Theo giới chuyên môn, ngành y mỗi nước có thế mạnh riêng về chuyên môn và dịch vụ nên bệnh nhân cần cân nhắc để tránh tốn kém không cần thiết.
Sôi động du lịch chữa bệnh ở Đông Nam Á
Theo giới chuyên môn, ngành y mỗi nước có thế mạnh riêng về chuyên môn và dịch vụ nên bệnh nhân cần cân nhắc để tránh tốn kém không cần thiết.
Trước đây khi nói đến du lịch khám chữa bệnh trong khu vực, nhiều người thường nghĩ đến Singapore với kỹ thuật và dịch vụ y tế được đánh giá là chất lượng “5 sao”, dù chi phí có thể cao hơn. Tuy nhiên, Malaysia và Thái Lan đang có những bước cạnh tranh quyết liệt về chuyên môn, dịch vụ và giá cả để thu hút bệnh nhân, không những chỉ ở khu vực ASEAN mà cả các nước Âu Mỹ, khiến ngành du lịch chữa bệnh khu vực càng thêm sôi động.
Thị trường béo bở
Theo báo cáo mới của Hội đồng Du lịch chăm sóc sức khỏe Malaysia (MHTC), nước này dự kiến đạt doanh thu 292 triệu USD từ du lịch y tế trong năm 2017, tăng 30% so với năm ngoái. Kênh Channel News Asia dẫn lời Giám đốc MHTC Sherene Azli dự báo số khách diện này sẽ tăng lên 1 triệu người.
Theo bà Sherene, Malaysia sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như chỉnh hình, tim mạch, ung bướu, thụ tinh trong ống nghiệm và huyết học. Bà cho rằng dịch vụ y tế chất lượng, giá cả phải chăng và quy định về mức trần giá dịch vụ y tế cho khách ngoại quốc là thế mạnh của Malaysia so với các điểm du lịch chữa bệnh khác trong khu vực.
Tính bình quân mỗi bệnh nhân nước ngoài chi khoảng 1.000 ringgit (hơn 5 triệu đồng) trong mỗi lần khám chữa bệnh thông thường, chưa kể các chi phí khác. Hiện khoảng 70% khách hàng đến từ Indonesia nhưng bà Sherene dự báo Malaysia sẽ thu hút thêm từ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam và các nước Trung Đông trong thời gian tới.
ASEAN đang đứng trước cơ hội mới về du lịch, giáo dục và thu hút nhân tài đến từ sắc lệnh di trú gây tranh cãi của tổng thống Mỹ.
Tại Thái Lan, lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đang là thị trường béo bở dù số người đến khám chữa bệnh chỉ chiếm khoảng 9% tổng số du khách hằng năm. Theo Trung tâm phân tích kinh tế thuộc Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan), nhóm du khách này còn chi tiêu bình quân nhiều hơn vì họ ở lâu hơn. Trung bình một người chi 4.200 USD cho một ca phẫu thuật tạo hình với thời gian ở lại hơn 2 tuần, so với du khách truyền thống chỉ ở khoảng 6 ngày và chi 1.300 USD.
Phẫu thuật tạo hình vùng kín ở Malaysia hút khách
Trang Malay Mail Online ngày 26.2 dẫn báo cáo của Tổ chức quốc tế What Clinic đưa tin nhu cầu phẫu thuật tạo hình tái tạo vùng kín của phụ nữ ở Malaysia đang tăng vọt. Báo cáo đã khảo sát 10.290 bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ tại 100 bệnh viện ở nước này trong thời gian 2 năm. Kết quả cho thấy có 300 bệnh nhân yêu cầu thực hiện phẫu thuật thu hẹp vùng kín trong năm 2016 so với 103 bệnh nhân trong năm 2015. Chi phí mỗi ca phẫu thuật bằng laser là từ 2.575 ringgit (khoảng 13 triệu đồng). Quy trình này được cho là “hầu như không đau” và bệnh nhân có thể tiếp tục “sinh hoạt bình thường” không lâu sau đó.
Trang tin y khoa Med Gadget dự báo du lịch y tế của Thái Lan sẽ tiếp tục “tăng trưởng ấn tượng” nhờ mở rộng mạng lưới y tế cũng như tiếp thị mạnh thông qua kênh du lịch và hàng không giá rẻ. Theo đó, các dịch vụ từ cấy ghép nội tạng cho đến nha khoa và giải phẫu thẩm mỹ sẽ tiếp tục là thế mạnh của nước này.
Hiện Thái Lan thu hút nhiều bệnh nhân từ các nước châu Á, kể cả Nhật, cũng như Mỹ và các nước châu Phi, trong khi bệnh nhân đến từ Anh, Trung Quốc, Úc, Pháp và Đức cũng đang tăng. Theo tờ Bangkok Post, Hàn Quốc cũng đang có ý định tham gia đầu tư dự án xây trung tâm y tế Thái Lan và đề nghị nước này cấp thị thực dài hạn hơn cho công dân Hàn Quốc trên 50 tuổi đến du lịch và chữa bệnh.
Cần cân nhắc
Trong khi xu hướng du lịch y tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á, các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh nên tìm hiểu rõ thế mạnh của mỗi nước để tránh tốn kém không cần thiết.
Một chuyên gia ngành y tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết vấn đề du lịch chữa bệnh phụ thuộc điều kiện thuận lợi của người đi khám và thế mạnh của từng nước. “Nói về nha khoa hiện nay thì kể cả nhiều người ở Mỹ cũng muốn về TP.HCM khám. Có lĩnh vực nên làm ở Việt Nam, có lĩnh vực nên sang Singapore, Thái Lan hay Mỹ”, ông nói. Theo ông, Việt Nam nên có một đánh giá mang tính tổng thể về người Việt ra nước ngoài điều trị và người nước ngoài vào Việt Nam điều trị để đưa ra kỹ thuật và chiến lược phù hợp.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, một trong những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là điều trị hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản cũng như phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot. “Nhiều bệnh nhân ở khu vực Đông Nam Á cũng như Việt kiều đã về Việt Nam để điều trị do chi phí thấp cũng như các kỹ thuật và dịch vụ hiện đại đều được trang bị”, ông cho Thanh Niên hay.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) vừa đề xuất ý tưởng táo bạo là mở cửa các cơ sở quân sự đón du khách với đối tượng chính là khách Trung Quốc đi lẻ.
Một chuyên gia Bộ Y tế cũng nhận định hiện nay về kỹ thuật và trang bị thì Việt Nam tương đối tốt, cũng như có nhiều kinh nghiệm xử lý nhiều bệnh đặc thù, trong khi nếu ra nước ngoài có thể vừa tốn kém hơn vừa không đảm bảo sự theo dõi sức khoẻ liên tục. “Bất kỳ nước nào cũng có những kỹ thuật y tế đầu ngành ưu tiên riêng. Do đó, nên lưu ý rằng một số người có thể quá chú ý đến việc đi du lịch mà quên rằng mục đích chính là khám chữa bệnh và cần xem xét liệu nước đó có mạnh về lĩnh vực mình muốn khám hay không”, ông khuyến cáo.
Mặt khác, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh cũng cần cẩn trọng trước những lời mời gọi của “cò” hoặc bị lừa bởi các dịch vụ kém chất lượng trên mạng khiến “tiền mất tật mang”. Rào cản về ngôn ngữ cũng có thể gây ra tình trạng khách không được tư vấn đầy đủ hoặc không theo dõi kỹ giấy tờ, hoá đơn, dẫn tới sai sót, thậm chí gian lận, về chi phí.