10/01/2025

Đề thi lớp 10 tăng tỷ lệ câu hỏi thực tiễn

Đồng bộ với chủ trương đổi mới cách dạy, học ở trường phổ thông và sẵn sàng cho việc thay sách giáo khoa sắp tới, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2017 – 2018 của TP.HCM sẽ tăng các câu hỏi theo hướng thực tiễn, ứng dụng.

 

Đề thi lớp 10 tăng tỷ lệ câu hỏi thực tiễn

Đồng bộ với chủ trương đổi mới cách dạy, học ở trường phổ thông và sẵn sàng cho việc thay sách giáo khoa sắp tới, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2017 – 2018 của TP.HCM sẽ tăng các câu hỏi theo hướng thực tiễn, ứng dụng.



Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) chuẩn bị ôn thi lớp 10 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) chuẩn bị ôn thi lớp 10ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hạn chế học sinh học thêm
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó phòng Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 – 2018 sẽ tiếp tục tăng các câu hỏi vận dụng thực tiễn từ cuộc sống, giảm các kiến thức hàn lâm. Cách ra đề như trên sẽ giúp học sinh (HS) không phải nhớ quá nhiều. Ông Tiến thông tin đề thi các môn sẽ tăng cường ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Hướng ra đề theo kiểu kiến thức không quá sâu, phức tạp. Đồng thời, đề thi năm nay sẽ chú trọng vào khả năng lập luận, bình luận của HS chứ không đòi hỏi phải học thuộc văn bản nhiều.
Ông Tiến cho biết thêm trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, phụ huynh thường mất quá nhiều thời gian để cho con đi học thêm, luyện thi ở các trung tâm. Điều này gây áp lực rất lớn cho HS. Bởi vậy Sở sẽ xây dựng đề thi theo hướng mở để HS không cần ôn luyện quá nhiều vẫn có thể làm được bài. Thêm vào đó, đề thi năm nay sẽ không quá nặng về kỹ thuật, thủ thuật làm bài để HS không cần mất nhiều thời gian “luyện” thì mới làm được.
Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, cũng cho rằng việc thay đổi đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc làm đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 – 2017, năm nay Sở sẽ không khu biệt lĩnh vực nào cho phần toán ứng dụng. Ông Lộc cho rằng việc thông báo trước một lĩnh vực nào đó sẽ tạo thêm áp lực cho HS. Như năm trước, sau khi Sở vừa thông báo sẽ có phần câu hỏi từ lĩnh vực tính lãi suất ngân hàng thì các trường liền lên lịch dày đặc và cho HS ôn tập rất vất vả. Đây là điều mà Sở hoàn toàn không mong muốn.
Đề thi lớp 10 tăng tỷ lệ câu hỏi thực tiễn - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Vừa học vừa ôn thi tuyển sinh lớp 10

Do ảnh hưởng từ lịch thi THPT quốc gia nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM sẽ diễn ra sớm hơn so với năm học trước. Việc này buộc các trường THCS phải có những phương án ôn tập cho học sinh phù hợp.
Ông Lộc thông tin thêm đề toán năm nay có một chút thay đổi về mặt cấu trúc câu hỏi. Cụ thể, câu 1 chỉ còn 2 ý thay vì 4 ý nhỏ như năm trước. Theo đó, ý 1 sẽ là một bài toán đố để dẫn ra phương trình. Tương tự, phần toán đồ thị cũng sẽ theo hướng thực tiễn. Dù có một vài thay đổi nhưng ông Lộc khẳng định đề thi đảm bảo HS trung bình nếu ôn luyện tốt sẽ đạt 5 điểm trở lên.
Tương tự, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn phòng giáo dục trung học, cho biết: “Đề thi môn văn sẽ hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản: đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ để trình bày một vấn đề, thuyết phục người khác, cảm thụ tác phẩm văn học. Bên cạnh việc đánh giá, phân loại HS theo các mức năng lực ở mỗi nội dung đều có những yêu cầu cao dành cho HS khá giỏi. Đề thi mong muốn có những tác động đến việc đổi mới dạy và học ngữ văn trong nhà trường”.
Với bộ môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phòng giáo dục trung học, thông tin: “Ngoài 2 môn ngữ văn và toán, tới thời điểm này Sở chưa công bố môn thi thứ 3. Tuy nhiên, nếu tiếng Anh được chọn thì hướng ra đề thi cũng theo định hướng chung của Sở là gần gũi và thực tế. Ông Lữ cho hay đề thi sẽ tiếp tục có các sự kiện nóng nhưng không nhạy cảm và phù hợp với đối tượng là HS. Bên cạnh đó, đề sẽ đảm bảo bám sát chương trình và có độ phân hóa cao”.
Theo hướng phát triển năng lực
Việc Sở GD-ĐT TP.HCM ra đề thi theo hướng phát triển năng lực HS phù hợp với chủ trương đổi mới cách dạy và học trong trường phổ thông đã được các trường THCS thực hiện nhiều năm nay. Việc đánh giá này sẽ giúp HS từ cách học tới cách thi.
Ông Tiến cho biết thêm: “Đề kiểm tra tại các trường THCS cũng đang dần chuyển biến theo hướng này. Tức là trong các đề kiểm tra 15 phút, một tiết đều có đưa vào các câu hỏi mang tính thực tiễn. Thậm chí, nhiều trường đã mạnh dạn đưa các vấn đề thời sự vào đề kiểm tra. Đây là một yếu tố khá quan trọng để từng bước đưa HS tiếp cận với cách ra đề mới. Giúp các em tập dần thói quen làm bài thi mà không phụ thuộc vào sách vở”.
Nhiều HS cũng cho rằng việc tăng tỷ lệ kiến thức thực tiễn giúp có cơ hội thể hiện bản thân hơn là việc ép học quá nhiều kiến thức và đề thi quá hàn lâm. Nguyễn Đăng Bình (HS Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) cho biết: “Không chỉ thi học kỳ mà ngay cả một số bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết giáo viên cũng thường cho chúng em làm đề theo kiểu nhận xét một lời nói, một hành động. Ngoài ra, em cũng có cảm tình hơn với kiểu câu hỏi dạng lồng ghép câu hỏi với các sự kiện thời sự. Với kiểu hỏi này, em thấy việc học và thi mới mẻ và hay hơn”. 

 

Lam Ngọc