29/11/2024

Lao động cấp cao Việt ‘nhảy’ sang Singapore

“Những người giỏi và xứng đáng làm việc trong môi trường năng động với mức thu nhập cao tương xứng với khả năng thì sẽ tìm cho mình những nơi có thể đáp ứng được những mong đợi đó ”.

 

Lao động cấp cao Việt ‘nhảy’ sang Singapore

 ”Những người giỏi và xứng đáng làm việc trong môi trường năng động với mức thu nhập cao tương xứng với khả năng thì sẽ tìm cho mình những nơi có thể đáp ứng được những mong đợi đó ”.

 

 

 

Lao động cấp cao Việt 'nhảy' sang Singapore
Anh Nhâm Bá Phương (thứ hai từ phải) trao đổi công việc với đồng nghiệp quốc tế – Ảnh: B.P.

Theo dữ liệu Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search công bố tháng 1-2017, đang có hiện tượng chuyển dịch lao động từ VN sang Singapore, Malaysia…, đặc biệt ở khối nhân sự cấp quản lý hai lĩnh vực công nghệ thông tin và kế toán – kiểm toán.

“Đây là kết quả tất yếu của thị trường lao động hiện đại, những người giỏi và xứng đáng làm việc trong môi trường năng động với mức thu nhập cao tương xứng với khả năng thì sẽ tìm cho mình những nơi có thể đáp ứng được những mong đợi đó ” – anh Trần Hùng Thiện (giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM) cho biết.

Lương thấp hơn vẫn “nhảy”

Nhiều người bạn của anh Hùng Thiện đã chuyển sang làm việc tại Singapore, Thái Lan, Malaysia… Tương tự, anh Nhâm Bá Phương (giám đốc tiếp thị Unilever châu Á) – người đã có tám năm làm việc tại Singapore – cho rằng các nhà tuyển dụng ở nước ngoài tạo cơ hội tuyển dụng rộng mở, công bằng cho nhân sự giỏi chuyên môn, có tố chất lãnh đạo, giỏi ngoại 
ngữ từ khắp nơi.

“Đây là sự dịch chuyển hiển nhiên giữa cán cân cung và cầu của thị trường. Những năm gần đây có khá nhiều bạn bè người Việt của tôi từ VN “chuyển dịch” qua các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Singapore và làm ở các vị trí cao cấp” – anh Bá Phương nói 
với Tuổi Trẻ.

Theo chị Nguyễn Phương Mai (giám đốc điều hành Navigos Search), xu hướng trên đã xuất hiện từ một vài năm trước và chỉ là rõ nét hơn gần đây, một phần do tác động của sự ra đời của AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN).

“Nhưng Singapore là một trường hợp đặc biệt bởi theo khảo sát của chúng tôi, 70% ứng viên Việt cao cấp được khảo sát chọn “bến đỗ” là đảo quốc này, song song đó ngay cả những ứng viên tại Úc, Nhật cũng mong muốn được sang Singapore làm việc” – chị Phương Mai nhận định.

“Có những nhân sự cấp cao nhận mức lương cao hơn nếu chọn làm việc tại VN nhưng họ vẫn ra đi”. Chị Phương Mai cung cấp thông tin này và cho rằng đó không là nghịch lý vì lương, phúc lợi, cơ hội đào tạo và các trải nghiệm đa dạng về công việc cũng như văn hóa thì việc làm tại Singapore, Malaysia, Thái Lan đều hấp dẫn hơn ở VN.

“Sâu xa hơn, họ chọn nước ngoài để các thành viên khác trong gia đình như con cái được cơ hội hưởng nền giáo dục chất lượng, chế độ chăm sóc y tế, môi trường tốt” – chị Phương Mai nói.

“Tại các công ty đa quốc gia ở nước ngoài, họ thường tập trung vào hiệu quả công việc hơn, ít để ý những “chuyện cá nhân” xung quanh.

Ở VN, chuyện người này để ý chuyện riêng của người kia vẫn tồn tại, chưa kể việc chúng ta chưa thực hiện tốt chuẩn hoá các tiêu chí đánh giá năng lực khiến việc đánh giá năng suất lao động vẫn chưa chính xác” – ThS Vũ Thanh Tùng (giảng viên ĐH Tài chính – marketing) bổ sung.

“Tôi tốt nghiệp ngành kế toán – kiểm toán và nhận thấy hầu hết những bạn học giỏi chuyên môn và tiếng Anh đều “đầu quân” vào các công ty kiểm toán nước ngoài, đặc biệt là “Big 4” (thuật ngữ dùng để chỉ nhóm 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới).

Ở các công ty này, những nhân sự giỏi sẽ có mức thu nhập cao hơn hẳn nếu so với mức lương các công ty trong nước từ giai đoạn mới ra trường đến lúc đã có thâm niên lâu năm, chưa kể cơ hội đào tạo sẽ nhiều và chuyên nghiệp hơn (trong khi các công ty trong nước thường sẽ theo cách “người đi trước chỉ người đi sau”, điều dễ dẫn đến lỗi sai hệ thống).

Và dĩ nhiên ở các trụ sở tại những quốc gia đã phát triển thì ứng viên tài năng lại càng “được” nhiều hơn, nên tôi thấy việc nhân sự cấp cao trong lĩnh vực này “dịch chuyển” qua Singapore, Malaysia… là rất bình thường”. – Anh Lê Thành Quang Khôi (trưởng phòng hành chính – nhân sự, Ngân hàng Vietcombank Tân Định)

Điểm tích cực nhiều hơn

Có nên quá lo lắng khi xu hướng này đang diễn ra mỗi ngày một rõ nét? Chị Hà Lâm Tú Quỳnh (giám đốc PR – truyền thông, Google châu Á – Thái Bình Dương), hiện làm việc tại Singapore, cho rằng đây là điều không thể tránh khỏi.

Chị giải thích: “Từ 18 năm trước khi tôi làm hỗ trợ phiên dịch cho các trường đại học Mỹ tại hội thảo du học, một giáo sư người Mỹ đã khuyên tôi hãy mở mang tầm nhìn, làm giàu hồ sơ của mình bằng việc tích lũy kinh nghiệm sống, làm việc tại một quốc gia nước ngoài.

Ông nói kinh nghiệm này là cực kỳ thiết yếu nếu tôi muốn tiến cao, xa hơn ở vị trí lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia vì thế giới ngày càng phẳng.

Các tập đoàn lớn luôn đòi hỏi sự phát triển, thích ứng cao của các nhân sự chủ chốt khi rơi vào môi trường xa lạ, tình huống mới hoàn toàn. Điều này cũng lý giải việc khi nhìn vào hồ sơ nhân sự cấp cao các tập đoàn lớn, chúng ta sẽ thấy họ luôn có bề dày kinh nghiệm làm việc tại nhiều thị trường khác nhau”.

Theo chị Tú Quỳnh, sau khi “cọ xát” ở môi trường nước ngoài, nhân sự cấp cao Việt chắc chắn sẽ tự tin cạnh tranh với các đồng nghiệp quốc tế ở những vị trí then chốt ngày trở về.

Bản thân chị đã thấy không ít người Việt thành công ở các vị trí cao tại nhiều nước khác nhau quay về VN đảm nhận những vai trò quan trọng mà 5-10 năm trước đây chỉ dành cho 
người nước ngoài.

Còn với anh Lê Thành Quang Khôi (trưởng phòng hành chính – nhân sự Ngân hàng Vietcombank Tân Định) thì nhân sự cấp trung – cao sẽ có cơ hội học được nhiều điều mà môi trường trong nước chưa thể cung cấp được, bên cạnh đó là tín hiệu tốt cho thấy chất lượng giáo dục của các trường đại học VN đã phần nào nâng cao chất lượng, thích ứng được đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường.

Chị Phương Mai cho rằng trước mắt không nên quá lo lắng bởi số lượng lao động Việt cấp cao “dịch chuyển” ra nước ngoài chưa ở mức “ồ ạt” vì số lượng nhân sự Việt đạt chuẩn quốc tế chưa thực sự nhiều.

“Tuy nhiên về lâu dài, tôi cho rằng các doanh nghiệp trong nước nên đặc biệt lưu ý, có sự chuẩn bị chủ động bởi khi các nhân sự trên chuyển qua nước ngoài thì chúng ta sẽ bị “lỗ” trong khâu đầu tư đào tạo, ngoài ra việc trên sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể về mô hình tổ chức, hoạt động kinh doanh” – chị Phương Mai chia sẻ.

AEC – cơ hội lẫn thách thức

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015. AEC ra đời với mong muốn tạo sự hội nhập ở các quốc gia thành viên ASEAN trong sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo thị trường chung của khu vực ước tính có 600 triệu dân, có tổng sản lượng GDP hằng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

Tám lĩnh vực ngành nghề đầu tiên được tự do di chuyển gồm: bác sĩ, điều dưỡng, nha khoa, 
kiến trúc, xây dựng, khảo sát, kế toán, du lịch.

Chị Phương Mai dự đoán trong tương lai gần, sự dịch chuyển trên không chỉ diễn ra ở nhân sự cấp trung – cao ở tám nghề nghiệp được tự do luân chuyển trong các nước Đông Nam Á theo AEC, mà còn ở các nhân sự chưa phải là quản lý nhưng đã có kinh nghiệm làm việc.

“Bên cạnh hai mảng kế toán – kiểm toán, công nghệ thông tin có sự dịch chuyển đáng kể, sắp tới các vị trí cấp cao thuộc mảng quản lý chuỗi cung ứng cũng sẽ có nhiều cơ hội làm việc ở các nước trong khu vực” – 
chị Phương Mai nói.

CÔNG NHẬT