Phóng xạ bí ẩn lan rộng tại châu Âu
Mỹ phải triển khai máy bay chuyên dò phóng xạ đến châu Âu sau khi nhiều nước trong khu vực chìm trong màn bức xạ không rõ nguồn gốc.
Phóng xạ bí ẩn lan rộng tại châu Âu
Mỹ phải triển khai máy bay chuyên dò phóng xạ đến châu Âu sau khi nhiều nước trong khu vực chìm trong màn bức xạ không rõ nguồn gốc.
Theo trang The Aviationist, một chiếc máy bay WC-135 Constant Phoenix chuyên dùng theo dõi tình hình phát tán phóng xạ sau các vụ nổ hạt nhân của không quân Mỹ đáp xuống sân bay căn cứ Mildenhall tại Suffolk (Anh) hồi cuối tuần trước. Giới chức các bên không công bố chi tiết nhiệm vụ cụ thể nhưng giới chuyên gia khẳng định lần điều động này liên quan đến màn phóng xạ bí ẩn hiện diện tại một loạt quốc gia châu Âu.
Nguồn gốc từ Nga?
Trong tháng 1 và tháng 2, các trạm đo đạc chất lượng không khí tại Bắc Âu liên tục phát hiện dấu vết của phóng xạ đồng vị Iodine-131, dường như từ phía đông lan đến. Đầu tiên, sự gia tăng hàm lượng Iodine-131 được ghi nhận tại khu vực biên giới Nga – Na Uy vào tháng 1. Sau đó, đến lượt Phần Lan, Ba Lan, CH Czech, Đức, Pháp và Tây Ban Nha hứng chịu phóng xạ.
Theo trang tin World Nuclear News, Ba Lan là nước có hàm lượng Iodine-131 trong không khí cao nhất, ở mức 5,92 micro Becquerel trong 1 m3 không khí (µBq/m3). Các nước khác đều ở mức thấp hơn nhiều lần (từ 0,1 – 1,5 µBq/m3).
Tờ The Barents Observer dẫn lời giới chức các cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân các nước nói trên khẳng định hàm lượng phóng xạ trong không khí đến nay vẫn còn cách xa ngưỡng báo động và “không gây quan ngại về mặt sức khoẻ”. Họ cũng giải thích lý do ban đầu không thông báo rộng rãi tình trạng phóng xạ là nhằm tránh gây hoang mang và “chuyện này không có giá trị về mặt thông tin”.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không thể không lo ngại khi giới hữu quan vẫn bất lực trong việc giải thích nguồn gốc phóng xạ. Theo trang Science Alert, Iodine-131 có chu kỳ bán rã khá ngắn nên việc phát hiện phân tử chất này trong khí quyển cũng có nghĩa là phóng xạ chỉ mới được thải ra gần đây. “Sự phóng thích Iodine-131 có vẻ như có nguồn gốc tức thời”, chuyên gia Brian Gornall của Hội Phòng vệ phóng xạ Anh nhận định.
Mặt khác, Iodine-131 luôn hiện diện trong các loại bom nguyên tử và mỗi khi có nước nào đó thử nghiệm vũ khí hạt nhân là chất này lại được phát hiện. Sau các thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986 và Fukushima số 1 tại Nhật Bản năm 2011, giới chức cũng nhận thấy tình trạng tăng vọt Iodine-131 trong không khí. Ngoài ra, chuyên gia Astrid Liland thuộc Cơ quan Phòng vệ bức xạ Na Uy (NRPA) cho biết: “Vào thời điểm đo đạc, thời tiết rất khắc nghiệt, nên chúng tôi không thể lần theo dấu vết về nguồn thải phóng xạ. Dựa trên các kết quả đo lường ở châu Âu, có vẻ như chúng đến từ phía đông”.
Từ những dữ kiện trên, có giả thuyết cho rằng phóng xạ xuất hiện sau khi Nga bí mật tiến hành thử vũ khí hạt nhân ở khu vực quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực. Trang Lenta (Nga) thì dẫn lời một số nhà phân tích nghi ngờ có thể đã xảy ra tai nạn trên tàu ngầm hạt nhân Nga triển khai tại Novaya Zemlya. Moscow chưa có phản ứng về những thông tin này.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ điều máy bay dò phóng xạ đến Anh
Không quân Mỹ đã triển khai máy bay dò phóng xạ WC-135 Constant Phoenix đến Anh theo sau những ghi nhận cho thấy hàm lượng phóng xạ Iodine xuất hiện tại châu Âu, cụ thể là Na Uy.
Khả năng rò rỉ
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia không tin tưởng vào các giả thuyết nói trên. Theo họ, nếu thật sự có một vụ thử hay tai nạn liên quan đến khí tài quân sự hạt nhân thì trong không khí phải xuất hiện nhiều đồng vị phóng xạ khác chứ không riêng Iodine-131. Ngoài ứng dụng trong vũ khí, chất này còn được sử dụng rộng rãi trong y học như xạ trị chữa ung thư và nhiều bệnh khác. Vì thế, giả thuyết khả dĩ hơn là xảy ra rò rỉ tại một cơ sở y tế nào đó và vụ việc đang bị che đậy.
“Do chỉ phát hiện Iodine-131 và không có thành phần bức xạ khác kèm theo, chúng tôi cho rằng chúng bắt nguồn từ một công ty dược phẩm chuyên cung cấp thuốc có hàm lượng phóng xạ”, chuyên gia Liland của NRPA nói với The Barents Observer.
Đáng chú ý là cách đây 6 năm từng diễn ra một vụ việc gần như tương tự tại châu Âu. Theo Reuters, vào năm 2011, các trạm thanh trắc trên khắp châu lục cũng đã phát hiện Iodine-131 hàm lượng thấp tại một số quốc gia trong vòng vài tuần trước khi biến mất không tung tích. Đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng nhưng hầu hết các cơ quan hữu quan đều cho rằng nguồn gốc vụ phóng thích Iodine-131 năm 2011 là do hệ thống lọc của Viện Đồng vị Budapest (Hungary) bị lỗi. Đây là nơi sản xuất nhiều loại đồng vị phóng xạ dành cho hoạt động điều trị và nghiên cứu y khoa.
Tuy nhiên, do châu Âu hứng chịu nhiều đợt gió đầu năm nên phóng xạ bị thổi tứ tán và việc “điểm mặt” nơi xuất hiện đầu tiên vô cùng khó khăn. Theo các nguồn tin, hiện giới hữu trách lẫn các nhà nghiên cứu đang chờ đợi kết quả từ máy bay WC-135 để tiến hành các bước điều tra tiếp theo.
Thuỵ Miên