Lại điều động giảng viên ĐH về địa phương coi thi
Tháng 9-2016, khi công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT khẳng định một trong những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia 2016 cần được khắc phục là việc cử giảng viên ĐH về địa phương coi thi.
Lại điều động giảng viên ĐH về địa phương coi thi
Tháng 9-2016, khi công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT khẳng định một trong những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia 2016 cần được khắc phục là việc cử giảng viên ĐH về địa phương coi thi.
Sinh viên năm 4 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) coi thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Năm nay, giảng viên các trường ĐH sẽ được huy động tham gia coi thi – Ảnh: Như Hùng |
Dư luận đâu đó vẫn có chút “lăn tăn” không tránh khỏi nếu kỳ thi được giao hoàn toàn cho sở GD-ĐT, các trường phổ thông coi thi, chấm thi. Vì vậy, việc điều động giảng viên ĐH về địa phương coi thi sẽ làm giải toả những băn khoăn còn sót lại của dư luận. |
Tuy nhiên, trong Quy chế thi THPT quốc gia và hướng dẫn tổ chức thi vừa công bố, bộ lại điều giảng viên ĐH về địa phương coi thi (mỗi phòng thi có 1 giảng viên ĐH, 1 giáo viên phổ thông).
Các sở GD-ĐT: sẽ vất vả cho việc di chuyển, ăn ở
Đại diện phòng khảo thí của các sở GD-ĐT khi trao đổi với Tuổi Trẻ đều bày tỏ quan điểm: Có lực lượng phối hợp từ trường ĐH-CĐ sẽ khách quan hơn, ít nhất là mang lại sự tin tưởng cho xã hội. Tuy nhiên nếu với tỉ lệ 50/50 (một nửa cán bộ coi thi từ trường ĐH-CĐ) thì số lượng cán bộ di chuyển về các địa phương sẽ khá đông. Việc đón tiếp, lo chỗ ăn, ở, di chuyển tới các điểm thi tại nhiều địa phương sẽ gặp khó khăn.
Ông Vũ Dương Uyên, trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Tuyên Quang, cho biết: “Lực lượng cán bộ của sở có thể đáp ứng được việc coi thi năm nay nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án phối hợp với các trường ĐH trong việc tổ chức kỳ thi nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan.
Tuy nhiên, nếu được thì bộ nên để các sở GD-ĐT chủ động tuỳ theo điều kiện, yêu cầu cụ thể, lên phương án đề xuất số lượng người cần các trường ĐH-CĐ phối hợp. Như thế chúng tôi sẽ không bị động trong việc đón tiếp”.
Tuy nhiên, ông Uyên cũng khẳng định “phối hợp với các trường ĐH-CĐ là việc cần, chỉ không nên cứng nhắc về số lượng người tham gia”.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Ngô Văn Chất, trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Dù địa phương hoàn toàn có thể chủ động được lực lượng tham gia kỳ thi, nhưng xét ở mục đích đảm bảo tính khách quan cho kỳ thi thì việc phối hợp với các trường ĐH-CĐ là tốt.
Nhưng trong việc này, các địa phương chắc chắn sẽ gặp khó khăn về ăn ở. Đây là vấn đề năm trước đã gặp phải. Hà Nội là nơi thuận tiện hơn về điều kiện đi lại, ăn nghỉ nhưng năm trước vẫn có những khu vực bị khó khăn”.
Coi thi chặt chẽ hơn, kết quả tin cậy hơn
Quy chế của Bộ GD-ĐT lại nhận được sự ủng hộ từ chính các trường ĐH, cho dù nhiều trường phải xây dựng phương án huy động giảng viên và có thể còn kèm những phát sinh về chi phí.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông – cho rằng trước đây bộ dự kiến không công bố đề thi, đáp án, khẳng định mỗi thí sinh một mã đề với độ khác nhau lên đến 80% thì công tác coi thi có thể tổ chức nhẹ nhàng, giao về các sở GD-ĐT đảm đương toàn bộ.
Tuy nhiên, khi quyết định công bố đề thi, đáp án, bộ phải tiết kiệm câu hỏi thi hơn, tỉ lệ các câu hỏi giống nhau giữa các thí sinh trong cùng phòng thi tăng lên thì cần thiết phải làm cho khâu coi thi chặt chẽ hơn.
Theo ông Lập, việc đưa giảng viên các trường ĐH “vào cuộc” là quyết định đúng của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, về lâu dài, bộ cần thiết kế và xây dựng được dữ liệu câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo mỗi thí sinh một đề thi độc lập để việc coi thi nhẹ nhàng hơn, “ai coi cũng được”, không phải tiếp tục kỳ thi tốn kém, kéo giảng viên ĐH về địa phương “chốt” trong từng phòng thi nữa.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng ủng hộ phương án này: “Lâu nay dư luận vẫn băn khoăn về kết quả của các cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì. Người ta cho rằng giáo viên của tỉnh tổ chức và coi thi cho học sinh tỉnh nhà nên cũng có sự dễ dãi dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng thực tế. Do đó việc đưa giảng viên ĐH về các điểm thi coi thi theo quy định một giáo viên của sở, một giảng viên ĐH ở mỗi phòng thi là cần thiết.
Các trường ĐH tuy sẽ tốn kém, cực hơn nhưng việc tham gia coi thi là điều cần thiết để kỳ thi diễn ra một cách khách quan, điểm đầu vào các trường ĐH tin cậy hơn cũng như để xã hội tin tưởng hơn về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Các trường ĐH cũng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển”.
* TS Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): Không nên cứng nhắc Sau nhiều năm phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tôi thấy công tác khảo thí ở các sở khá chuyên nghiệp và có thể tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia. Sự phối hợp với các trường ĐH là cần thiết nhưng không nên quá cứng nhắc về tỉ lệ 50-50 cán bộ coi thi của sở, của trường ĐH. Nghĩa là không nhất thiết phòng thi nào cũng có giám thị là giảng viên trường ĐH. Quan trọng là khâu giám sát. Để kết quả khách quan, trung thực, khâu giám sát là điều rất quan trọng. Trước đây khi trường ĐH chủ trì cụm thi và phối hợp cùng các sở, nguồn cán bộ coi thi chủ yếu là giáo viên tại địa phương để giảm kinh phí tổ chức, giảng viên ĐH cũng tham gia coi thi nhưng không nhiều, chủ yếu tham gia khâu thanh tra, giám sát. Cán bộ chấm thi cũng chủ yếu là giáo viên các trường THPT do trường mời. Năm nay phần lớn các môn thi bằng hình thức trắc nghiệm nên việc chấm thi cũng không có gì đáng lo lắng. Tiêu chuẩn cứng của hội đồng thi là tổ chức bộ khung có sự tham gia của các trường ĐH với vai trò giám sát. |