Gần 5.000 học sinh tham gia chương trình tư vấn tại Khánh Hoà
Khoảng 6h30 sáng 19-2, hàng trăm học sinh đã tới Trường ĐH Khánh Hoà để tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Khánh Hoà phối hợp tổ chức. Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng chương trình.
Gần 5.000 học sinh tham gia chương trình tư vấn tại Khánh Hoà
Khoảng 6h30 sáng 19-2, hàng trăm học sinh đã tới Trường ĐH Khánh Hoà để tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Khánh Hoà phối hợp tổ chức. Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng chương trình.
Gần 5.000 học sinh đã đến chương trình tư vấn tại Khánh Hoà – Ảnh: Trung Tân |
Từ rất sớm nhiều học sinh đã được phát phiếu trắc nghiệm, tìm hiểu sở trường, sở thích của mình.
Nhiều học sinh ở các trường huyện, xa trung tâm TP được xe đưa rước đến điểm tư vấn với tâm trạng rất háo hức.
Học sinh theo dõi thông tin tuyển sinh tại ĐH Khánh Hoà – Ảnh: Trung Tân |
Chương trình thiết thực với thí sinh
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Duy Bắc, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho rằng chương trình đến với học sinh tỉnh Khánh Hoà nhằm cung cấp thông tin và giải đáp trực tiếp cho các em những vấn đề cần biết, những nội dung cần nắm vững về quy định của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm nay. Vì thế, đây là chương trình rất thiết thực đối với thí sinh và hỗ trợ rất tích cực công tác hướng nghiệp của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
“Tôi được biết từ nhiều năm qua, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là chương trình được đông đảo học sinh và phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi mỗi mùa thi. Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời, phương thức tổ chức đa dạng, sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo ra được cầu nối thông tin hữu hiệu giữa các trường ĐH-CĐ với học sinh.
Đã có rất nhiều thí sinh nhờ chương trình này đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường, từ đó đạt được kết quả cao trong học tập và thành công trong nghề nghiệp, cuộc đời”, ông Bắc nói.
Đề thi được thu và phát thế nào?
Ở phần tư vấn chung ông Nam Nhật Minh, phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng – Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2017.
Một trong những vấn đề được nhiều học sinh quan tâm là việc thí sinh có được giữ lại đề thi để sau này đối chứng với đáp án.
Giải đáp về thắc mắc này, ông Nam Nhật Minh cho biết theo quy chế và hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017, khi thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng trong bài thi thì thí sinh không phải nộp lại đề, nhưng giữa hai môn thi của bài thi tổ hợp sẽ thu lại đề.
Năm nay, đề thi của các bài thi tổ hợp sẽ được thiết kế thành các môn thi, đề riêng nhưng cùng một mã đề. Ví dụ, bài thi khoa học tự nhiên gồm ba môn thi lý, hóa, sinh. Ba môn thi này sẽ có ba tờ đề khác nhau nhưng chung một mã đề.
Khi thí sinh kết thúc một môn thi thành phần thì giám thị sẽ thu lại giấy nháp, đề của môn thi đó. Sau đó thí sinh được phát đề thi môn tiếp theo để tiếp tục làm bài và bài thi được làm trên một tờ giấy thi.
Bài thi tổ hợp gồm 120 câu được trả lời trên một phiếu trả lời. Do đó giữa hai môn thi sẽ thu lại đề thi môn thi thành phần để phát đề môn thi thành phần thứ hai, hết thời gian làm bài môn thi thành phần thứ hai sẽ tiếp tục thu lại đề và tiếp tục phát đề môn thi thành phần thứ ba.
“Sau khi thí sinh hoàn thành môn thi thành phần cuối cùng sẽ không thu lại đề nữa. Đối với thí sinh chỉ dự thi một hoặc hai môn thi trong bài thi tổ hợp, các em kết thúc môn thi nào và không thi môn tiếp theo giám thị sẽ không thu lại đề nữa.
Quy định này để tránh trường hợp nếu được giữ lại đề trong bài thi tổ hợp thí sinh sử dụng thời gian môn thi tiếp theo. Như vậy, các em không phải băn khoăn việc không được giữ lại đề để đối chiếu với đáp án sẽ được bộ công bố”, ông Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ những thông tin về lượng thí sinh của tỉnh Khánh Hoà trong kỳ thi năm 2016 và kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước trong mùa tuyển sinh trước, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết hai năm qua tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh tỉnh Khánh Hoà thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Lý giải về kết quả này, ông Nghĩa cho rằng thứ nhất điểm trung bình lớp 12 của học sinh thấp, thứ hai là thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia.
“Nếu các em khắc phục được hai yếu tố này thì tỉ lệ tốt nghiệp sẽ tăng lên. Như vậy, nếu các em học sinh lớp 12 cố gắng nhiều hơn nữa để đạt kết quả tốt hơn trong học kỳ II này ”, thầy Nghĩa khuyên.
Lưu ý thí sinh về khâu xét tuyển, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa điểm quan trọng là năm nay Bộ GD-ĐT vẫn giữ mức điểm sàn xét tuyển ĐH.
Theo đó, thí sinh nào có tổng điểm ba môn/bài thi THPT quốc gia trong tổ hợp xét tuyển đạt từ mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT công bố thì thí sinh mới được dùng kết quả đó để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ sư phạm.
Năm 2015 và 2016 mức điểm sàn ĐH được quy định là 15 điểm. Với tỉnh Khánh Hoà, thí sinh đạt điểm khá tốt, trong đó có những trường học sinh đạt điểm trung bình khá cao như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt kết quả ba môn thi năm trước gần 20 điểm.
“Đây là tiền đề rất quan trọng vì trong năm 2017 nhiều trường ĐH có ưu tiên xét tuyển thẳng các trường có kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia.
Cụ thể các trường thành viên ĐHQG TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh 82 trường chuyên cả nước. Năm nay việc ưu tiên xét tuyển thẳng được mở rộng cho các trường THPT tốp 100 cả nước.
Một số trường ĐH khác cũng có ưu tiên xét tuyển học sinh trường THPT tốp 200”, thầy Nghĩa cho biết thêm.
Học sinh nườm nượp đến Trường ĐH Khánh Hoà để tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 – Clip: THANH TRÚC
>> Bấm f5 tiếp tục cập nhật