10/01/2025

Tan giấc mộng khu du lịch ‘nàng thiên nga’, bỗng chốc nợ nần

Dự án cảng biển Kê Gà như từ “trên trời rơi xuống” đã nhấn chìm cả sản nghiệp và giấc mơ về một khu du lịch cao cấp của các nhà đầu tư tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

  

Tan giấc mộng khu du lịch ‘nàng thiên nga’, bỗng chốc nợ nần

Dự án cảng biển Kê Gà như từ “trên trời rơi xuống” đã nhấn chìm cả sản nghiệp và giấc mơ về một khu du lịch cao cấp của các nhà đầu tư tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

 

 

 

Tan giấc mộng khu du lịch 'nàng thiên nga', bỗng chốc nợ nần
Công nhân tu sửa khu du lịch Vạn Trụ để đưa vào hoạt động trở lại. Đây là khu du lịch đầu tiên được khởi động lại sau khi có quyết định dừng dự án cảng Kê Gà – Ảnh: NG.NAM

Bãi biển Kê Gà ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận vào đầu những năm 2000 từng được các nhà đầu tư du lịch ví như nàng thiên nga, kỳ vọng sẽ trở thành quần thể resort cao cấp theo con đường uốn lượn ven biển tuyệt đẹp.

Thế nhưng, đầu tháng 2-2017, chúng tôi trở lại vùng biển Kê Gà và chứng kiến cảnh hoang phế đến nao lòng của các khu resort như vẫn có cả chục năm nay.

Bỗng chốc trắng tay, 
nợ nần

Tại khu resort Đồi Phong Lan, mặt tiền là dãy nhà lầu với hàng chục phòng ngủ đang được xây dang dở bám đầy rong rêu, bụi bẩn. Sau lưng khu resort Đồi Phong Lan là bãi biển cát mịn màng, sóng đánh vào bờ rì rào liên hồi và gió biển lồng lộng thổi vào.

“Còn gì nữa đâu. Giờ có đền bù cũng đâu bù đắp được bao công sức với tiền của mà tôi bỏ ra” – ông Nguyễn Trường Vinh, chủ resort Đồi Phong Lan, ngán ngẩm.

Nhắc đến ông Nguyễn Trường Vinh, nhiều chủ đầu tư bất động sản ở TP.HCM biết đến tiếng ông thành công ở mảng xây biệt thự cho thuê, phất lên vào đầu những năm 2000.

Dần dần ông Vinh sở hữu nhiều căn nhà ở TP.HCM và quyết định “làm ăn lớn” với dự án resort Đồi Phong Lan ở khu Kê Gà.

Từ năm 2004 đến 2007, ông Vinh chi tổng cộng gần 50 tỉ đồng xây dựng resort Đồi Phong Lan. Khối lượng công trình đã hoàn thành 90%, resort đang tuyển người để vận hành thì dự án cảng Kê Gà xuất hiện.

Ông Vinh nhớ lại tỉnh Bình Thuận lập hội đồng giám định thiệt hại, đo đạc diện tích của resort Đồi Phong Lan 3-4 lần, cứ vài năm làm một lần đo đạc, rồi đến năm 2015 gút lại số tiền phải trả cho ông Vinh trên 36 tỉ đồng.

Giờ đây, mỗi khi từ TP.HCM đến Kê Gà xem lại khu Đồi Phong Lan, ông Vinh chỉ còn biết cười trừ và xem đây như là một rủi ro trong đầu tư để lòng nhẹ nhàng hơn.

“Tiền sử dụng đất tôi đóng hết cho Nhà nước từ năm 2002, đến năm 2004 mới xây resort, nhưng đến nay vẫn chưa cấp sổ đỏ cho tôi được vì vướng dự án cảng Kê Gà. Tôi chỉ mong muốn Bộ Công thương chỉ đạo sao cho Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) nhanh trả tiền bồi thường cho tụi tôi để trả nợ và đầu tư tiếp” – ông Vinh mong mỏi.

Đại gia chạy nợ

Khu du lịch Vạn Trụ (tên cũ là Đức Hạnh) đến thời điểm này là nơi đầu tiên trong nhóm các nhà đầu tư du lịch vào Kê Gà cho tu bổ công trình để chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Ông Vũ Chí Công – chủ khu du lịch Vạn Trụ nói rằng khoảng một tháng nữa ông cho thuê vài phòng nghỉ dưỡng, mối chủ yếu từ bạn bè quen thân đến ủng hộ để lấy ít tiền, bù vào chút lỗ, chứ đưa toàn bộ cả khu vào hoạt động thì ông chưa đủ sức lo được do gánh nặng nợ nần thúc ông phải giải quyết hằng ngày.

Dự án cảng Kê Gà là con đường đưa ông Công nhanh chóng từ một đại gia nhiều tiền thành một người nợ nần tứ phía như bây giờ.

Với lời mời gọi đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận, ông Công quyết định gom hết tiền của tích lũy được để đầu tư khu du lịch Đức Hạnh.

“Chúng tôi làm hồ sơ đầu tư rất thuận lợi và từ năm 2004 bắt tay vào xây dựng. Vì cảng Kê Gà mà công trình xây lên không thể hoạt động được, sống trong cảnh cầm cự với nợ nần. Sau khi xoá dự án cảng Kê Gà thì tôi tiếp tục vay tiền để 
đầu tư tu bổ” – ông Công kể.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của ông Công là phải bán đi nhà xưởng tại TP.HCM để trả nợ cho khu du lịch ở Bình Thuận. Đến nay, hằng tháng ông vẫn mất đứt 100 triệu đồng tiền lãi cho khoản nợ vay.

“Giờ tôi chỉ mong được bồi thường sớm để tôi không phải trả lãi như vậy nữa. Nhà nước hãy giúp chúng tôi có tiền bồi thường sớm để chúng tôi cải tạo khu du lịch Kê Gà, vớt vát lại những gì đã mất” – ông Công hi vọng.

Tan giấc mộng khu du lịch 'nàng thiên nga', bỗng chốc nợ nần
Khu du lịch Đồi Phong Lan bị bỏ hoang và xuống cấp theo năm tháng – Ảnh: NG.NAM

Khu du lịch 
thành quán ăn

Ở tuổi 64, ông Nguyễn Thịnh Phát – chủ đầu tư khu du lịch Thạnh Đạt kề bên khu du lịch Vạn Trụ – cho rằng vụ đầu tư làm du lịch ở Kê Gà là trải nghiệm đắng cay nhất trong đời làm ăn mà ông phải nếm trải.

Hơn 30 tỉ đồng là số tiền mà ông Phát đã bỏ vào khu du lịch Thạnh Đạt để cải tạo nền đất, xây dựng phòng ốc, trồng cây tạo cảnh quan.

Đùng một cái, dự án du lịch của ông bị buộc dừng nên vật liệu xây dựng, ximăng chưa dùng xong để hoàn thiện công trình ông Phát đành bán lại để gỡ gạc và chờ bồi thường.

Tuy nhiên, không để khu Thạnh Đạt xuống cấp tan hoang vì đó là mồ hôi công sức bao năm gầy dựng, ông Phát cho làm quán ăn ven bãi biển và thuê người bán quán, vừa để trông 
coi khu du lịch ở phía đối diện.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, bạn thân của ông Phát, không may mắn được thấy ngày đền bù như những chủ đầu tư du lịch khác.

Ông Hiếu là chủ đầu tư khu du lịch Thế Giới Xanh, đã qua đời vào tháng 9-2014 khi tiến trình thương lượng đền bù vẫn chưa đi đến hồi ngã ngũ. Thế Giới Xanh là nơi đã xây dựng xong và đi vào hoạt động đón khách nghỉ dưỡng, rồi dự án cảng Kê Gà ập đến.

Năm này qua tháng nọ, Thế Giới Xanh do không được sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Sau ngày ông Hiếu mất, người ta thỉnh thoảng chỉ thấy con trai ông Hiếu ghé đến gửi tiền công cho những người coi giữ.

Khu du lịch Thế Giới Xanh được nhiều cây thông mọc ngày càng cao bao phủ xung quanh, như muốn người qua đường không ai thấy rõ cảnh 
hoang phế bên trong.

Chậm bồi thường phải trả thêm tiền chênh lệch

UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) chấp thuận tổng mức bồi thường cho doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại trong dự án cảng Kê Gà hơn 85,7 tỉ đồng, thay vì chỉ hơn 37,4 tỉ đồng như TKV đề xuất.

Ông Phạm Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định số tiền bồi thường (85,7 tỉ đồng) được tính theo giá bồi thường vào năm 2015.

Do đó nếu chậm bồi thường, TKV phải chi trả thêm khoản tiền chênh lệch về giá do chậm thanh toán cho các chủ dự án du lịch.

Cò kè đền bù “quá rát”

Tất cả chủ đầu tư du lịch khi được hỏi đều cho rằng họ không muốn dính đến kiện cáo làm gì, vì còn để thời giờ làm ăn bù đắp thiệt hại. Tuy nhiên, quá trình đền bù kéo dài và việc cò kè trả giá “quá rát” của TKV như xát muối thêm vào vết thương lòng của họ.

Một số người đã đề nghị được giám định độc lập giá trị thiệt hại mà họ đã gánh phải, để buộc TKV phải trả tương xứng số tài sản mà họ bị thiệt hại.

NGUYỄN NAM