29/11/2024

Nhiều câu hỏi thú vị của học sinh

Sáng 18-2, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017 diễn ra đồng thời tại Đắk Lắk và Tuyên Quang luôn sôi động với những băn khoăn của học sinh về quy định mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017.

 

Nhiều câu hỏi thú vị của học sinh

 Sáng 18-2, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017 diễn ra đồng thời tại Đắk Lắk và Tuyên Quang luôn sôi động với những băn khoăn của học sinh về quy định mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017.

 

 

 

Nhiều câu hỏi thú vị của học sinh
Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi với ban tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tổ chức ở Đắk Lắk sáng 18-2 – Ảnh: T.B.D.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Tuổi Trẻ đã ghi lại một số câu hỏi thú vị tại hai buổi tư vấn này.

Được thay đổi nguyện vọng khi đã có kết quả thi?

* Sau khi nộp bài thi, thí sinh có phải nộp lại đề không? Nếu phải nộp đề, làm sao chúng em có thể nhớ được tất cả phần trả lời để đối chiếu với đáp án của bộ công bố?

– Ông Nam Nhật Minh (phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng Bộ GD-ĐT): Theo quy chế và hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017, khi thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng trong bài thi thì không phải nộp lại đề thi, nhưng giữa hai môn thi của bài thi tổ hợp sẽ thu lại đề.

Năm nay đề thi của các bài thi tổ hợp sẽ được thiết kế thành các môn thi, đề riêng nhưng cùng một mã đề. Ví dụ, bài thi khoa học tự nhiên gồm ba môn thi lý, hóa, sinh. Ba môn thi này sẽ có ba tờ đề khác nhau nhưng chung một mã đề. Khi thí sinh kết thúc một môn thi thành phần, giám thị sẽ thu lại giấy nháp, đề của môn thi đó. Sau đó thí sinh được phát đề thi môn tiếp theo để tiếp tục làm bài, bài thi được làm trên một tờ giấy thi.

Sau khi thí sinh hoàn thành môn thi thành phần cuối cùng, giám thị sẽ không thu lại đề nữa. Đối với thí sinh chỉ dự thi một hoặc hai môn thi trong bài thi tổ hợp, các em kết thúc môn thi nào và không thi môn tiếp theo, giám thị sẽ không thu lại đề nữa.

* Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh được đăng ký vô số nguyện vọng xét tuyển. Sau khi có kết quả thi, thí sinh có được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trước đó?

– Ông Nguyễn Đức Trung (Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT): Trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ thông tin trên cổng thông tin tuyển sinh điện tử của Bộ GD-ĐT, trang web của các trường về mã trường, mã ngành, tổ hợp môn xét tuyển…

Các nguyện vọng của thí sinh được xếp ưu tiên theo thứ tự từ cao xuống thấp. Nếu nguyện vọng nào thí sinh khai không đúng thì nguyện vọng đó sẽ không được nhập dữ liệu vào hệ thống, không được tham gia xét tuyển. Thí sinh có quyền đăng ký lại nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.

Dự kiến từ ngày 15 đến 21-7, thí sinh có hai hình thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh (đối với trường hợp bổ sung thêm nguyện vọng xét tuyển). Thí sinh gửi phiếu điều chỉnh tại nơi thu nhận hồ sơ (trường THPT).

Trong quá trình điều chỉnh hồ sơ, nếu trường hợp cán bộ máy tính nhập nhầm nguyện vọng, thí sinh có thể kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản của mình. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh được điều chỉnh đến ngày 25-7.

* Theo quy chế, thí sinh được dự thi cả hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được chọn bài thi tổ hợp có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp. Nếu ở bài thi tổ hợp điểm thấp hơn có môn thi bị điểm liệt, thí sinh có được công nhận tốt nghiệp?

– TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp chỉ cần bốn bài thi; nhưng đối với các bài thi chọn thêm, thí sinh được lấy bài thi có điểm cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp.

Trong trường hợp này, nếu ở tổ hợp bài thi điểm thấp hơn có môn thi bị điểm liệt thì vẫn không ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp, do thí sinh đã chọn bài thi tổ hợp có điểm cao hơn rồi. Nếu cả hai bài thi tổ hợp đều có môn bị điểm liệt thì thí sinh sẽ không được công nhận tốt nghiệp.

Nhiều câu hỏi thú vị của học sinh
Học sinh trao đổi những thắc mắc về tuyển sinh với các thầy cô tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp ở Tuyên Quang sáng 18-2 – Ảnh: NAM TRẦN

Học ngành nào sau này dễ kiếm việc làm?

* Em là học sinh chuyên Anh văn, thích học ngành tâm lý, nhưng gia đình không muốn em theo ngành học này. Xin tư vấn giúp em nên theo ngành nào, cho em thêm thông tin về chương trình học, cơ hội việc làm ngành ngôn ngữ Anh và ngành tâm lý.

– TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP.HCM): Thực sự, cơ hội việc làm của sinh viên ngành ngôn ngữ Anh nhiều hơn ngành tâm lý học.

Trong khi người học tâm lý có thể làm rất nhiều ngành nghề khác nhau: chăm sóc khách hàng, trị liệu tâm lý; quản lý, tuyển dụng nhân sự; marketing, nghiên cứu thị trường; công tác văn hoá… Tùy vào chuyên ngành, sinh viên ra trường sẽ lựa chọn công việc thích hợp với bản thân.

Tuy nhiên, để thành công được ở ngành tâm lý không dễ. Theo tôi, em có năng khiếu về ngoại ngữ thì nên chọn ngành ngôn ngữ Anh. Còn nếu quá yêu thích ngành tâm lý, sau này em có thể học thêm ngành học này.

* Xin thầy cô cho biết nếu theo học ngành công nghệ ôtô, sau này có dễ kiếm việc làm?

– PGS.TS Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Năm vừa rồi ngành công nghệ ôtô ở trường chúng tôi có điểm chuẩn 23,75 điểm. Hiện nay, rất nhiều công ty lớn về ôtô chọn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM làm trung tâm đào tạo.

Vì vậy, các em yên tâm về việc làm ở ngành học này. Hơn nữa, sắp tới đây thuế nhập khẩu ôtô sẽ xuống 0% vào năm 2018, nên sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng ôtô là rất lớn.

* Em muốn trở thành một nhà quản lý. Vậy em cần học gì và cần có những tư chất gì để trở thành nhà quản lý tốt?

– TS Trần Thị Lê Thanh (phó hiệu trưởng ĐH Tân Trào): Tôi xin chúc mừng em thí sinh đã có câu hỏi này, vì bản thân câu hỏi đã thể hiện em có định hướng tương lai xa. Nếu thực sự có đam mê, các em có thể thực hiện được bất kỳ ước mơ và mục tiêu nào của mình.

Để làm được nhà quản lý tốt, cần có khả năng đặt ra kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo triển khai và kiểm tra những công việc mình đã đặt ra. Như vậy, người làm quản lý phải có khả năng tổ chức cao và bao quát được công việc, với những tố chất đặc biệt.

Để trở thành nhà quản lý, các em sẽ phải học nhiều môn, nhưng quan trọng là phải chú tâm đến các kỹ năng mềm, nhằm đáp ứng được công việc ở mức độ cao.

Sáng nay, 40 thầy cô tư vấn tại Khánh Hoà, Hải Phòng

Sáng chủ nhật 19-2, Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017 do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup tiếp tục diễn ra tại Khánh Hòa và Hải Phòng.

Ở Khánh Hoà, chương trình được tổ chức tại Trường ĐH Khánh H (đường Nguyễn Chánh, TP Nha Trang); còn ở Hải Phòng, chương trình diễn ra tại Trường ĐH Hàng hải Việt Nam (TP Hải Phòng).

Hai chương trình đều bắt đầu từ 7h30 – 11h.

Có 40 thầy cô từ Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường về kinh tế, y dược, ngoại thương, bách khoa, tài chính, báo chí tuyên truyền, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công an, quân đội, luật… tư vấn cho học sinh ở hai chương trình nói trên về kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.

(Mời xem chi tiết danh sách ban tư vấn trên tuoitre.vn).

H.B.

* Theo xu hướng thi ĐH hiện nay, trường ĐH tuyển sinh khối C (văn, sử, địa) khá ít, cơ hội lựa chọn cũng ít hơn các khối A, B, D. Có phải các ngành khối xã hội đang bị xem nhẹ?

– TS Phạm Mạnh Hà (phó trưởng Ban công tác thanh thiếu niên Việt Nam): Đúng là xuất phát từ xu thế nhiều thí sinh không chọn thi khối C mà chủ yếu chọn khối A, D trong các năm gần đây, nên một số trường ĐH từng tuyển sinh khối C là chính cũng có sự thay đổi, điều chỉnh, tuyển cả khối A, D. Việc này khiến xã hội càng thấy rõ khối C bị lấn át.

Nguyên nhân của việc thí sinh không thích khối C là do các em nghĩ khối C khó hiểu, học khó nhớ, phải học thuộc lòng nhiều… Suy nghĩ này cũng xuất phát từ những hạn chế trong cách dạy học ở bậc phổ thông, khiến học sinh cho rằng khối C là khối “học thuộc lòng”.

Thực chất các môn học xã hội rất hay và thú vị. Nếu chúng ta thay đổi cách truyền đạt kiến thức thì đó là các môn học có ảnh hưởng đến nhân cách, sự ứng xử và các kỹ năng cần cho cuộc sống.

Trong thực tế, có nhiều ngành thuộc khối xã hội và nhân văn rất thú vị, có công việc và thu nhập ổn định.

T.HUỲNH – V.HÀ – N.HÀ