11/01/2025

Nguy cơ bom bẩn ở Đông Nam Á

Vụ mất cắp nguyên liệu phóng xạ Iridium-192 ở Malaysia làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang trở thành điểm trung chuyển nguyên liệu phóng xạ để chế tạo bom.

 

Nguy cơ bom bẩn ở Đông Nam Á

Vụ mất cắp nguyên liệu phóng xạ Iridium-192 ở Malaysia làm dấy lên lo ngại rằng nước này đang trở thành điểm trung chuyển nguyên liệu phóng xạ để chế tạo bom.



Hải quan Indonesia kiểm tra số hàng bị nghi là nguyên liệu chế tạo bom do một tàu Malaysia chuyên chở vào ngày 22.9.2016 /// Reuters

Hải quan Indonesia kiểm tra số hàng bị nghi là nguyên liệu chế tạo bom do một tàu Malaysia chuyên chở vào ngày 22.9.2016REUTERS

Trong những ngày qua, cảnh sát Malaysia vẫn ráo riết điều tra vụ mất cắp nguyên liệu phóng xạ tại một công ty dầu khí có trụ sở tại quận Klang, bang Selangor.
Trang Malay Mail Online dẫn nguồn tin không nêu tên cho hay cảnh sát đã phát hiện một số vật giống bom tại một bãi thu mua phế liệu ở quận Klang hôm 9.2. Điều tra ban đầu cho thấy nguyên liệu phóng xạ tại bãi phế liệu này bị đánh cắp từ công ty thăm dò dầu khí không nêu tên nói trên. Theo nguồn tin, cảnh sát đã bắt giữ 8 người liên quan, trong đó có một số người tại chung cư Seri Ara. Một số thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ cũng được tìm thấy tại chung cư này.
Tờ New Straits Times dẫn lời chuyên gia phòng chống khủng bố Malaysia Andrin Raj cho hay các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) luôn tìm kiếm nguyên liệu phóng xạ Iridium-192 để chế tạo bom bẩn. Theo ông, Đông Nam Á đang đối diện nguy cơ từ vũ khí hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và chất nổ. “Nguyên liệu Iridium-192 tìm thấy ở Klang là dấu hiệu đáng ngại cho thấy Malaysia đang trở thành một điểm trung chuyển chính và căn cứ của những nhóm tôn giáo và bạo lực cực đoan”, ông cảnh báo và cho rằng vụ việc trên là một “lời cảnh tỉnh” cho Malaysia vì Iridium-192 có thể tìm thấy dễ dàng tại nước này chứ không như tại các nước thành viên ASEAN khác.
Theo Uỷ ban Kiểm soát hạt nhân Mỹ (NRC), Iridium-192 là một trong những chất đồng vị phóng xạ dễ bị mất cắp nhất trên thế giới do có thể dùng để chế tạo bom bẩn.
Nguy cơ bom bẩn ở Đông Nam Á - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo IS chuyển hướng sang Đông Nam Á

Các nước ASEAN cần tăng cường chia sẻ thông tin và kiểm soát khu vực biên giới để đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng, theo chuyên gia của Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ (UNODC).


Mexico mất cắp nguyên liệu phóng xạ
Hãng Sputnik ngày 15.2 đưa tin điều phối viên quốc gia về bảo vệ dân sự Mexico Luis Felipe Puente đã ban hành cảnh báo tại 6 bang sau khi một thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ bị mất cắp. “Nếu mọi người phát hiện thì hãy gọi 911 chứ đừng mở thiết bị đó ra”, ông Puente cảnh báo nhưng chưa thông tin chi tiết về loại nguyên liệu phóng xạ.


Nguy cơ phơi nhiễm

Sau vụ việc, cơ quan chức năng đã khuyên người dân tại chung cư Seri Ara theo dõi tình trạng sức khỏe do việc tiếp xúc với Iridium-192 có thể gây bỏng, ngộ độc, thậm chí tử vong. Theo Hội đồng cấp phép năng lượng nguyên tử Malaysia (AELB), con người có thể chịu được tia gamma ở mức 20 millisievert mỗi năm trong khi thiết bị chứa phóng xạ bị mất cắp có cường độ tia gamma lên đến 300 millisievert mỗi giờ.
Ông Hasmadi Hassan, Giám đốc bộ phận quản lý phóng xạ của AELB, kêu gọi người dân nên liên hệ với cơ quan này để xét nghiệm máu. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng người dân được an toàn và không bị nguy hiểm”, ông nói và kêu gọi những người gần nơi phát hiện nguyên liệu phóng xạ nên gọi ngay cho AELB nếu thấy buồn nôn hay chóng mặt.
Theo New Straits Times, lo ngại dâng cao sau khi 2 ống phóng xạ bị mất cắp đã bị tháo rời tại hiện trường. Theo cảnh sát trưởng quận Klang Alzafny Ahmad, vẫn chưa rõ thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ bị tháo ra ở đâu và khi nào. Ông cũng yêu cầu các nhân viên điều tra tại hiện trường đi thử máu.
Theo điều tra, các nghi can tuổi từ 26 – 37 và có 4 người là nhân viên công ty thăm dò dầu khí. “Các thiết bị chứa chất phóng xạ trên có thể bán giá khoảng 80.000 ringgit (17.795 USD)”, ông Ahmad ước tính. Cảnh sát cũng cho biết các nghi can dùng một xe tải nhỏ chở các thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ ra khỏi công ty và sau đó đã quay lại để trả xe.
Theo AELB, chính phủ Malaysia sẽ sửa đổi Đạo luật 304 về cấp phép năng lượng nguyên tử nhằm tăng cường an toàn, an ninh và bảo vệ nguyên liệu phóng xạ. New Straits Times ngày 14.2 dẫn lời Tổng giám đốc AELB Hamrah Mohd Ali cho rằng đã đến lúc Malaysia cập nhật đạo luật hơn 30 năm tuổi này nhằm đáp ứng sự phát triển toàn cầu và các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). “Đạo luật hiện hành tập trung nhiều vào phương diện an toàn trong sử dụng năng lượng nguyên tử. Việc sửa đổi sẽ cho chúng ta cái nhìn chính xác hơn về an ninh và bảo vệ vốn ngày càng trở nên quan trọng”, ông nói.

 

Khánh An