng giá cước phí cho phù hợp để nhà xe đưa xe đến tận ruộng vận chuyển cho nông dân, không được đậu trên đường dẫn đến bà con tốn chi phí trung chuyển. Nhà máy cũng đã yêu nhà xe không được xách nhiễu bà con lấy thêm tiền “bo” 1 – 1,5 triệu đồng/xe, nhưng người dân vẫn bức xúc phản ánh về tình trạng này”.
Ông Anh dẫn chứng có 10 nhà xe ở xã Đức Bình Tây “liên kết” yêu cầu nhà máy tăng giá cước và công ty buộc phải nhượng bộ, vì “chúng tôi có thể điều xe khác đến vận chuyển được, nhưng xe nơi khác tới thì bị họ hăm dọa tài xế”. Cũng theo ông Việt Anh, sau khi nâng cước phí, tưởng sự việc đã êm thì một số nhà xe lại tiếp tục đòi tăng cước phí, thậm chí tài xế lãn công, không lái xe vận chuyển mía gây khó khăn cho nhà máy.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND H.Sông Hinh, khẳng định có chuyện các nhà xe ra yêu sách, “làm giá” với nhà máy đường. “Hầu hết các nhà xe này đều là người trồng mía với diện tích rất lớn nên họ yêu sách là phải nâng giá cước lên, vì là mía của họ nên không thể xe nào vào chở được”. Ông Dạn cho biết sẽ làm việc với địa phương để giải quyết triệt để nạn nhà xe ra yêu sách, làm giá. Mới đây, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với nhà máy chấn chỉnh ngay tình trạng nhà xe ra yêu sách ép nhà máy, ép nông dân thu tiền “bo”.