01/11/2024

Cần cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Xuất khẩu gạo liên tiếp gặp khó khăn, mô hình Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thường do lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước làm chủ tịch, theo nhiều chuyên gia, đã không còn phù hợp…

 

Cần cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Xuất khẩu gạo liên tiếp gặp khó khăn, mô hình Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thường do lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước làm chủ tịch, theo nhiều chuyên gia, đã không còn phù hợp…

 

 

 

Cần cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng VFA đã giữ quyền hạn có thể làm méo mó thị trường xuất khẩu gạo, cần cải tổ hiệp hội này cho phù hợp tình hình mới. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch lúa tại ĐBSCL – Ảnh: Chí Quốc

VFA cần được tăng cường các hoạt động thực chất hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chung, chứ không chỉ riêng cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực

Ông Trần Hữu Hiệp (uỷ viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)

Tiếp theo ý kiến tại tọa đàm “Định hướng sửa nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức ngày 23-2, với ý kiến đề nghị cải tổ VFA, nhiều cán bộ, người dân đồng tình dù VFA đã có những đóng góp nhất định nhưng đã đến lúc cần có mô hình mới hiệu quả hơn.

* Ông Trần Hữu Hiệp 
(ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ):

Cần đổi mới vai trò, chức năng VFA

Theo điều lệ, VFA là “một tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp VN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực”. Vì vậy, tôn chỉ, mục đích đầu tiên của VFA phải là “bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên”.

Trong khi lúa gạo là lĩnh vực liên quan hơn 10 triệu hộ nông dân, khó có thể dung hòa “xung đột lợi ích” nếu chỉ được điều tiết trong phạm vi VFA.

Hiện nhận thức về an ninh lương thực đang thay đổi căn bản từ cách tiếp cận “đủ gạo ăn” là chủ yếu sang tiếp cận đa ngành, đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân. Điều kiện tự nhiên, tổ chức sản xuất thay đổi cùng công nghệ mới đang dẫn đến những thay đổi chuỗi giá trị lúa gạo.

Điều đó yêu cầu tăng cường liên kết chặt chẽ hơn đòi hỏi các hiệp hội như VFA phải được đổi mới về vai trò, chức năng, phương thức hoạt động.

Tôi cho rằng cần tổ chức lại VFA để đảm bảo hiệp hội có các thành phần doanh nghiệp (bao gồm khối dân doanh rộng hơn), đại diện thực chất của hợp tác xã và nông dân.

Qua đó, VFA cần tăng cường các hoạt động thực chất hơn. Các hiệp hội ngành hàng nói chung và VFA nói riêng không nên bị “hành chính hóa”.

Ông Phạm Thái Bình (giám đốc Công ty TNHH 
Trung An, TP Cần Thơ):

Chỉ phục vụ một nhóm nào đó

Nếu đúng vai trò của mình thì VFA phải tập hợp được các hội viên làm vùng nguyên liệu lớn, nhưng nhiều năm qua VFA đã không tập hợp được để chủ động trong xuất khẩu gạo.

Hôm rồi họp thì VFA đề nghị Chính phủ cho chủ trương mua tạm trữ xuất khẩu gạo trong khi nông dân chưa thu hoạch. Tầm nhìn của VFA chỉ phục vụ mục đích, nhóm nào đó thôi.

Nếu Chính phủ đồng ý cho tạm trữ thì những doanh nghiệp thành viên VFA được hưởng lãi suất ưu đãi cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân có hợp tác với nông dân.

Về vấn đề xúc tiến thương mại, VFA tổ chức nhiều nhưng không hiệu quả bởi cách làm cũ là thành lập đoàn, kêu gọi doanh nghiệp đóng tiền. Hiệu quả không cao nên nhiều doanh nghiệp hiện tự… đi lẻ bởi đi như vậy họ có mục đích, có đối tượng hẳn hoi.

Chẳng hạn Công ty Trung An từ đầu năm tới nay đã hai lần tự đi Trung Quốc để xúc tiến và sắp tới là đi Pháp, Trung Đông. Những hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp chưa thấy.

* Ông Trần Chí Viễn 
(chủ tịch Hội Nông dân tỉnh 
Kiên Giang):

Tập trung 
“ban phát” quota xuất khẩu gạo?

Lâu nay, VFA chưa đặt mình vào vị trí của người nông dân. Nếu VFA chịu tiếp thu, chắc nông dân sẽ kiến nghị tổ chức này bắt tay xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, thay vì tập trung “ban phát” quota xuất khẩu như lâu nay vẫn làm.

Nông dân VN cần ít nhất một bộ giống lúa xác nhận cấp quốc gia để từ đó tạo dựng thương hiệu cho gạo Việt. Nhưng rất tiếc tới thời điểm này, dường như đây chưa phải điều VFA quan tâm.

Theo tôi, nông dân chưa từng hưởng lợi từ VFA, bởi rõ ràng sau khi chạy quota xong, các doanh nghiệp được VFA chọn để xuất khẩu gạo mới bắt đầu tìm thương lái thông báo số lượng. Thương lái ém thông tin để ép giá nông dân. Dân bị “mù” thông tin xuất khẩu gạo.

Xác minh thông tin 20.000 USD 
một giấy phép xuất khẩu gạo

Chiều 23-2, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo trước thông tin doanh nghiệp nêu phải tốn 20.000 USD để có giấy phép xuất khẩu gạo.

Cụ thể, ngày 23-2, một số báo đã đăng tải ý kiến phát biểu của ông Ngô Văn Nam, tổng giám đốc Công ty TNHH ADC, tại toạ đàm về đề xuất sửa đổi nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, nói về chi phí xin giấy phép, ông Nam khẳng định: “Không dưới 20.000 USD”.

Sau khi nhận được thông tin trên, ông Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thanh tra bộ lập đoàn xác minh, giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc với các đơn vị, cá nhân liên quan để xác minh sự việc.

TRẦN MẠNH

H.T.DŨNG – K.NAM – C.QUỐC