04/01/2025

TP.HCM quyết làm nhà giá rẻ

Tại hội thảo phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ ở TP.HCM, do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 27.2, lãnh đạo TP khẳng định quyết tâm làm nhà giá rẻ bằng nhiều giải pháp.

 

TP.HCM quyết làm nhà giá rẻ

Tại hội thảo phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ ở TP.HCM, do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 27.2, lãnh đạo TP khẳng định quyết tâm làm nhà giá rẻ bằng nhiều giải pháp.



Một dự án nhà ở xã hội vừa giao nhà tại TP.HCM có giá bán hơn 14 triệu đồng/m2
 /// Ảnh: Ngọc Dương

 

Một dự án nhà ở xã hội vừa giao nhà tại TP.HCM có giá bán hơn 14 triệu đồng/m2ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Không phát triển đại trà nhà 100 triệu
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, TP hoàn toàn có thể làm được nhà giá siêu rẻ như ở Bình Dương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, các tiện ích, dịch vụ cơ bản như: trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, công viên… như: khu chế xuất Linh Trung 1, 2, 3 (326 ha), khu Công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), ĐH Quốc gia TP.HCM (647 ha), khu chế xuất Tân Thuận (320 ha). “TP có thể làm được nhà ở xã hội (NOXH) 30 m2 (gồm 20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng), có giá bán từ 100 – 200 triệu đồng/căn tương đồng như tỉnh Bình Dương. TP có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ dạng này, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được, chiếm khoảng 1% người có nhu cầu”, ông Châu tính toán.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết theo điều tra khảo sát vào tháng 10.2016 của Viện Nghiên cứu phát triển TP thì có đến 80.000 hộ có nhu cầu NOXH, nhà thu nhập thấp. Đa số người dân có nhu cầu nhà ở từ 40 – 60 m2. Khẳng định TP có thể làm được NOXH giá 100 triệu đồng với điều kiện không có chi phí đất đai, không có chi phí hạ tầng và diện tích bình quân 25 m2/căn, nhưng ông Tuấn cho rằng sản phẩm này phù hợp với nhà lưu trú công nhân chứ không khuyến khích phát triển đại trà. Theo ông Tuấn, khảo sát cho thấy người mua chấp nhận mức từ 350 – 750 triệu đồng và trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Về phân khúc này, hiện có rất nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản tham gia.
Có mặt tại hội thảo, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, cho biết với mong muốn đóng góp một phần vào công cuộc giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, cuối năm 2016, Vingroup đã chính thức gia nhập thị trường nhà ở bình dân với thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity. Theo đó, trong vòng 3 – 5 năm tới, Vingroup sẽ đồng loạt cung cấp ra thị trường từ 200.000 – 300.000 căn hộ tại 7 đô thị lớn trên toàn quốc. Mỗi căn hộ VinCity có diện tích hợp lý và có giá bán từ 700 triệu đồng trở lên. Thậm chí, tùy theo giá đất phải trả cho địa phương, một số địa bàn sẽ còn điều chỉnh giá bán căn hộ thấp hơn. Đơn cử như tại Hà Tĩnh, Vingroup kỳ vọng giá căn hộ có thể bắt đầu ở mức 450 triệu đồng. Dù giá mềm nhưng với quy hoạch đồng bộ, đầy đủ tiện ích như trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi, giải trí, mua sắm… các khu đô thị VinCity sẽ phục vụ tại chỗ nhu cầu thiết yếu, giảm tải đáng kể cho hạ tầng tại các khu vực trung tâm. Đặc biệt, cư dân VinCity sẽ được hưởng đầy đủ hệ thống dịch vụ như của Vinhomes, y tế sẽ theo tiêu chuẩn của Vinmec. Riêng phần các trường học thì có thể sẽ là Vinschool, hoặc là trường công, hoặc là trường liên kết với Vinschool.
Liên kết để giảm giá
Một trong những giải pháp để làm nhà giá rẻ được đưa ra tại hội thảo là liên kết 4 nhà, chủ đầu tư, công ty xây dựng, nhà cung cấp vật tư và nhà nước. Theo đó, ông Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên, cam kết sẽ tham gia chương trình với hình thức bán xi măng bằng giá thành nếu TP hỗ trợ thu hồi được nợ. Ngoài xi măng Hà Tiên, theo thông tin từ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Tổng công ty xi măng cam kết hạ giá 300.000 đồng/tấn để làm NOXH.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP, kể: “Tôi rất cảm động là có 3 DN đến gặp tôi xin làm NOXH không lợi nhuận, thậm chí lỗ cũng làm. Nhưng TP cam kết không để DN thiệt thòi, có thể không lợi chỗ này nhưng sẽ có lợi chỗ khác. Như Bí thư Thăng đã làm việc với nhà máy xi măng để được giảm giá 300.000 đồng/tấn. Tôi đang liên hệ công ty sắt thép để đàm phán hạ giá vật tư. Tôi sẽ dùng mối quan hệ của mình để đàm phán với các DN cung cấp vật tư hạ giá, bán với giá tốt nhất nhằm kéo giảm giá NOXH”, ông Khoa cho biết.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định TP sẽ học cách làm nhà siêu rẻ của Bình Dương nhưng không áp dụng máy móc, mà chỉ học cái hay để làm sao giảm giá bán chứ không phải giảm diện tích. “Chúng ta cũng sẽ hình thành thị trường NOXH, có thể được chuyển nhượng tự do chứ không nên bó buộc theo quy định sau 5 năm mới được bán. Quan trọng làm sao bán NOXH cho đúng đối tượng và người dân có quyền chuyển nhượng nếu có điều kiện đổi nhà khác lớn hơn, từ đó hình thành thị trường, mới có thể phát triển NOXH được”, ông Thăng nói.
Tối đa 6 tháng phải xong thủ tục đầu tư
 
 
TP.HCM quyết làm nhà giá rẻ - ảnh 1
Quan trọng làm sao bán nhà ở xã hội cho đúng đối tượng và người dân có quyền chuyển nhượng nếu có điều kiện đổi nhà khác lớn hơn, từ đó hình thành thị trường, mới có thể phát triển nhà ở xã hội được

TP.HCM quyết làm nhà giá rẻ - ảnh 2
 
Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành uỷ
 

Đánh giá cao mô hình nhà giá rẻ nhưng theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành – công ty đang triển khai một số dự án NOXH cho thuê tại TP, thì ở TP.HCM rất khó làm như Bình Dương khi mà thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Như công ty ông đang triển khai một dự án ở Q.Bình Tân đã trình hồ sơ từ tháng 7.2016 nhưng đến nay chưa xong, do chuyển thủ tục từ nhà ở thương mại sang NOXH cho thuê nên hồ sơ chạy lòng vòng.

Lãnh đạo Công ty Thiên Phát đang làm NOXH cho thuê tại KCN Linh Trung (Q.Thủ Đức) nói thẳng, thủ tục hành chính của TP chậm hơn Bình Dương rất nhiều. Công ty ông làm dự án 30 ha ở Bình Dương mấy tháng là có thể khởi công. Trong khi đó, làm dự án “nhỏ xíu” ở TP.HCM nộp hồ sơ 1 năm nhưng đến giờ mới được cấp chủ trương đầu tư. Một số dự án NOXH tại Q.Bình Thạnh trình 7 năm nay mới cho làm, còn một dự án khác ở Q.12 cũng kéo mấy năm nay chưa xong.
Cùng nỗi khổ thủ tục, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân, cho biết mặc dù đã có đất “sạch”, pháp lý đầy đủ nhưng 2 năm nay, 2 dự án của Hoàng Quân vẫn chưa thể khởi công được do thủ tục hành chính quá nhiêu khê, quy trình quá chậm chạp. Dẫn dự án An Phú Tây, H.Bình Chánh để minh chứng, ông Tuấn kể dự án này đã làm hơn 1 ha, đã được TP chấp nhận chủ trương đầu tư. Do dự án chuyển đổi từ nhà thương mại lên NOXH nên công ty xin tăng hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần. Hồ sơ trình lên UBND H.Bình Chánh duyệt xong phải lên Sở Quy hoạch – Kiến trúc, sau đó phải được sự đồng ý của UBND TP. Khi UBND TP đồng ý thì chủ trương đầu tư hết hạn. Nay H.Bình Chánh để chắc ăn lại xin ý kiến TP lại từ đầu. Mỗi lần xin ý kiến vậy mất 2 tháng. Nếu vẫn giữ quy trình này thì thủ tục hành chính phải từ 2 năm trở lên.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Xây dựng từ nay sẽ làm đầu mối, các DN chỉ biết Sở Xây dựng. Sở có trách nhiệm đi làm việc với các cơ quan chức năng khác thay DN.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chốt lại vấn đề: “Các bên cần ngồi lại với nhau để làm sao tối đa 6 tháng phải làm xong thủ tục. Hằng tháng, các DN vướng cái gì thì liên hệ trực tiếp với anh Tuấn (Giám đốc Sở Xây dựng), anh Tuấn chủ trì họp giao ban để giải quyết vướng mắc về các dự án nhà ở nói chung, trong đó có dự án NOXH”.

 

Đình Sơn