30/12/2024

Trung Quốc đang mất kiểm soát với Triều Tiên?

Tranh cãi hiếm hoi công bố công khai giữa Triều Tiên và Trung Quốc cho thấy những khó khăn của Bắc Kinh trong nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, theo hãng tin Bloomberg.

 

Trung Quốc đang mất kiểm soát với Triều Tiên?

Tranh cãi hiếm hoi công bố công khai giữa Triều Tiên và Trung Quốc cho thấy những khó khăn của Bắc Kinh trong nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, theo hãng tin Bloomberg.

 

 

 

Trung Quốc đang mất kiểm soát với Triều Tiên?
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un – Ảnh: AFP

Được xem là đồng minh thân cận, mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc tuy vậy trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây.

Ngày 18-2, Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên - một động thái thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc áp lên Bình Nhưỡng sau đợt thử tên lửa đạn đạo mới nhất.

Vì lẽ này, Bình Nhưỡng lên án hành động của Trung Quốc bằng một bài xã luận đăng tải tuần trước cho rằng Bắc Kinh đang “nhảy theo điệu nhạc của Mỹ”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Đáp lại, Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn, nhưng nói rằng hai bên vẫn là những “hàng xóm thân thiện”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo ngày 24-2 nêu câu hỏi thể hiện tình cảnh hiện nay: “Liệu có ai thực sự tin rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là chuyện dễ giải quyết, khi mà điều ấy đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua?”.

Có lẽ vì vậy trong thời gian qua, Trung Quốc đã thể hiện cách tiếp cận khác, cụ thể hơn đối với vấn đề Triều Tiên.

Bắc Kinh không giấu ý định tái lập các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington mà trong đó mình sẽ đóng vai trò trung gian.

Đây là một điểm nóng và phức tạp trong bối cảnh chính quyền Mỹ vẫn giữ kế hoạch xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Đây là điều Triều Tiên cực lực phản đối, còn Trung Quốc cũng không ít lần nhấn mạnh THAAD là biểu hiện gây bất ổn cho an ninh khu vực.

Hãng tin Bloomberg ngày 27-2 lập luận rằng, trong khi Trung Quốc muốn làm trung gian giải quyết khúc mắc về hạt nhân, họ lại gặp rắc rối ở chỗ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tự tin rằng Bắc Kinh không muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, càng không muốn thấy Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ, “đứng trước cửa nhà mình”.

Ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), lo ngại rằng tình hình hiện nay có thể khiến Triều Tiên nhanh chóng tiếp tục một vụ thử hạt nhân nữa.

“Trung Quốc đang trong tình huống bất lợi. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ đào sâu thêm vũng lầy mà họ phải đối mặt bằng việc tạo ra sự khiêu khích lớn hơn nữa từ Triều Tiên”, Bloomberg dẫn lời ông Baohui.

Giới phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở trong giai đoạn phức tạp hơn nữa khi nhắc tới vấn đề Triều Tiên, đặc biệt khi phải chuẩn bị cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sắp diễn ra.

Cuộc khủng hoảng chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, sự khó đoán trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng là những vấn đề lớn ảnh hưởng tới cách tiếp cận của ông Tập.

Ngoài ra, cái chết của người được cho là Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un tại Malaysia ngày 13-2 lại khiến vấn đề thêm rắc rối cho quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên. Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đứng sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam, đồng thời khẳng định Trung Quốc là những người bảo vệ ông Kim Jong Nam.

Vụ việc này dẫn tới chuyện hủy bỏ một cuộc họp giữa các cựu quan chức Mỹ và một đặc sứ Triều Tiên, vốn dự kiến diễn ra đầu tháng 3 này, theo báo Wall Street Journal. Điều đó càng khiến vấn đề Triều Tiên dễ rơi vào bế tắc, và bản thân Trung Quốc cũng tuyên bố “sẵn sàng cho kế hoạch đối phó nếu Triều Tiên sụp đổ”.

Ông Liu Ming, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên tại Học viên khoa học xã hội Thượng Hải nhận định rằng nếu Triều Tiên gặp biến cố lớn, Trung Quốc phải đối diện với làn sóng người tị nạn Triều Tiên tràn sang.

Trong khi đó, “Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân và hiện đang nghĩ rằng Bắc Kinh là một phần trong chiến dịch quốc tế chống lại Triều Tiên”, theo ông Liu Ming.

NHẬT ĐĂNG