09/01/2025

Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì sao

Vũ trụ có vẻ không còn quá xa vời đối với những bạn trẻ đang là nhân tố chính trong các chương trình nghiên cứu không gian.

 

Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì sao

Vũ trụ có vẻ không còn quá xa vời đối với những bạn trẻ đang là nhân tố chính trong các chương trình nghiên cứu không gian.



Các thành viên cuộc “chinh phục sao Hỏa” của Mars Society /// Isae-Supaero

Các thành viên cuộc “chinh phục sao Hỏa” của Mars SocietyISAE-SUPAERO

Có lẽ trong giấc mơ tuổi thơ, ai cũng từng một lần mơ về những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Vũ trụ bao la luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, đặc biệt là với các bạn trẻ. Đó là lý do rất nhiều chương trình nghiên cứu không gian luôn được học sinh, sinh viên hào hứng đăng ký tham gia tình nguyện.
Riêng dự án của tổ chức phi lợi nhuận Mars Society chuyên giả lập cuộc sống trên sao Hỏa từ hơn 3 năm nay thường tuyển tình nguyện viên từ Viện Nghiên cứu hàng không không gian (Isae-Supaero) ở thành phố Toulouse, Pháp. Theo tờ Le Figaro, trong đợt thử nghiệm của năm nay, từ ngày 12.2 – 5.3, có 6 sinh viên và 1 kỹ sư trẻ của Isae-Supaero cùng sống trong một “phi thuyền” đường kính 8 m nằm giữa sa mạc của bang Utah, Mỹ.
Cách ly khắc nghiệt
Nhiệm vụ của nhóm là thử sức với điều kiện sống mô phỏng những gì chờ đợi phi hành gia thám hiểm sao Hoả trong tương lai như sống cách ly trong không gian hẹp, môi trường hoang vu và khắc nghiệt cũng như tiến hành thí nghiệm trồng rau trong lồng kính.
Theo Le Figaro, các sinh viên của Isae-Supaero được sử dụng thử nhiều thiết bị siêu hiện đại được chế tạo cho những dự án khám phá vũ trụ gồm kính tăng cường thực tế ảo, hệ thống địa chấn kế tương tự như cỗ máy mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ sử dụng trong chương trình khám phá sao Hỏa mang tên InSight vào năm 2018… Ngoài nhiệm vụ chung, mỗi thành viên còn có bổn phận riêng: “bác sĩ” Simon Bouriat, “nhà thiên văn” Mouâdh Bouayad, “nhà sinh vật học” Victoria Dapoian, “ký giả” Louis Mangin…
So với nhiệt độ -800C vào ban đêm ở sao Hỏa thì mức -30C khi tắt nắng tại sa mạc Utah vẫn còn rất “dễ chịu”. Trong trường hợp khẩn cấp, một trạm cứu hộ cách không xa sẽ triển khai nhân viên đến để đưa các thành viên dự án đến thành phố gần nhất là Grand Junction, bang Colorado. Thời gian tham gia thử nghiệm cũng chỉ 3 tuần, trong khi nếu thật sự muốn chinh phục sao Hoả, phi hành gia phải xa trái đất ít nhất 18 tháng. Hành tinh Đỏ cách chúng ta đến 76 triệu km nên một khi đã lên đường, sẽ phải chấp nhận bị cô lập tuyệt đối và dài hạn với môi trường quen thuộc.
Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì sao - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

UAE tính xây thành phố trên sao Hỏa

Tờ Hindustan Times ngày 17.2 dẫn lời Thủ tướng UAE Mohammad Bin Rashid Al Maktoum đã công bố kế hoạch Dự án sao Hoả 2117 nhằm xây dựng thành phố đầu tiên trên sao Hoả trong vòng 100 năm tới.
 
 
Hoàng tử bé trên ISS
Để khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi ước mơ với vũ trụ bao la, phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet đang thực hiện nhiệm vụ trên Trạm không gian quốc tế (ISS) mở cuộc thi viết dành cho các bạn trẻ dưới 25 tuổi dựa trên tác phẩm nổi tiếng Hoàng tử bé của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry.
Nội dung đề thi là “Hoàng tử bé đi từ hành tinh này đến hành tinh khác, tổng cộng là 7 nơi. Bạn hãy tưởng tượng và viết một đoạn nhỏ, tối đa một trang, về chuyến du hành đến hành tinh thứ tám của cậu ấy và về người mà cậu sẽ gặp gỡ ở đó”.
Theo tờ Paris Match, hạn chót gửi đến Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) là ngày 28.2. Bài dự thi sẽ được một hội đồng gồm các phi hành gia, chuyên gia vũ trụ và nhà phê bình văn học sàng lọc ra 10 bài hay nhất chuyển cho Pesquet. Phi hành gia người Pháp sẽ tiếp tục chọn 2 bài đoạt giải để đọc và phát trực tiếp từ ISS.

 

Tuy không khắc nghiệt như sống ở sao Hỏa thật nhưng nhóm sinh viên của Isae-Supaero cũng phải rất cố gắng mới có thể tập được những thói quen vô cùng thử thách như tiết kiệm nước sạch tối đa, rất ít khi ra ngoài và nếu có đi đâu thì phải mặc bộ trang phục nặng nề của phi hành gia, bữa ăn chỉ toàn thực phẩm sấy lạnh…

“Ký giả” Louis Mangin kể trên nhật ký trực tuyến của nhóm về lần tắm đầu tiên vào ngày 20.2: “Trước khi tham gia, chúng tôi đã được các anh tham gia chương trình vào năm trước dặn là chỉ tắm ở mức tối thiểu. Tôi và Xavier rất biết nghe lời nên đã đợi đến hơn 1 tuần mới tắm. Tôi chỉ xài 5 lít nước nhưng Xavier còn tiết kiệm hơn, xài đúng 3 lít. Không biết cậu ấy có sạch thật không”.
Jérémy Rabineau, một cựu sinh viên Isae-Supaero từng tham gia chương trình giả lập chinh phục sao Hoả vào năm 2016 nhắc lại những kỷ niệm khó quên với Đài France Télévisions: “Muốn ăn là lại ngán ngẩm vì phải bỏ ra 3 giờ để xử lý mớ thực phẩm sấy lạnh. Nhưng sau một tuần, chúng tôi đã cho thấy khả năng thích nghi cao khi có thể “chế” được pizza với những nguyên liệu không mấy hấp dẫn kia”.
Theo Rabineau, việc 6 người cùng sống suốt nhiều tuần liền trong “cái hộp” chật hẹp mà “thứ gì cũng phải tiết kiệm” rất dễ gây nản lòng. Vì thế, việc tham gia những chương trình thử nghiệm như của Mars Society không những giúp bạn trẻ tiến gần hơn với giấc mơ chinh phục vũ trụ và thỏa mãn đam mê khoa học mà còn góp phần đào luyện bản lĩnh, trách nhiệm và tinh thần sẻ chia.
Không làm “kẻ xâm lấn”
Ngoài Mars Society, còn có nhiều tổ chức, tập đoàn mở các cuộc thi và chương trình nghiên cứu về chinh phục vũ trụ với mục tiêu hoàn toàn nghiêm túc là tìm kiếm những ý tưởng có thể ứng dụng chứ không phải chỉ “để cho vui”.
Theo Le Figaro, thành phần tham dự chủ yếu là giới trẻ. Mới đây, công trình của nhóm sinh viên Đại học Southampton (Anh) tham gia một cuộc thi của Tổ chức Mars One (dự kiến đưa người lên sao Hoả vào năm 2032) đã được đánh giá cao. Để thực phẩm sấy lạnh không còn là nỗi ám ảnh của các phi hành gia phải thực hiện nhiệm vụ dài hạn trong không gian, “nông nghiệp” là lựa chọn hàng đầu. Nhưng trồng trọt thế nào khi xung quanh không có nước, nhiệt độ khi thì quá cao, lúc lại cực thấp? Giải pháp là lập hệ thống nhà kính siêu hiện đại gửi lên hành tinh Đỏ cùng với phi hành gia. Trong nhà kính có sẵn hạt giống, hệ thống giúp trữ và điều hòa nước, khí CO2 và đèn LED để thay ánh sáng mặt trời.
Nhóm đã trồng thử cải xà lách với nhà kính đặc biệt nói trên và cây mọc khá tốt. Đặc biệt, Le Figaro dẫn lời các thành viên cho biết: “Nếu một ngày nào đó chúng tôi đến được sao Hoả, sau khi ăn rau tự trồng, những gì sót lại sẽ bị hủy bỏ. Chúng tôi không muốn trở thành những kẻ xâm lấn sinh học nên sẽ không để bất kỳ mầm mống sinh vật nào từ trái đất lạc ra môi trường sao Hoả. Cần phải là những “khách vãng lai” có trách nhiệm”.
Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì sao - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

200.000 USD để bay lên không gian

Công ty Nga KosmoKurs đã công bố bán vé du lịch không gian với giá từ 200.000 – 250.000 USD. Nhưng đừng tưởng chỉ cần bao nhiêu đó tiền, bạn có thể mơ bay bổng thật xa. 

 

Lan Chi