Những kẻ nghèo phồn hoa
Sống tằn tiện đến mức nhịn ăn nhưng sẵn sàng chi “bạo” cho những thú xa xỉ, đây đang là xu hướng đáng quan ngại của một bộ phận thanh niên các nước.
Những kẻ nghèo phồn hoa
Sống tằn tiện đến mức nhịn ăn nhưng sẵn sàng chi “bạo” cho những thú xa xỉ, đây đang là xu hướng đáng quan ngại của một bộ phận thanh niên các nước.
Giới chuyên gia tâm lý và các nhà xã hội học đang báo động trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của một bộ phận được gọi là “những kẻ nghèo phồn hoa”. Họ là những thanh niên thuộc thế hệ Y (ra đời trong giai đoạn đầu thập niên 1980 – 2000) luôn xuất hiện với quần là áo lượt, điện thoại đời mới nhất, túi xách hàng hiệu nhưng hầu như không bao giờ đủ tiền để ăn cho đàng hoàng.
Một phút huy hoàng
Han Seong-cheol, 34 tuổi, nhân viên một công ty tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Anh tự nấu ăn và mang cơm đến văn phòng hoặc ăn mì gói trong suốt tháng 1.2017 nhằm tiết kiệm chi phí ăn trưa xuống dưới mức 20.000 won (gần 400.000 đồng)/tháng.
Sau một tháng “kham khổ”, Han đưa bạn gái đến ăn trưa tại nhà hàng La Yeon thuộc khách sạn Shilla, một trong những khách sạn sang trọng và nổi tiếng nhất Seoul. Tại đây, một bữa trưa dành cho 2 người có giá lên đến 340.000 won (gần 6,8 triệu đồng), gấp 17 lần số tiền Han chi để ăn trưa trong tháng qua. “Tôi rất thoả mãn với bữa ăn trưa đắt tiền này bởi vì có nhiều người không giấu nổi ghen tị khi tôi đăng ảnh lên mạng xã hội”, Han chia sẻ với tờ JoongAng Ilbo.
Tương tự, mì gói, bánh mì kẹp mua trong cửa hàng tiện lợi là thực phẩm quen thuộc, còn chuyện nhịn ăn cũng thường xuyên diễn ra với nữ sinh viên đại học họ Jung dù cô có việc làm thêm và ở chung với gia đình. Tất cả để cô thoả mãn đam mê ngồi nhâm nhi tách cà phê và thưởng thức bánh ngọt cao cấp tại những quán thời thượng nhất Seoul. “Tôi cố ăn ít trong buổi trưa và buổi tối, thậm chí nhịn ăn. Nhưng bỏ ra 10.000 won, thậm chí 50.000 won để mua bánh là chuyện phải làm. Tôi cảm thấy thoả mãn khi được ăn và nhìn ngắm những chiếc bánh hơn là bữa ăn hằng ngày”, Jung nói.
Không chỉ ở Hàn Quốc, trang BuzzFeed từng có bài phóng sự dài về những người trẻ có lối sống tương tự tại một số nước khác. Bài viết dẫn ra trường hợp một phóng viên trẻ, năng động tại Mumbai (Ấn Độ) chuyên “ăn trưa” bằng cà phê và ăn tối bằng những chiếc bánh giảm giá khi cửa hàng sắp đóng cửa. Tất cả “nguồn lực” được dồn vào duy trì vẻ ngoài lộng lẫy với điện thoại thông minh, máy tính bảng đời mới nhất và son môi Louboutin.
TIN LIÊN QUAN
Lối sống của giới nhà giàu Triều Tiên
Hiện có khoảng 1% dân số Triều Tiên sống cuộc sống xa hoa góp phần làm bùng nổ chủ nghĩa hưởng thụ kiểu phương Tây ở nước này.
Lệch lạc
Tình trạng sống “ảo” của một bộ phận thanh niên chủ yếu phổ biến tại châu Á, nơi áp lực về vẻ ngoài nặng hơn phương Tây. Theo khảo sát của Hãng MasterCard, cứ 3 người thuộc thế hệ Y tại châu Á thì có một người ăn uống tại các nhà hàng sang trọng ít nhất một lần/tháng và vung tay mua sắm “bạo” hơn hẳn so với các bạn cùng lứa Âu Mỹ.
Tương tự, JoongAng Ilbo dẫn lại báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho hay chi tiêu cho tiêu dùng của người Hàn Quốc dưới 40 tuổi liên tục tăng trong vòng 5 năm qua, và tăng 2,6% trong năm 2016. Theo báo cáo của Tập đoàn Lotte, doanh thu sản phẩm đồng hồ cao cấp của Lotte Mart tăng trưởng 14% hằng năm, tính đến năm 2016, chủ yếu nhờ vào đối tượng khách hàng trong độ tuổi 20 và 30.
Bà Lee Kyung-hee, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường của tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Shinsegae, nhận định: “Giới trẻ kén cá chọn canh đối với những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống nhưng lại có xu hướng hưởng thụ tức thời”. Sabina Vaughan, 35 tuổi, công dân Mỹ có mẹ là người Hàn Quốc, thì kể với tờ The Washington Post rằng cô thường về Hàn Quốc chơi và mỗi lần đi mua sắm cùng anh chị em họ là một “cuộc chiến”. “Cứ như thể họ cạnh tranh ngầm với nhau và hầu như không ai nghĩ tới ngày mai còn tiền hay không”, Vaughan kể.
“Giới trẻ đang bị bao vây bởi đủ các thể loại quảng cáo và trào lưu. Họ quay cuồng trong cuộc chạy đua với xu hướng, với bạn bè. Họ không phải là những kẻ lười biếng. Ngược lại, họ làm việc rất chăm chỉ nhưng lại không có được khoản tiết kiệm nào và bụng luôn lép kẹp vì tất cả phải dành cho thời trang, thiết bị công nghệ và những lần “check-in” trong các quán cà phê thời thượng”, BuzzFeed viết.
Thậm chí nhiều người trẻ quan niệm rằng thành công có nghĩa là không cần ngửa tay xin tiền cha mẹ hay ăn bám ai mà vẫn có cuộc sống “lộng lẫy”, vẫn chứng tỏ được mình là người “vừa biết làm vừa biết chơi”. Cũng chính họ phải chạy đôn chạy đáo lo tiền nhà vào cuối tháng, phải kiếm cớ “trốn” mỗi khi đồng nghiệp rủ ăn trưa. Dần dà, đến khi “sức cùng lực kiệt” thì “những kẻ nghèo phồn hoa” mới nhận ra mình chưa chuẩn bị được gì cho tương lai.
Trang tin The Korea Bizwire dẫn kết quả nghiên cứu mới của Hãng tư vấn DuoWed công bố cho thấy bình quân các cặp đôi Hàn Quốc phải chi hơn 263 triệu won (5,2 tỉ đồng) từ lúc bắt đầu lên kế hoạch kết hôn cho đến khi thật sự về chung nhà. Con số này bao gồm chi phí mua căn hộ riêng (186,4 triệu won) và 4,96 triệu won cho tuần trăng mật. Các khoản chi khác bao gồm thuê sảnh cưới (bình quân 19,05 triệu won), yemul (quà để cô dâu và chú rể tặng nhau) 17,98 triệu won, yedan (quà cô dâu tặng cho nhà chồng) 17,67 triệu won; sắm sửa cho nhà mới 14,17 triệu won, váy áo, chụp ảnh… tổng cộng 3,09 triệu won. Trong tổng chi phí, chú rể gánh 171,16 triệu won, phần còn lại do cô dâu gánh vác.
Đáng chú ý là những đối tượng được khảo sát đều tỏ ra hối hận khi có đến 65,3% cho biết sẽ cố gắng tiết kiệm đến mức thấp nhất nếu có thể làm lại. Cuộc khảo sát của DuoWed được tiến hành với 491 cô dâu và 509 chú rể đã kết hôn trong 2 năm qua.
Trùng Quang
|
Phúc Duy