06/01/2025

Trung Quốc nhượng bộ gì với ông Trump?

Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề trắng tay khi nhượng bộ với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

 

Trung Quốc nhượng bộ gì với ông Trump?

Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề trắng tay khi nhượng bộ với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.



Xuất khẩu than sang Trung Quốc là hoạt động đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Triều Tiên  /// AFP

Xuất khẩu than sang Trung Quốc là hoạt động đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Triều TiênAFP

Trước khi chính thức cầm quyền hồi tháng 1, ông Trump từng nói bóng gió về khả năng từ bỏ chính sách “một Trung Quốc” mà Mỹ công nhận trong nhiều thập niên qua, trừ phi Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ đối với Washington.
Việc bổ nhiệm nhiều thành viên nội các nổi tiếng cứng rắn với Trung Quốc càng gây lo ngại rằng ông Trump sẽ theo đuổi ý định trên và bắt đầu một giai đoạn nguy hiểm tiềm tàng trong quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9.2, tổng thống Mỹ bất ngờ thoái lui khi cam kết tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”. Điều này làm dấy lên tranh luận liệu có phải chủ nhân Nhà Trắng “phất cờ trắng” trước Bắc Kinh hay đang thương thảo một thoả thuận bí mật nào đó.
Theo tờ Politico, tại cuộc họp báo hôm 27.2, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer từ chối tiết lộ chi tiết về nhượng bộ mà Tổng thống Trump nhận được từ Trung Quốc để đổi lấy cam kết duy trì chính sách đối với Đài Loan. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu nhà lãnh đạo Mỹ có giành được gì trong cuộc mặc cả này hay không, phát ngôn viên Mỹ đã bóng gió: “Tổng thống luôn nhận được cái gì đó”.
Giới quan sát nhận định nhượng bộ đầu tiên của Trung Quốc đối với Mỹ có thể là về vấn đề Triều Tiên, vốn đang trở thành thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Hôm 18.2, tức hơn một tuần sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, Trung Quốc tuyên bố ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu than từ Triều Tiên từ đây đến cuối năm. Do than chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên và Trung Quốc là nước duy nhất nhập than từ nước láng giềng này, nên quyết định của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho ngân sách của Bình Nhưỡng.
Điều này lý giải cho phản ứng giận dữ hiếm hoi của Triều Tiên nhằm vào Trung Quốc. Trong bản tin đăng tải hôm 23.2, Hãng thông tấn KCNA cáo buộc Trung Quốc “múa theo điệu của Mỹ” khi thực hiện “những bước đi vô nhân đạo” nhằm ngăn chặn giao thương giữa 2 nước.
Tờ Nikkei Asian Review cho rằng có thể ông Tập đã phê duyệt bước đi này làm “nhành ô liu” gửi đến ông Trump, sau lời xác nhận tiếp tục theo đuổi chính sách “một Trung Quốc”. Với Chủ tịch Tập, việc tỏ chút “lòng thành” với ông Trump về vấn đề Triều Tiên là rất quan trọng.
Áp đặt biện pháp trừng phạt khắt khe nhất trong nhiều năm qua đối với Bình Nhưỡng sẽ giúp nuôi dưỡng cảm nhận ở Washington rằng Bắc Kinh rốt cuộc đã làm điều gì đó giúp chính quyền mới của Mỹ. Cùng lúc, Trung Quốc cũng muốn nhận lại “cái gì đó” từ “thỏa thuận bí mật”. Tờ Nikkei Asian Review nhận định ông Tập chí ít đã đẩy quả bóng sang phía sân ông Trump trong vấn đề Triều Tiên.
Theo Reuters, tình hình Triều Tiên đã được đề cập trong các cuộc gặp giữa Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Tổng thống Trump, và các quan chức cấp cao hôm 27.2. Hai bên nhất trí về sự cần thiết phải vận dụng “áp lực quốc tế mạnh” để khắc chế Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Ông Dương là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức. Chuyến thăm này cũng nhằm mục đích thảo luận những lợi ích chung về an ninh, đồng thời thu xếp cho cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập.
Ông Trump tăng 10% chi tiêu quốc phòng
Trong dự thảo ngân sách đầu tiên kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn bổ sung 54 tỉ USD cho an ninh và quốc phòng trong tài khóa 2018, tức tăng 10% so với năm trước đó, theo Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng. Khoản này sẽ được bù trừ bằng cách cắt giảm ngân sách cho những chương trình phi quân sự.
Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Mick Mulvaney cho biết khoản chi dành cho quốc phòng sẽ tăng lên mức 603 tỉ USD, trong khi các chương trình nội địa và viện trợ cho nước ngoài bị giảm xuống còn 462 tỉ USD. Đài CNN dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết ngân sách của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ sẽ giảm đến 1/4, có nghĩa là chỉ đủ để cơ quan này duy trì được những chức năng cơ bản nhất. Viện trợ nước ngoài cũng sẽ bị cắt giảm mạnh để cho phép Lầu Năm Góc mua thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, ông Trump cũng đề xuất bổ sung 30 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm 2017. H.G

 

Trùng Quang