Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 15.3.2017 các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thoả thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Tháo ‘gông’ lãi suất cho vay
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 15.3.2017 các tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ được tự do thoả thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Việc thỏa thuận lãi suất (LS) không áp dụng trong cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất tối đa cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định trong từng thời kỳ.
Doanh nghiệp đồng thuận
Vốn của DN hiện chủ yếu phụ thuộc vào các NH, dỡ bỏ trần LS không đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát cũng như sự công khai, minh bạch tại chính bản thân các NH và trên toàn hệ thống sẽ mang lại những rủi ro rất lớn cho các DN
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN
Báo cáo của NHNN cho thấy cơ quan này không áp dụng mức trần lãi suất (LS) cho vay ngắn hạn chung mà chỉ áp riêng cho 5 nhóm trên. Cả 5 lĩnh vực này được các NH cho vay với LS tương đối thấp, khoảng 6%/năm. Một số NH lớn thậm chí áp dụng mức 5,5%/năm. Còn lại LS cho vay trên thị trường chủ yếu dựa vào thỏa thuận của các bên, ngắn hạn dao động trong khoảng 6 – 9%/năm, trung dài hạn 9 – 11%/năm. Một số DN tốt được vay với mức 5%/năm, nhưng số lượng hạn chế. Quyết định này nhằm nắn chỉnh dòng vốn đi vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, cần phải khuyến khích phát triển.
Việc NHNN tự do hoá LS (thả nổi theo cơ chế thị trường) vốn đã được đề cập từ khá lâu, nay được luật hóa chính thức nhận được khá nhiều sự đồng thuận của DN. Ông Trần Tiến Đ., giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, cho biết được tự do thỏa thuận LS cho vay sẽ giúp bản thân các DN chủ động được các phương án kinh doanh, tính toán các chi phí và không bị gò ép vào bất cứ mệnh lệnh hành chính nào. “Cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán, tôi có sức khoẻ, phương án kinh doanh tốt thì được vay với LS rẻ. Còn phương án kém hiệu quả, rủi ro thì phải chấp nhận mức LS đắt hơn”, ông Đ. nói.
Chia sẻ quan điểm trên, nữ doanh nhân Ngô Thị Thu H., phó chủ tịch HĐQT một công ty phát triển sản phẩm công nghệ tại Hà Nội, nhận định: “DN làm ăn ngại nhất sự thiếu công khai, minh bạch; ngại nhất bị áp đặt. Một môi trường kinh doanh thông thoáng, trên cơ sở thỏa mãn lợi ích và nhu cầu của các bên là mấu chốt dẫn đến thành công. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng theo đúng quy luật của kinh tế thị trường”.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính NH, với thông tư mới của NHNN, LS cho vay trên thị trường hầu như đã được thả nổi hoàn toàn. Điều này giúp VN phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. LS được đánh giá theo cung – cầu của thị trường, phản ánh sự vận hành của thị trường, được xem như “giá” của việc sử dụng đồng tiền. Trên lý thuyết, bất cứ giá nào, kể cả giá vốn bị khống chế, áp đặt đều khiến thị trường bị méo mó, đi ra ngoài quy luật cung – cầu thị trường.
Lo “chặt chém” lãi vay trung, dài hạn
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tất cả các ngân hàng T.Ư trên thế giới đều có bổn phận đảm bảo một mức LS hợp lý để nền kinh tế phát triển. Thậm chí có quốc gia quy định trong luật trần LS, nếu vi phạm có thể bị khởi tố hình sự. “Giữa DN và NH khó có sự cân bằng quyền lực để nói chuyện với nhau được. Vấn đề bỏ trần LS là chưa nên lúc này, vì nó không đảm bảo được sự phát triển bền vững, ổn định của một nền kinh tế. Nếu bỏ trần mà LS lên mấy chục % như năm vừa rồi sẽ gây khó khăn cho DN”, ông Thành nêu rõ.
TS.Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc NHNN) cũng nhận định việc quy định một LS trần cho nền kinh tế sẽ làm méo mó việc phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế. Bởi nguyên lý bất di bất dịch trong thị trường tài chính mà chúng ta cần phải nằm lòng, đó là ở đâu lợi nhuận cao thì dòng vốn sẽ chảy vào đó. Hay nói cách khác, ở đâu chịu mức LS cao hơn thì dòng vốn sẽ chảy vào đó và nó sẽ phân bổ một cách có hiệu quả đến từng khu vực ngành kinh tế, dự án kinh tế và thành phần kinh tế.
Dẫu vậy, cũng có nhiều chuyên gia lo ngại về việc bỏ trần LS sẽ khiến thị trường tái diễn tình trạng đua LS trung, dài hạn vốn gây ra hậu quả nặng nề trước kia. TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, phân tích tính đến hết năm 2016 dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống NH đạt 5,35 triệu tỉ đồng. Trong đó, các ngành nghề khác gồm công nghiệp – xây dựng 1,67 triệu tỉ đồng; các hoạt động dịch vụ khác (gồm cả bất động sản) hơn 2 triệu tỉ đồng, còn lại là các lĩnh vực ưu tiên như tam nông, xuất khẩu… Cơ cấu vốn đang được thay đổi từng ngày dồn vào các lĩnh vực ưu tiên, nhưng rõ ràng các lĩnh vực còn lại vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn. Chính vì vậy, việc không áp dụng trần LS nếu kiểm soát không tốt dễ dẫn tới tình trạng NH “chặt chém” DN.
“Vốn của DN hiện chủ yếu phụ thuộc vào các NH, dỡ bỏ trần LS không đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát cũng như sự công khai, minh bạch tại chính bản thân các NH và trên toàn hệ thống sẽ mang lại những rủi ro rất lớn cho các DN”, TS Kiêm nhận định.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng về lý thuyết, việc bỏ trần LS trong hoạt động cho vay là phù hợp với yêu cầu chung, xuất phát từ thực tế của thị trường. Nhưng điều đó chỉ hợp lý trong trường hợp hoạt động cho vay được tiến hành bình thường, bình đẳng giữa các DN. Với cơ chế mới, theo vị chuyên gia này, DN sẽ không được bảo vệ bởi quy định trần LS, việc hoạch định chi phí và vốn vay sẽ bị đảo lộn và phải tính toán lại. Lo ngại hơn nếu LS vay biến động, kéo chi phí tăng cao, giá thành sản phẩm dịch vụ bị DN đẩy lên.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn nhận định: “Khi một chính sách được đưa ra từ phía cơ quan nhà nước thì điều quan trọng là khả năng điều hành của cơ quan lãnh đạo và niềm tin thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, với những kết quả đã đạt về điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát của NHNN, việc tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn trần LS là điều nên tính tới và sẽ được thực hiện thành công”.