28/11/2024

Trả lại công bằng cho người tuân thủ luật giao thông

Ý kiến này được phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra ngay sau lễ phát động diễn đàn Văn hoá giao thông do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 26-2.

 

Trả lại công bằng cho người tuân thủ luật giao thông

 Ý kiến này được phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra ngay sau lễ phát động diễn đàn Văn hoá giao thông do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 26-2.

 

 

Trả lại công bằng cho người tuân thủ luật giao thông  
Tại bàn tròn ngày 26-2, ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho rằng phải xử nghiêm người vi phạm Luật giao thông để trả lại công bằng cho người chấp hành luật. Trong ảnh: người đi bộ ở khu vực trung tâm TP.HCM qua đường đúng luật nhưng không được người lái xe nhường đường theo quy định – Ảnh: HỮU KHOA

Tham dự bàn tròn còn có ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM), đại úy Trần Thị Hồng Nhung (phó đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM), ông Nguyễn Đình Trung (chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc 
Hưng Thịnh Corp).

4 yếu tố hình thành văn hoá giao thông

Từ góc nhìn của một người có thói quen quan sát các hành vi giao thông trên đường, ông Nguyễn Đình Trung cho rằng văn hoá giao thông phải bắt đầu từ văn hóa nhường nhịn.

Ông Trung đặt vấn đề: “Đi qua một vòng xoay trong giờ cao điểm, nếu tất cả người đi xe máy đều có ý thức dừng chậm ít phút để nhường cho xe buýt qua thì tất cả sẽ cùng thoát khỏi điểm tắc. Nhưng không, mọi người đều muốn qua trước nên tất cả đều ùn tắc”.

Trả lại công bằng cho người tuân thủ luật giao thông  
Xe dừng đèn đỏ chắn hết vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nhưng ít khi bị xử phạt lỗi này – Ảnh: HỮU THUẬN

Ông Khuất Việt Hùng nêu quan điểm: Mọi người hay nói đến hành vi thiếu văn hóa giao thông cụ thể. Nhưng ít ai để ý là hành vi đó xuất phát từ đâu.

“Ăn cơm phải mời, người nhỏ gặp người lớn phải chào – đó là những chuẩn mực ứng xử mà cả xã hội công nhận và ai được xem là có văn hoá đều tuân thủ.

Như vậy, văn hóa giao thông cũng phải xây dựng trên những chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận: chuẩn về hành vi tham gia giao thông, chuẩn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao thông và chuẩn trong thực thi pháp luật giao thông” – ông Hùng phân tích.

“Nhưng mỗi khi chúng tôi xử phạt các hành vi vi phạm Luật giao thông, người vi phạm hay đổ lỗi cho đường hẹp, người đông, kẹt xe” – đại uý Trần Thị Hồng Nhung nói.

Nghe đến đó, ông Hùng giải thích: “Văn h giao thông được hình thành từ 4 yếu tố: các chuẩn mực (như vừa phân tích), môi trường thực hành, giáo dục tuyên truyền và xử phạt.

Đường chật, ổ gà, ổ voi, kẹt xe… đúng là khiến môi trường thực hành các chuẩn mực về giao thông bị ảnh hưởng xấu. Khi đó, việc xây dựng văn hóa giao thông cũng gặp chệch choạc.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, không phải chỉ khi có đường sá đủ chuẩn thì mọi người mới đi đường đúng luật.

Dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có, nếu tổ chức thực hiện Luật giao thông thật tốt, bảo vệ được những quy tắc của luật thì Việt Nam vẫn có được văn hoá giao thông không thua kém 
bất kỳ quốc gia nào.

Ông Bùi Xuân Cường góp thêm rằng do đặc điểm của TP.HCM là một đô thị đã có từ trước nên quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phải vừa làm vừa sửa.

Không để mọi người cùng mang tiếng xấu

Trở lại câu chuyện về văn hóa nhường nhịn, các khách mời tham dự bàn tròn nêu thực trạng những quy định về đường ưu tiên, phương tiện ưu tiên trong những tình huống giao thông lâu nay gần như bị lãng quên, cả từ phía người chạy xe, người đi đường cho đến lực lượng cảnh sát giao thông khi có rất ít những vi phạm 
loại này bị xử phạt.

“Không thể bê nguyên mô hình đô thị thành công nào ở nước ngoài về áp dụng cho TP.HCM mà phải có cách làm riêng theo đúng đặc thù, tính chất của TP”

Ông Bùi Xuân Cường (giám đốc Sở GTVT TP.HCM)

Về lời kêu gọi người dân nhường nhau trên đường, ông Khuất Việt Hùng thừa nhận: “Nhường nhịn là câu chuyện của lòng tốt. Xã hội pháp quyền phải thượng tôn pháp luật”.

Theo ông Hùng, đằng sau lời kêu gọi nhường nhịn là cả văn h ứng xử trên đường phố. Quan trọng hơn là người nào vi phạm luật phải bị phạt.

Ông Hùng đề xuất cảnh sát giao thông tại TP.HCM hãy mạnh tay xử phạt qua hình ảnh những vi phạm Luật giao thông ngay trong giờ cao điểm. Ai vi phạm, vi phạm ngày giờ nào, ở đâu, bằng chứng, hình ảnh ra sao? Tất cả những hình ảnh, thông tin này cần được công khai cho nhiều người biết.

Ông Hùng cũng chia sẻ câu chuyện về hình ảnh hàng ngàn người ở Hà Nội chấp hành nghiêm khi không đi vào đường dành cho xe buýt nhanh (BRT).

“Ai cũng nói văn h giao thông của dân Hà Nội tệ lắm, nhưng đa số người Hà Nội vẫn chấp hành tốt đấy. Trên đất nước này, số người thiếu văn hóa giao thông phải ít hơn người chấp hành tốt.

Tại sao lại bắt tất cả 90 triệu dân Việt Nam phải mang tiếng xấu? Phải trả lại công bằng và danh dự cho những người chấp hành Luật giao thông” – ông Hùng quyết liệt và đặt ra yêu cầu cần có giải pháp nhận diện, tách biệt, cô lập những người vi phạm Luật giao thông, đưa họ ra ánh sáng công luận bằng môi trường truyền thông xã hội. Phải để cho cả xã hội biết đó là những người chưa có 
văn hóa giao thông.

Ông Nguyễn Đình Trung tán đồng phương án xử phạt nghiêm để lập lại trật tự, kỷ cương trong giao thông.

“Lâu nay người ta vẫn hay tranh cãi: Phải xây dựng môi trường giao thông tốt rồi mới tiến hành xử phạt vi phạm hay cứ phạt thật nghiêm vi phạm ắt sẽ có môi trường thật tốt.

Kiểu tranh luận con gà và quả trứng gà – cái nào có trước đó sẽ chẳng đi đến đâu. Phải mạnh dạn chọn giải pháp thực thi pháp luật làm yếu tố tiên quyết để xây dựng thói quen, ý thức” – ông Trung nêu giải pháp.

Trong số rất nhiều hành vi vi phạm Luật giao thông, ông Trung cho rằng Công an TP nên lựa chọn những vi phạm mang tính phổ biến, căn bản để tập trung phạt thật nghiêm trước.

Xây dựng văn hóa đi đường hợp thời

Đại úy Trần Thị Hồng Nhung cho biết đúng là khi xử phạt nghiêm, tình hình giao thông được cải thiện rõ. Bà Nhung dẫn chứng: “Đơn cử như khu vực cầu chữ Y, chúng tôi lắp camera, bố trí nhiều cảnh sát giao thông để xử phạt các hành vi lấn làn, lấn tuyến. Những ai vi phạm đều bị công khai trên trang web. Làm nghiêm một thời gian thì ý thức của người dân có tiến bộ hơn”.

Ông Khuất Việt Hùng tâm đắc với cách làm này. Ông Hùng đề nghị ngoài việc đưa thông tin người vi phạm trên kênh truyền hình, trên trang web của ngành công an thì tới đây cần tính đến việc đưa lên trang YouTube, đưa lên Facebook để mức độ lan tỏa và tính tuyên truyền đạt hiệu quả hơn.

“Thời đại ngày nay, nếu chỉ phát tin trên tivi, chúng ta mới tiếp cận các đối tượng rất ít đi đường. Trong khi đó, nếu bỏ qua mạng xã hội và các tờ báo mạng là chúng ta đã bỏ quên giới trẻ và những người trong độ tuổi lao động – đó mới là những người thường xuyên xuất hiện trên đường” – ông Khuất Việt Hùng góp ý.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay các quy định pháp luật về vấn đề giao thông đã cơ bản hoàn thiện và đầy đủ. Vấn đề nằm 
ở cách thức tổ chức thực thi.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Trung cho rằng trong nhiều trường hợp, muốn đạt được mục đích xây dựng thói quen cho cộng đồng phải có giải pháp “ép buộc”.

Ông Trung lý giải: “Chẳng hạn như chúng ta đầu tư làm xe buýt thật tốt, ta kêu gọi mọi người đi xe buýt nhưng cũng không cấm xe máy, chẳng mấy ai thèm đi xe buýt.

Nếu thử hạn chế xe máy trong vài ngày, ở một số tuyến đường mà xe buýt đi qua thì kết quả sẽ khác. Phải có cách để người dân thử bước lên xe buýt một lần thì mới mong cảm nhận của họ về xe buýt thay đổi”.

Ông Bùi Xuân Cường tán đồng và cho hay tới đây TP.HCM sẽ đầu tư cho những tuyến xe buýt nhanh, xe buýt sạch, tổ chức các hình thức khuyến mãi, giảm giá vé để lôi kéo, thu hút sự quan tâm của người dân.

Cũng theo ông Cường, nhân sự trong ngành giao thông không thể tăng thêm, bộ máy không thể phình ra. Do vậy, việc xử phạt cũng không thể làm mãi theo cách cũ là cứ đẩy quân ra đường canh chừng, xử lý mà phải áp dụng công nghệ.

Ông Cường dẫn chứng ở khu vực hầm Thủ Thiêm, trước đây tình trạng chạy xe tốc độ cao gây nguy hiểm rất phổ biến.

Từ khi Sở GTVT phối hợp với cảnh sát giao thông lắp camera bắn tốc độ và xử phạt nguội qua hình ảnh quyết liệt thì ít còn ai dám vi phạm. Chi phí đầu tư 6 tỉ đồng mà tiền phạt lỗi vi phạm qua khu vực này lên đến khoảng 20 tỉ đồng.

Nói thêm về hình thức phạt nguội qua hình ảnh, đại úy Trần Thị Hồng Nhung cho biết hiện nay mỗi khi người dân đến làm thủ tục sang tên ôtô, môtô thì bộ phận thụ lý sẽ kiểm tra dữ liệu xem xe đó có vi phạm qua hình ảnh hay không, nếu có thì chủ phương tiện phải thực hiện quyết định xử phạt qua hình ảnh rồi mới có thể tiếp tục tiến hành 
thủ tục sang tên.

Báo Tuổi Trẻ 
mở diễn đàn 
Xây dựng văn hoá giao thông

Sau lễ phát động, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên các thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip về việc xây dựng văn hoá giao thông đô thị trên các ấn phẩm, báo điện tử và kênh truyền hình Tuổi Trẻ.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến, hình ảnh, video clip đóng góp, hiến kế, phản biện của bạn đọc trong và ngoài nước liên quan đến nội dung trên. Mọi tin bài, thông tin liên hệ xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Ra mắt cẩm nang Văn hóa giao thông đô thị

Ông Nguyễn Đình Trung, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, cho biết xuất phát từ thực trạng hằng năm có rất nhiều học sinh, sinh viên, người lao động từ các tỉnh thành, đặc biệt là những vùng nông thôn đến TP.HCM học tập, làm việc, sinh sống, Hưng Thịnh Corp mong muốn được phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và các cơ quan chức năng thực hiện một cẩm nang Văn hoá giao thông đô thị.

Nội dung cẩm nang dự kiến sẽ có những tình huống, giải pháp ứng xử trong một số tình huống giao thông thường gặp, sơ đồ các phương tiện giao thông công cộng, các quy định pháp luật cơ bản, mới nhất về giao thông, tranh biếm hoạ, bài viết, hình ảnh đặc sắc liên quan đến văn hoá giao thông… Cẩm nang sẽ được dành để tặng học sinh, sinh viên.

 

MAI HƯƠNG – SƠN BÌNH