29/11/2024

Phận đời phụ nữ phun lửa… kiếm cơm

Không biết bao nhiêu lần chị Ba bỏ bữa, cứ nuốt cơm vào là ợ lên mùi dầu hoả ngột ngạt, còn bờ môi của chị Hai sưng rộp, bỏng rát vì lửa. Và cũng chẳng thể đong đếm hết những lần chị Ba rách lưỡi đau rát vì màn nhai, nuốt dao lam…

 

Phận đời phụ nữ phun lửa… kiếm cơm

 Không biết bao nhiêu lần chị Ba bỏ bữa, cứ nuốt cơm vào là ợ lên mùi dầu hoả ngột ngạt, còn bờ môi của chị Hai sưng rộp, bỏng rát vì lửa. Và cũng chẳng thể đong đếm hết những lần chị Ba rách lưỡi đau rát vì màn nhai, nuốt dao lam… 

 

 

 

Phận đời phụ nữ phun lửa... kiếm cơm
Màn phun lửa dũng mãnh của chị Võ Thị Sen

Thế nhưng hằng ngày họ vẫn bám trụ với nghề xiếc lửa đường phố, đêm đêm mưu sinh dọc các quán nhậu ở Sài Gòn.

Với họ, dù là đứa trẻ mới 11 tuổi hay đã là mẹ của ba, bốn đứa con, lửa vừa là niềm đam mê, vừa là ngọn lửa kiếm cơm đầy nhọc nhằn và 
âm ỉ những âu lo…

Sợ nhưng phải liều

23h, con đường Bùi Viện nằm ở phố Tây (Q.1, TP.HCM) trở nên náo nhiệt bởi vô vàn âm thanh hỗn tạp của phố nhậu. Bỗng dưng có người la lớn hai từ “hế hô” rồi cả phố ngoái nhìn người phụ nữ dáng gầy gò đứng giữa đường rướn cổ phun lửa chói sáng cả một góc phố.

Sau ba cú phun dũng mãnh như rồng phun lửa, vạt áo khoác của người phụ nữ này ướt đẫm dầu hỏa nhưng chị vẫn tiếp tục biểu diễn màn gắp lửa bằng tay rồi ngậm lửa…

Chị tên là Võ Thị Hoa (37 tuổi), dân trong nghề gọi bằng cái tên mộc mạc: Hai “xiếc lửa”. Mấy hôm trước, một cú phun lửa ngược chiều gió khiến cả quả cầu lửa quật ngược trở lại người phun. Mái tóc cháy sém, bờ môi sưng phù cộng thêm khuôn mặt háp lửa khiến chị Hoa trở nên tiều tụy.

May cho người phụ nữ này là cú phun đó đã cạn dầu nên chị chỉ bị bỏng nhẹ, có thể tiếp tục đi làm lại liền. Thổi một lượt đường Bùi Viện, chị Hoa ngồi bệt bên góc đường Đề Thám thở dốc.

Chị nói: “Tui bị hở van tim gần chục năm nay rồi, thổi riết như vầy đuối lắm, thở không ra hơi nên cứ làm chặp chặp là phải nghỉ mới trụ đến 3-4h sáng được”.

Trước đây, chị Hoa bán kẹo cao su cho khách Tây. Càng ngày, người bán càng nhiều nên “đồng nghiệp” khuyên chị tập xiếc lửa, vừa không cần vốn lại dễ kiếm tiền nên chị chuyển hẳn nghề.

“Sợ lắm nhưng phải liều mạng, cứ bỏng thì nghỉ vài ngày lại tập tiếp, chiều đến là ngậm dầu phun không cần thầy bè gì cả, nghĩ đến tiền ăn, tiền nhà và mấy đứa con là bất chấp hết” – 
chị Hoa bộc bạch.

Trong số gần chục người xiếc lửa ở quán nhậu các quận trung tâm Sài Gòn, có một bé gái câm điếc được dân trong nghề nể phục bởi tài nghệ thổi lửa rất điêu luyện dù mới 16 tuổi.

Tên của em rất đặc biệt – Kỳ Kỳ. Cô bé này mồ côi cả cha lẫn mẹ, một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng rành rọt bán buôn bởi tuổi thơ lớn lên bằng những gánh hàng rong hè phố.

Dù là nữ nhi nhưng Kỳ Kỳ phun những hơi dài liên tục và bạo gan biểu diễn cả màn ngậm than, ngậm lửa không khác gì dân diễn gạo cội. Tuy vậy, khuyết tật bẩm sinh khiến cô bé này không thể giao tiếp được với khách, chỉ duy nhất chị Hoa là người có thể hiểu được Kỳ Kỳ bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Nhờ chị Hoa, chúng tôi mới hay Kỳ Kỳ lấy chồng sớm, cũng là dân xiếc lửa. Hai năm trước, chồng Kỳ Kỳ bị bắt vì chơi ma túy đá. Từ đó, một thân Kỳ Kỳ phải làm đủ nghề để nuôi bà ngoại và hằng tháng đi thăm chồng ở trường giáo dưỡng…

Phận đời phụ nữ phun lửa... kiếm cơm
Hai chị em Võ Thị Hoa (phải) và Võ Thị Sen dùng tạm bánh mì trước lúc diễn – Ảnh: HỮU KHOA

Sau ánh lửa hồng

Trước đây, nghề xiếc lửa đường phố ở trung tâm Sài Gòn là lãnh địa riêng của dân anh chị có số má. Mấy năm trở lại đây, bà He ở khu vực Q.1, Q.3 “về hưu” nên những người như Kỳ Kỳ, chị Hoa mới có đất sống.

Khi hội bà He rã đám, chị Ba (Võ Thị Sen, 33 tuổi) chộp ngay cơ hội. Từ bán kẹo cao su, chị Ba nhảy sang học lỏm xiếc lửa rồi mạnh dạn đi 
hành nghề các quán nhậu.

Trong căn phòng trọ chật chội, sặc mùi dầu nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Khánh Hội (Q.4), chị Ba lộ rõ vẻ mệt mỏi của người phụ nữ mất ngủ.

Chị nói từ khi làm nghề này, chuyện mất ngủ, bỏ cơm xảy ra thường xuyên. Mỗi bữa ăn chị chỉ nuốt một ít cơm, cứ ngậm vào là ợ lên mùi dầu nồng nặc không nhai nổi.

Có lẽ chính vì thế mà người phụ nữ này gầy nhom, khuôn mặt khắc khổ lại cháy rụi phần tóc mái nên trông già hơn nhiều so với tuổi 33. “Làm nghề này buồn nhiều hơn vui, trước mắt vì đồng tiền thì cứ làm cái đã chứ sau này thế nào cũng dính bệnh” – chị nói.

Dù làm nghề chưa lâu nhưng chị Hai (Võ Thị Hoa) lại phải thường xuyên chịu đựng mặt trái của nghề. Đó là những bữa ăn nuốt không trôi cơm, những lần cổ họng đau rát và triệu chứng ngứa dai dẳng.

Chị kể cứ ngậm dầu vào là cổ họng đau rát, nhiều hôm cuống quá nuốt ực cả miệng dầu. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa liên tục lấy tay gãi da cằm. Ngay cả vùng da ở cổ tay cũng nổi mẩn ngứa.

“Mình cứ lấy tay quẹt dầu sau mỗi cú thổi nên vùng da nào dính dầu là lột da, ngứa ngáy khó chịu lắm, cũng sợ nhưng ráng chịu” – chị Hoa kể. Nhưng với người phụ nữ này, nỗi đau về thể xác e chưa nhằm nhò gì với nỗi đau tinh thần chị đã trải qua.

Hai lần lấy chồng nhưng cả hai người chồng đều sa vào con đường tù tội. Chính vì thế, chị Hoa chọn lửa như là hơi ấm để bám víu cuộc sống.

Còn chị Ba thì chỉ một đời chồng nhưng không hợp, chị đành thuê trọ ở riêng để mẹ già và hai đứa con được yên ổn.

Dường như ông trời không lấy đi của ai tất cả, niềm an ủi của chị Ba sau ánh lửa nhọc nhằn là nhìn hai đứa con được đến trường, dù là trường học cho trẻ em lang thang. Nhiều người ép buộc con cái mưu sinh đường phố nhưng chị Ba nhất quyết không để con san sẻ nỗi cực nhọc của miếng 
cơm manh áo.

“Đời mình ngang đây đủ rồi, giờ chỉ sống vì con, lo được cho con không phải lang thang đường phố như mẹ, như bà ngoại dù cực mấy cũng phải gắng” – chị Ba bộc bạch.

Nhiều tác hại đến cơ thể

TS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (giảng viên khoa kỹ thuật hoá học Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết dầu hỏa có nhiều tác hại đến cơ thể con người.

Cụ thể, do tính chất dễ bay hơi nên khi cơ thể hít phải hỗn hợp hydrocacbon (HC) của dầu lâu dài, hỗn hợp này thấm qua màng phổi, gây viêm phổi.

Khi nuối phải một lượng nhỏ có thể dẫn đến suy hô hấp hoàn toàn (tuỳ thể trạng cơ thể mà sức đề kháng khác nhau) gây tức ngực, đau bụng.

Ngoài ra, khi hỗn hợp này hấp thụ qua phổi, ruột, ngấm vào máu lên não, tác dụng trực tiếp lên tế bào não, gây co giật, tinh thần suy sụp, nếu nặng có thể dẫn đến hôn mê. Nếu lượng dầu vào phổi nhiều sẽ gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, khi người xiếc lửa tiếp xúc với lửa nóng nhiều, lượng nước trên bề mặt da mất đi, gây khô da, bong tróc và bị các 
bệnh về da.

TƯỜNG HÂN

NGỌC HIỂN ([email protected])