08/01/2025

Chất độc đáng sợ xuất hiện trong vụ án tại Malaysia

Trong một thông báo gây chấn động, cảnh sát Malaysia tuyên bố công dân Triều Tiên thiệt mạng vì chất độc thần kinh thường dùng làm vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

 

Chất độc đáng sợ xuất hiện trong vụ án tại Malaysia

Trong một thông báo gây chấn động, cảnh sát Malaysia tuyên bố công dân Triều Tiên thiệt mạng vì chất độc thần kinh thường dùng làm vũ khí huỷ diệt hàng loạt.



Cảnh sát Malaysia bảo vệ an ninh trước Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur /// AFP

 

Cảnh sát Malaysia bảo vệ an ninh trước Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala LumpurAFP

 

Trong cuộc họp báo ngày 24.2, Tổng thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar cho biết Trung tâm phân tích vũ khí hoá học đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm ban đầu để xác định loại hóa chất dùng trong vụ sát hại công dân CHDCND Triều Tiên mang hộ chiếu tên Kim Chol vào ngày 13.2 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur 2 (KLIA2).
“Hóa chất lấy từ mắt và mặt nạn nhân được xác định là chất độc thần kinh VX”, Reuters dẫn lời ông Khalid nói và cho biết thêm chất này được xếp vào dạng vũ khí hoá học theo luật về công ước vũ khí hóa học.
Nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng cảnh sát Malaysia chưa chính thức xác nhận, còn Bình Nhưỡng không xác nhận vấn đề này.
Độc gấp 10 lần sarin
VX, có tên hoá học là S-2 Diisopropylaminoethyl methylphosphonothioate, là chất độc thần kinh cực mạnh bị LHQ coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chất này được điều chế lần đầu tiên tại Anh vào thập niên 1950, theo website của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Ở thể lỏng, VX có đặc tính nhớt, màu hổ phách trong suốt, không mùi, không vị. Ngoài ra, chất này tồn tại vô cùng dai dẳng, bốc hơi rất chậm và có thể dễ dàng vận chuyển.
Theo các chuyên gia, VX có độc tính cao gấp 10 lần so với chất độc thần kinh khét tiếng sarin. Khi xâm nhập vào cơ thể, phân tử VX can thiệp vào chức năng hoạt động của các tuyến và mô, khiến cơ bắp co thắt một cách không kiểm soát được và dần dần khiến nạn nhân suy kiệt rồi ngừng thở. Tùy thuộc vào liều lượng, triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện ngay lập tức hoặc sau gần 20 tiếng đồng hồ kể từ khi tiếp xúc. Liều lượng lớn có thể gây co giật, mất ý thức, tê liệt và chết trong vòng 15 phút. Nếu nhiễm liều lượng rất nhỏ thì nạn nhân có thể không tử vong nhưng gặp một loạt triệu chứng như tăng nhịp tim, mờ mắt, buồn nôn, tiêu chảy…
“Chỉ cần dính phải 5 mg VX trên da cũng đủ hạ gục một người trưởng thành nặng cỡ 70 kg”, AFP dẫn lời ông Yosuke Yamasato, cựu chuyên gia sinh hoá của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản cho biết.
 
 
Malaysia dọa xét lại quan hệ với Triều Tiên
Đến tối 24.2, Triều Tiên chưa có phản ứng về thông tin liên quan đến chất độc thần kinh VX. Trước đó, nước này chỉ trích mạnh mẽ Malaysia do bất đồng trong quá trình xử lý vụ việc. Bình Nhưỡng tuyên bố Kuala Lumpur “phải chịu trách nhiệm về cái chết của công dân CHDCND Triều Tiên” và cáo buộc nhà chức trách Malaysia “câu kết với Hàn Quốc cũng như các thế lực thù địch khác”.
Đáp lại, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ngày 24.2 yêu cầu Bộ Ngoại giao soạn thảo báo cáo về việc có tiếp tục duy trì quan hệ với CHDCND Triều Tiên hay không để chính phủ thẩm định, theo tờ The Star.

 

Vào thời Chiến tranh lạnh, hàng chục ngàn tấn VX đã xuất xưởng từ Nhà máy hóa chất Newport ở bang Indiana (Mỹ), trước khi bị phá hủy vào cuối những năm 1980. Theo Công ước vũ khí hóa học năm 1993, các bên cam kết không được sản xuất và tàng trữ quá 100 gr VX mỗi năm.

Đến nay, Mỹ và Nga là 2 nước duy nhất thừa nhận duy trì số lượng nhỏ VX dưới dạng vũ khí, nhưng một số quốc gia khác được cho là cũng sở hữu chất này. Theo Reuters, VX được cho từng xuất hiện trong cuộc chiến Iran – Iraq hồi thập niên 1980. Cuối năm 1994, giáo phái cực đoan Aum tại Nhật dùng chất này sát hại một số thành viên bất đồng ý kiến. Đến tháng 3.1995, Aum dùng khí độc sarin tấn công hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo khiến 12 người chết, 50 người bị thương, và nhiều chuyên gia cho rằng nếu tổ chức này dùng VX thì hậu quả còn thảm khốc hơn nhiều.
Nghi phạm nữ trúng độc ?
Sau công bố của cảnh sát Malaysia, nhiều ý kiến thắc mắc nếu VX cực độc như vậy thì tại sao 2 nghi phạm nữ, bị cho là trực tiếp ra tay sát hại nạn nhân, lại có thể an toàn. Thông tin trước đó từ nhà chức trách nói 2 người này, gồm công dân Indonesia tên Siti Aisyah và một người mang hộ chiếu VN có tên Đoàn Thị Hương, đã “dùng tay trần bôi chất độc lên nạn nhân”.
Đến nay, giới chức Kuala Lumpur chưa giải đáp nghi vấn này nhưng Tổng thanh tra cảnh sát Khalid tiết lộ một trong 2 nữ nghi phạm đã bắt đầu biểu lộ triệu chứng trúng độc và bị nôn mửa.
Cũng trong ngày 24.2, tờ The Star đưa tin giới hữu trách sẽ tiến hành điều tra nguồn gốc chất độc cũng như tiến hành rà soát sân bay KLIA2 cùng một số địa điểm khác để tìm “vật liệu phóng xạ” liên quan đến vụ án. “Chúng tôi sẽ rà soát mọi địa điểm mà các nghi phạm đã tới. Chúng tôi sẽ đưa các chuyên gia từ cơ quan năng lượng nguyên tử đến kiểm tra xem có vật liệu phóng xạ ở đó không”, Tổng thanh tra Khalid cho biết. Đây cũng là lần đầu tiên cảnh sát Malaysia đề cập đến “vật liệu phóng xạ” trong quá trình điều tra.
Cùng ngày, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này “rất bất ngờ” trước thông tin về chất độc VX. Bộ này tuyên bố việc dùng VX để giết người “vi phạm trắng trợn” Công ước về vũ khí hoá học cũng như các thông lệ quốc tế khác.

 

Thuỵ Miên