29/11/2024

Ước mơ nông trường xanh của ‘kỹ sư chân đất’

Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước vừa giao cho “kỹ sư chân đất” Trần Quốc Hải 120 ha đất để áp dụng thí điểm bằng máy móc tự chế tạo.

 

Ước mơ nông trường xanh của ‘kỹ sư chân đất’

Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước vừa giao cho “kỹ sư chân đất” Trần Quốc Hải 120 ha đất để áp dụng thí điểm bằng máy móc tự chế tạo.



Ông Trần Quốc Hải kiểm tra những luống mì được trồng hom đứng ra lá non xanh tươi  /// Ảnh: Giang Phương

Ông Trần Quốc Hải kiểm tra những luống mì được trồng hom đứng ra lá non xanh tươiẢNH: GIANG PHƯƠNG

Sau khi chế tạo thành công máy trồng mì “siêu tốc” có khả năng thực hiện cùng lúc nhiều công đoạn như lên rò, phun thuốc diệt mầm, bón phân hoặc cắt hom, đặt hom xuống đất và thu hoạch củ mì; cuối năm 2016, cha con ông Trần Quốc Hải (56 tuổi, ngụ xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh) tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dàn máy trồng đậu theo công nghệ “mới toanh” (lên rò, trồng, tỉa, bón phân, xịt thuốc…). Chỉ cần 1 người điều khiển, máy có thể canh tác trên 50 ha, thậm chí cả trăm héc ta/ngày.
Tự tin kiếm chục tỉ đồng
Nét mặt tươi tắn, ông Hải chậm rãi cho biết với hơn 6 tháng trước, ông và con trai Trần Quốc Thành (27 tuổi) được Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước tìm đến nhà và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. “Trung tâm đề nghị giao 500 ha đất nông nghiệp (thời hạn 3 năm) để áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp bằng các thiết bị, máy móc từ sự sáng chế của 2 cha con tôi. Nhưng trước mắt, tôi chỉ dám nhận 120 ha đất để trồng mì và đậu xanh. Máy móc cũng được chuyển sang Bình Phước để thực hiện ước mơ về một nông trường xanh của mình. Cứ 100 ha mà được áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp thì tôi kiếm chắc 5 – 10 tỉ đồng”, ông Hải tự tin.
 
 
Ước mơ nông trường xanh của 'kỹ sư chân đất' - ảnh 1

Đây cũng là điều kiện để tỉnh Bình Phước hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, chẳng hạn như củ mì phải đạt năng suất 60 tấn/ha/năm thay vì 40 – 50 tấn/ha như hiện nay. Bình Phước hiện có diện tích cây mì rất lớn nhưng do trồng thủ công nên năng suất đạt chưa cao

Ước mơ nông trường xanh của 'kỹ sư chân đất' - ảnh 2
 

Thạc sĩ Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước

 

Đưa chúng tôi đến nông trường rộng 120 ha (thuộc xã Đồng Nơ, H.Hớn Quản, Bình Phước), ông Hải mượn xe máy của công nhân dẫn khách thăm khu trồng mì. Tại đây, một chiếc máy kéo Ford 4600 do 2 công nhân điều khiển mang theo dàn máy quy trình trồng mì “4 trong 1” do ông Hải sáng chế đang hoạt động. Dàn máy chạy đến đâu, cây mì giống được cắt ngắn ra thành hom, cắm xuống đất đều tăm tắp, cùng lúc kết hợp với bón phân, xới vun đất đều vô giữa gốc mì để giữ ẩm. Chúng tôi không khỏi bất ngờ vì chưa đầy 2 giờ đồng hồ, dàn máy hoàn thành được gần 10 ha đất. “Khu vực này rộng 50 ha tôi vừa thu hoạch đậu phộng xong và giờ trồng cây mì”, ông Hải chỉ cánh đồng mì mà một phần đã lên mầm xanh, phấn khởi.

Hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến
Nhắc lại chuyện cũ, ông Hải ngậm ngùi kể khi chiếc máy trồng mì hoàn thiện thì các ngành chức năng tỏ vẻ nghi ngờ. “Có người đến hỏi tôi, máy trồng mì này có khả năng tăng năng suất thu hoạch lên bao nhiêu. Tôi trả lời, trồng mì bằng máy tỷ lệ sống đạt trên 95 %. Còn cây mì có tốt hay nhiều củ là do kinh nghiệm chăm sóc, bón phân. Chứ máy móc chỉ là thiết bị để con người điều khiển theo ý mình. Không ở đâu như VN, tôi sáng chế ra máy móc nhưng phải tự thân đem đi áp dụng để được đánh giá, chứng minh hiệu quả”, ông Hải bộc bạch.
Ước mơ nông trường xanh của 'kỹ sư chân đất' 2

Thạc sĩ Trần Minh Đức (bìa phải) tại nông trường xanh của ông Hải

Có mặt ở nông trường xanh của ông Hải, thạc sĩ Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh), hào hứng nói: “Trước mắt thấy mì lên đều răm rắp mà mừng cho anh Hải. Sau khi thu hoạch, chúng tôi sẽ có đánh giá và xây dựng mô hình chuẩn đối với cơ giới hoá cây mì của anh Hải. Đây cũng là điều kiện để tỉnh Bình Phước hướng đến nền nông nghiệp tiên tiến, chẳng hạn như củ mì phải đạt năng suất 60 tấn/ha/năm thay vì 40 – 50 tấn/ha như hiện nay. Bình Phước hiện có diện tích cây mì rất lớn nhưng do trồng thủ công nên năng suất đạt chưa cao”.
Cũng theo ông Đức, mục tiêu của trung tâm là hướng đến sự liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà khoa học, nông dân để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng những công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao. Trong đó, tỉnh Bình Phước đã dành sẵn khoảng 1.000 ha đất sạch để thực hiện mục tiêu này.
“Tiếc vì chưa làm được nông trường xanh ở tỉnh mình”

Theo lời ông Hải, trong năm 2016 tỉnh Tây Ninh cũng đã hỗ trợ cho ông một phần dự án nghiên cứu dàn máy quy trình trồng mì và đã nghiệm thu, nhưng từ khi những chiếc máy ra đời, ông vẫn chưa thể thử nghiệm hết công suất trên diện tích lớn ở quê hương mình. “Tại Tây Ninh, những khu vực canh tác tôi tiếp cận được rộng nhất cũng chỉ có khoảng 10 ha trở lại. Do vậy, tôi tiếc vì chưa làm được nông trường xanh ở tỉnh mình”, ông Hải thoáng buồn.


 

Giang Phương