28/11/2024

“Nóng” với giá xăng dầu

Giá xăng dầu thành phẩm thế giới gần đây có lúc vượt mốc 69 USD/thùng và có thể tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia, cần biện pháp điều hành thận trọng, linh hoạt để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.

 

“Nóng” với giá xăng dầu

 Giá xăng dầu thành phẩm thế giới gần đây có lúc vượt mốc 69 USD/thùng và có thể tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia, cần biện pháp điều hành thận trọng, linh hoạt để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân.

 

 

 

“Nóng” với giá xăng dầu
Nguồn: Reuters – Đồ hoạ: Như Khanh

Giá dầu thô đã nhích lên mức 56 USD/thùng từ đáy 26 USD/thùng hồi tháng 1-2016… Đến ngày 18-2, bình quân giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore có thời điểm vượt qua mốc 69 USD/thùng.

Ngân sách và ngành 
dầu khí “mừng”…

Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ giữa tháng 6-2016 giá xăng dầu bắt đầu đi lên, đạt ngưỡng quanh 50 USD/thùng trong vài tháng trở lại đây. Theo một cán bộ Vụ Ngân sách nhà nước, đây là dấu hiệu tích cực đối với việc thu ngân sách.

Vị này ước tính khi giá dầu thô giữ ổn định trên 60 USD/thùng trong vài tháng, ngân sách sẽ tăng thu 4.000 – 5.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, khi trình ra Quốc hội dự toán ngân sách năm 2017, Chính phủ dự kiến giá dầu thô khoảng 50 USD/thùng. Trường hợp giá dầu lên trên mức này, theo vị cán bộ Vụ Ngân sách nhà nước, đương nhiên không phải lo phần thu từ dầu.

Tuy nhiên, vị này lưu ý số thu từ dầu thô trong vài năm gần đây chỉ chiếm tỉ lệ dưới 10% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, việc giá dầu thô thế giới tăng đang được ngành dầu khí theo dõi kỹ và một lãnh đạo doanh nghiệp khai thác dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí VN khấp khởi “hi vọng giá dầu năm 2017 sẽ đạt mức 60 USD/thùng”.

Ngày 23-2, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết với giá dầu hiện tại khoảng 55 USD/thùng, việc khai thác dầu của liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã có lãi. Nhờ nguồn dầu chất lượng cao, nên hiện dầu thô do Vietsovpetro bán ra thị trường đang cao hơn giá của thế giới khoảng 1 USD/thùng.

Theo một cán bộ làm trong ngành dịch vụ dầu khí, Vietsovpetro đã có kịch bản nếu giá dầu giảm sâu sẽ đóng một số giàn khai thác. Tuy nhiên với việc giá dầu nhích lên, việc này đã không xảy ra.

Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2017 liên doanh Vietsovpetro sẽ khai thác 5 triệu tấn dầu. Liên doanh này đã lên kế hoạch với giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến bán xấp xỉ 2 tỉ USD dầu, nộp ngân sách VN 775 triệu USD, lợi nhuận phía VN là gần 142 triệu USD và lợi nhuận phía Liên bang Nga 136 triệu USD.

Với giá dầu cao hơn, theo các chuyên gia, dự kiến các chỉ tiêu trên còn cao hơn nữa. Lãnh đạo một số công ty làm dịch vụ dầu khí ở Vũng Tàu cũng cho hay giá dầu tăng là tín hiệu đáng mừng vì dịch vụ sẽ có nhiều việc hơn…

Cẩn thận với việc 
tăng giá…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN, tính toán mức điều chỉnh giá xăng dầu gần đây đã làm giá cước vận tải tăng 3-4%.

“Nếu chi phí đầu vào tăng 5% thì doanh nghiệp mới điều chỉnh giá cước. Thời gian tới nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, chắc chắn doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước theo đúng giá thị trường” – ông Thanh nêu.

Ông Nguyễn Tương, phó chủ tịch Hiệp hội Logistics VN, lưu ý khi giá xăng dầu tăng cùng nhiều yếu tố đầu vào khác đang tăng, có thể thiết lập mặt bằng giá mới.

Ông Tăng Bá Vương – Công ty CP thương mại Phúc Tiên, Hà Nội – cũng đồng tình khi cho biết giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải hầu như không giảm, nhưng khi giá nhiên liệu tăng luôn là cái cớ để giá cước nhao lên.

Đơn cử, vận chuyển 1 tấn thép từ Hà Nội đi Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn giữ nguyên mức 400.000 đồng/tấn suốt 4 năm nay, từ lúc giá dầu ở mức kỷ lục 22.000 đồng/lít đến khi chỉ còn khoảng 10.000 đồng/lít.

Thế nhưng đầu năm nay, ông Vương cho biết một số đơn vị vận tải đã thông tin dự kiến tăng giá khi giá xăng dầu nhích lên.

Trước thực tế giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp cho biết đã phải tính toán cắt nhiều chi phí.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - giám đốc Công ty TNHH gạch men Thạch Phúc (Hưng Yên) - cho biết giá xăng dầu tăng mỗi lần chỉ vài ba trăm đồng. Nhưng nhìn lại so với thời điểm này năm trước, giá xăng đã tăng tới 3.500 đồng/lít, còn dầu thì hơn 4.000 đồng/lít. Lương cũng tăng.

Do đó, doanh nghiệp xác định giải pháp chính là phải giảm tiếp các chi phí quản lý, thậm chí một người kiêm nhiều việc như kế toán kèm cả công việc văn phòng…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Phương, phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương), nhận định giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới nếu tiếp tục tăng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đặt ra trong năm 2017.

“Nóng” với giá xăng dầu
Giá dầu thô Brent hiện đang theo xu hướng tăng – Đồ họa: Như Khanh

Nên giảm thuế 
nếu giá tăng

Giá dầu thế giới tăng, thu ngân sách từ dầu sẽ tăng. Để hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đề nghị nếu giá xăng dầu thời gian tới tăng tiếp thì Nhà nước nên giảm thuế, chứ sử dụng quỹ bình ổn giá thì cũng là tiền của người tiêu dùng.

Theo ông Liên, Nhà nước cũng nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ông Liên cho rằng tổng mức thu từ các loại thuế của Nhà nước đối với xăng dầu đang quá cao, chiếm khoảng 42% giá bán (tức giá xăng 18.000 đồng thì thuế nhà nước thu đã khoảng 7.200 đồng – PV).

Ông Nguyễn Văn Tiu, thành viên Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu VN, cho biết sẽ khó trông cậy nhiều vào quỹ bình ổn vì hiện chỉ còn hơn 2.000 tỉ đồng, trong khi nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã bị âm quỹ…

Áp lực từ giá dầu tăng có thể lớn hơn nhiều so với tăng thu ngân sách và lợi ích của một số doanh nghiệp xăng dầu. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng việc điều hành giá cần thận trọng, hạn chế đưa thêm các khoản thuế, phí kiểu như đề xuất tăng thuế môi trường với xăng tối đa tới 8.000 đồng/lít mới đây.

Giá dầu thế giới có thể tăng tiếp

Chỉ trong hai tuần giữa tháng 2-2016, giá trung bình xăng thế giới tăng từ 557,3 USD/tấn lên 563,27 USD/tấn.

Theo Financial Times, nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu thô có thể chạm mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay, trong bối cảnh OPEC để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng.

Nhiều nước không đứng yên nhìn giá xăng tăng, như New Zealand mới đây tuyên bố sẽ điều tra việc tăng giá xăng dầu. Bộ trưởng năng lượng Judith Collins cho biết cuộc điều tra sẽ phân tích kỹ tài chính của các công ty xăng dầu.

“Mục đích là nhằm xác định liệu các công ty này có nhận siêu lợi nhuận hay không” – bà Collins cho biết. Trong khi đó, một số nước ở châu Phi như Oman phải đặt mức trần cho giá xăng.

TRẦN PHƯƠNG

Phối hợp để giảm áp lực tăng giá

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2017 tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao và công tác quản lý giá dự báo gặp nhiều thách thức do mức lương cơ sở tăng 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng; tiếp tục lộ trình giá thị trường với giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước sinh hoạt…

Để giá không biến động lớn, Cục Quản lý giá kiến nghị với điện, Bộ Công thương cần phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá mức tác động của các phương án điều chỉnh để điều hành phù hợp.

Với việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của 27 địa phương, Bộ Y tế cũng cần phối hợp để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 bình quân dưới 4%.

NGỌC AN – LÊ THANH – 
ĐÔNG HÀ