Lưu ý khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia
Năm 2017 là năm thứ ba Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Những hướng dẫn dưới đây nhằm cung cấp thêm thông tin cho thí sinh khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia.
Lưu ý khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia
Năm 2017 là năm thứ ba Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Những hướng dẫn dưới đây nhằm cung cấp thêm thông tin cho thí sinh khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) năm 2016 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tuy hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia năm 2017 không thay đổi nhiều, nhưng nếu không lưu ý với những điểm mới, thí sinh rất dễ mắc phải những lỗi kỹ thuật không đáng có, bởi Bộ GD-ĐT đã quy định thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với nội dung đã kê khai. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học, nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển, khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và dữ liệu ĐKDT với hồ sơ gốc.
Để có bộ hồ sơ ĐKDT tốt nhất, thí sinh cần lưu ý:
1. Tính thống nhất giữa các mục có nội dung liên quan nhau
Nội dung thí sinh cần ghi trong hồ sơ ĐKDT có những nội dung liên quan chặt chẽ với nhau. Thí sinh cần lưu ý để không có sự mâu thuẫn giữa các nội dung này. Ví dụ:
– Mục số 10, nếu thí sinh đánh chéo vào ô Thí sinh học chương trình THPT và để trống mục số 11 thì mục số 14 đăng ký bài thi, thí sinh bắt buộc phải đánh chéo vào các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ (nếu không thuộc diện miễn thi để xét tốt nghiệp) và ít nhất 1 trong 2 bài thi tổ hợp (KHTN, KHXH).
– Khu vực tuyển sinh (mục số 18), tuỳ trường hợp phải tương thích với mục số 5 hoặc mục số 6. Bởi theo quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc trong thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Đối với các trường hợp sau thì được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh các trường, lớp dự bị ĐH; học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND cấp tỉnh; học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc).
– Thí sinh đã đánh chéo vào mục số 9 – Thí sinh có dùng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì phải điền đầy đủ thông tin ở phần D-Thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ; trong đó, mục số 18 phải tương thích với mục số 5 hoặc mục số 6.
Mục số 21 thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường có nguyện vọng học được đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin của các trường để có thông tin đăng ký chính xác về mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành, tổ hợp môn xét tuyển.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng nào không đúng với quy định của các trường thì nguyện vọng đó sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để trường xét tuyển. Các nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất).
Ngoài ra, tổng số nguyện vọng bắt buộc phải ghi thì tương ứng với số nguyện vọng đã liệt kê. Ví dụ, thí sinh liệt kê 10 nguyện vọng thì tổng số nguyện vọng ghi vào ô phải là 10.
– Mục 7: Đối với thí sinh có yêu cầu điều chỉnh đăng ký xét tuyển tuyển sinh trực tuyến, cần đăng ký số điện thoại di động của mình để được cấp mật khẩu sử dụng một lần (OTP) qua tin nhắn, đảm bảo cho sự bảo mật khi đăng ký xét tuyển trực tuyến.
2. Tham khảo các nguồn thông tin chính thống
– Các quy chế, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT, đặc biệt là mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận của nơi có hộ khẩu thường trú và nơi học THPT.
– Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin của các trường, để có thông tin đăng ký chính xác về mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành, tổ hợp môn xét tuyển.
3. Ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ, không sửa chữa, tẩy xoá
Hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 chứa đựng nhiều thông tin hơn những năm trước. Vì vậy, để ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá, ngoài việc tham khảo các nguồn thông tin chính thống, thí sinh nên làm nháp trước, sau đó làm hồ sơ hoàn chỉnh, bao gồm bì đựng phiếu ĐKDT, phiếu số 1, phiếu số 2.
4. ĐKXT ngành học phù hợp và có khả năng trúng tuyển
Năm nay, Bộ GD-ĐT không giới hạn số nguyện vọng ĐKXT. Ở đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia theo quy định của sở GD-ĐT, kèm theo lệ phí ĐKXT. Như vậy, nếu đăng ký nhiều thì có khả năng thí sinh sẽ phải nộp nhiều lệ phí ĐKXT.
Thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng mà tập trung vào những ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp, đã tìm hiểu kỹ và có quyết tâm theo đuổi. Nên xếp thứ tự ưu tiên cho mình trong chọn ngành: ngành thật sự yêu thích – ngành gần (cùng nhóm ngành, cùng lĩnh vực đào tạo). Cùng một ngành có thể chọn ở các trường khác nhau, nhưng phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, và đó là những nguyện vọng thí sinh đều có cơ hội trúng tuyển.
Không nên ghi nguyện vọng là ngành học có điểm chuẩn quá cao so với sức học của mình, bởi hầu hết thí sinh đều có kết quả các môn thi ở kỳ thi THPT quốc gia thấp hơn điểm lớp 12.
5. Lưu giữ kỹ phiếu số 2
Để nhận giấy báo thi và để điều chỉnh sai sót (nếu có).
Phiếu đăng ký dự thi có 4 nhóm thông tin A. Thông tin cá nhân: ngoài các thông tin cần thiết, những thí sinh được hưởng ưu tiên xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ theo hộ khẩu thường trú tại các xã (phường) thuộc diện đặc biệt khó khăn theo quy định, cần khai thêm mã xã/phường. B. Thông tin đăng ký dự thi: cần xác định rõ mục đích của việc tham dự kỳ thi và đăng ký bài thi (đối với học sinh hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT), hoặc môn thi thành phần (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT). C. Thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT (dành cho thí sinh chưa tốt nghiệp). D. Thông tin dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ (thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bỏ qua phần này). |