29/11/2024

Cần giảm chi phí “không tên” cho doanh nghiệp

Đồng tình với ý kiến của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan về hàng hóa ASEAN tràn ngập, cần giảm tiền thuê đất, phí cho doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến nêu còn nhiều chi phí khác cần giảm.

 GIẢM SỨC ÉP NHẬP KHẨU TỪ ASEAN:

Cần giảm chi phí “không tên” cho doanh nghiệp

Đồng tình với ý kiến của nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan về hàng hóa ASEAN tràn ngập, cần giảm tiền thuê đất, phí cho doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến nêu còn nhiều chi phí khác cần giảm.

 

 

Cần giảm chi phí “không tên” cho doanh nghiệp
Hàng hoá Thái Lan được bán tại hội chợ Thái Lan trong sân vận động Hoa Lư, Q.1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Thân (chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa):

Chụp giật sẽ mất 
thị trường

Hàng hóa các nước ASEAN tràn vào VN, chất lượng tốt và tiếp cận thị trường rất chuyên nghiệp. Trong khi nhiều DN Việt mải xuất khẩu, thậm chí không đưa những sản phẩm tốt nhất tiêu thụ trong nước.

Chính ý thức một số DN Việt quen làm ăn chụp giật đã khiến làm mất thị trường nội địa. Do đó, cần phải kiểm tra, kiểm soát trên cơ sở xây dựng tiêu chuẩn với tất cả các mặt hàng tiêu dùng nội địa.

Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra kiểm soát, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN. Trên cơ sở đó, cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa về vốn, với mức lãi suất tốt, các thủ tục quyết toán thuế phải đơn giản.

TS Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, 
Bộ Công thương):

Gióng lên cảnh báo để thay đổi

Trong tiến trình hội nhập, VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, với các thỏa thuận mở cửa thị trường, phải cắt giảm các dòng thuế nên hàng hóa các nước tràn vào VN là tất yếu.

Các nhà buôn Thái Lan đi bằng nhiều con đường tiến vào thị trường VN, mua lại hệ thống Nguyễn Kim, BigC và Metro…; hay mở cửa hàng tiện lợi len lỏi vào các ngõ ngách. Gần đây, các thương nhân Singapore, Malaysia, Ấn Độ… cũng thâm nhập khá mạnh. DN Việt đã ý thức điều này, nhưng một lần nữa cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo, để đưa ra quyết sách cần thiết.

Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhưng chưa phát huy tác dụng thiết thực. Để có một đồng lãi, nhiều DN phải có chi phí bôi trơn. Nếu còn tình trạng này thì DN khó cạnh tranh, khó tái đầu tư. Nhiều DN phải dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư. Hay nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế, DN sẽ không bao giờ có sức cạnh tranh được. Do đó, cần có hỗ trợ các yếu tố này để giúp DN.

Ông Đinh Tuấn Minh (giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello):

Phải bỏ chi phí “đen”, 
ổn định lãi suất

Phần lớn hàng hóa của VN có yếu tố tương đồng với hàng của ASEAN. Do đó, để cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Malaysia… ngay trên chính đất họ, chúng ta phải giảm được chi phí, giảm giá và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để làm được điều này, phải giảm chi phí hạ tầng như phí đường bộ, phí cảng biển, phí bốc dỡ hàng hoá .. Đặc biệt là các phí không chính thức cần phải loại bỏ. Chi phí “đen” không những làm cho DN tăng chi phí mà còn khiến DN không tập trung, không yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, điều hành nhiều khi khó đoán định khiến DN chưa yên tâm kinh doanh lớn, đầu tư dài hạn. Như chuyện ổn định lãi suất cho vay. Để DN yên tâm, có chiến lược đầu tư dài hạn thì chính sách điều hành phải ổn định trong 5-7, thậm chí 10 năm.

Ông Nguyễn Tuấn Việt (giám đốc Công ty Vietgo – chuyên tư vấn xuất khẩu):

Cơ quan ngoại giao cung cấp thông tin tốt hơn

VN mới chủ yếu bán buôn vào ASEAN thôi, và cũng chủ yếu là hàng bán thành phẩm, còn các sản phẩm tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất ít. Lý do, chúng ta chưa có kênh phân phối như chuỗi siêu thị BigC, Metro của Thái Lan ở VN. Như chúng ta xuất gỗ dán sang Malaysia cũng chỉ ở dạng bán thành phẩm thôi.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là một số mặt hàng của chúng ta đã vào được ASEAN.

Để hàng Việt thâm nhập ASEAN tốt hơn, Nhà nước, cụ thể là cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài… cần hỗ trợ DN thêm thông tin về chính sách, thị hiếu, văn hoá tiêu dùng nước sở tại. Chứ thực tế, nhiều DN sản xuất của ta không có nhiều thông tin về việc giảm thuế nhập khẩu, chính sách thương mại của các nước ASEAN.

“Các phí không chính thức cần phải loại bỏ. Chi phí “đen” không những làm cho DN tăng chi phí mà còn khiến DN không tập trung, không yên tâm sản xuất kinh doanh”

Ông Đinh Tuấn Minh (giám đốc điều hành MarketIntello)

 
NGỌC AN – L.THANH