Đài Loan giải mật vụ thảm sát năm 1947
Tròn 70 năm sau biến cố ngày 28.2.1947 dẫn đến cuộc thảm sát hàng chục ngàn người, Đài Loan đã quyết định công bố toàn bộ tài liệu liên quan.
Đài Loan giải mật vụ thảm sát năm 1947
Tròn 70 năm sau biến cố ngày 28.2.1947 dẫn đến cuộc thảm sát hàng chục ngàn người, Đài Loan đã quyết định công bố toàn bộ tài liệu liên quan.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 26.2 thông báo giải mật toàn bộ 4.617 tài liệu, với khoảng 1,37 triệu trang, liên quan đến vụ thảm sát hàng chục ngàn người nổi dậy ở hòn đảo này. Tờ Taipei Times đưa tin bà Thái cũng công bố kế hoạch 3 năm nhằm điều tra vụ thảm sát và những diễn biến sau đó. Ngoài ra, còn có khoảng 990.000 trang hồ sơ hiện do 83 ban ngành lưu trữ sẽ được xếp vào diện chờ chuyển giao cho chính quyền Đài Loan và quá trình chuyển giao sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6.
Theo bà Thái, việc thu thập những tài liệu này rất quan trọng vì nó cho biết danh tính của những người liên quan, cũng như chi tiết về những biến cố khi đó. Rất nhiều người, nhất là hậu duệ của những người bị thảm sát ở Đài Loan, đang hy vọng việc giải mật tài liệu sẽ làm sáng tỏ cái chết đầy uẩn khúc của người thân cũng như làm rõ nghi vấn về vai trò của chính quyền Tưởng Giới Thạch trong vụ việc.
Sự kiện 228
Theo tờ Taiwan News, một trong những “trang sử đen tối” nhất của Đài Loan diễn ra vào tháng 2.1947 khi Tưởng Giới Thạch, lúc đó là lãnh đạo Quốc dân đảng kiêm Chủ tịch chính phủ quốc dân, gửi lực lượng đến hỗ trợ toàn quyền Đài Loan Trần Nghi trấn áp các cuộc nổi dậy.
Trần Nghi chính là tay chân thân tín do Tưởng cử đến tiếp quản Đài Loan từ tay quân Nhật vào năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng phe Đồng minh trong Thế chiến 2. Trong hai năm sau đó, Đài Loan rơi vào khủng hoảng do tình trạng lạm phát ngoài tầm kiểm soát.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến Sự kiện 228. Mâu thuẫn được châm ngòi vào ngày 27.2.1947 khi cảnh sát bắn chết một phụ nữ trong chiến dịch truy quét thuốc lá lậu. Khi bị những người xung quanh xông vào hành hung, viên cảnh sát bắn bừa vào đám đông khiến một người khác thiệt mạng. Căng thẳng nhanh chóng dâng cao, dẫn đến bạo lực bùng phát và lan rộng vào ngày hôm sau (28.2), ngày sau này được sử dụng để gọi sự kiện.
Theo các nhà sử học, Sự kiện 228 không chỉ diễn ra trong một ngày mà là cả quá trình kéo dài nhiều năm sau đó khi chính quyền truy quét những người chống đối. Thậm chí đến ngày nay, vẫn chưa có thống kê chính xác về số người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp và truy quét, ước chừng từ 18.000 – 28.000 người. Sau khi Đài Loan ban bố thiết quân luật vào năm 1949, Sự kiện 228 trở thành vấn đề nhạy cảm ít được đề cập cho đến khi thiết quân luật được dỡ bỏ 38 năm sau đó.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ sẽ đưa lính thuỷ đánh bộ đến bảo vệ cơ sở đại diện ở Đài Loan
Mỹ sẽ điều lính thuỷ đánh bộ đến Đài Loan lần đầu tiên trong gần 40 năm qua để bảo vệ trụ sở mới của cơ quan ngoại giao không chính thức của Mỹ ở Đài Bắc.
Chiến thuật hai mặt của Trần Nghi
Theo tờ Taiwan News, một tài liệu cực kỳ quan trọng trong số các tài liệu được giải mật là bức điện mà Trần Nghi gửi đến Tưởng Giới Thạch xin chi viện để đàn áp các cuộc nổi dậy, do Viện Sử học Đài Loan công bố hôm 23.2. Theo đó, bức điện đề ngày 2.3.1947 đã thể hiện trò hai mặt của Trần Nghi khi cố gắng “câu giờ” với phe nổi dậy nhằm chờ lực lượng hỗ trợ từ đại lục.
Chủ tịch Viện Sử học Đài Loan Ngô Mật Sát cho biết viện này từng tổng hợp 18 quyển sách về Sự kiện 228 dưới thời cựu lãnh đạo Trần Thuỷ Biển và dự án đã được khôi phục sau khi đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái giành chiến thắng. Giáo sư Trần Thúy Liên tại Đại học Đài Loan cho biết các sử gia từng truy tìm bức điện của Trần Nghi nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Theo bà, bức điện là bằng chứng cho thấy Trần Nghi một mặt hứa hẹn cải cách và kêu gọi người dân không tham gia biểu tình, một mặt hối thúc Tưởng gấp rút chi viện.
Cụ thể, Trần Nghi vào ngày 1.3.1947 đã đồng ý thành lập một uỷ ban nhằm hoà giải mâu thuẫn giữa người dân và quân đội, nhưng ngày hôm sau ông đã gửi điện cho Tưởng và khi quân tiếp viện đến thì cuộc thảm sát bắt đầu. “Một số tài liệu mới phát hiện khác thể hiện Quốc dân đảng lúc đó đã sử dụng một hệ thống giám sát toàn diện nhằm khiến người dân trên đảo lo sợ”, bà Trần nói.
Phát biểu trước thềm kỷ niệm 70 năm Sự kiện 228, bà Thái cam kết chính quyền Đài Loan sẽ điều tra vụ việc, công bố sự thật và truy trách nhiệm những người liên quan để thay đổi hiện trạng “chỉ có nạn nhân nhưng không có thủ phạm”. “Chúng tôi sẽ không quên cũng như không che giấu. Tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục phân loại các hồ sơ và sự thật nằm trong bóng tối suốt 70 năm sẽ được phơi bày”, CNA dẫn lời bà Thái phát biểu.
Trong nỗ lực xoa dịu những bức xúc của gia đình các nạn nhân Sự kiện 228, người đứng đầu cơ quan văn hoá Đài Loan Trịnh Lệ Quân đã thông báo từ ngày 23.2 sẽ dừng việc phát bài hát tưởng nhớ Tưởng Giới Thạch tại đài tưởng niệm ông ở Đài Bắc. Cơ quan này cũng dừng việc bán các bức tượng và văn phòng phẩm có hình ảnh của Tưởng Giới Thạch từ ngày 10.2.
|
Khánh An