29/11/2024

Mỹ cân nhắc hành động ở Biển Đông

Hải quân Mỹ chuẩn bị thực hiện thêm các sứ mệnh duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

 

Mỹ cân nhắc hành động ở Biển Đông

Hải quân Mỹ chuẩn bị thực hiện thêm các sứ mệnh duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.



Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson hiện có mặt ở tây Thái Bình Dương	 ///  US Navy

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson hiện có mặt ở tây Thái Bình DươngUS NAVY

Tờ Navy Times ngày 13.2 dẫn 3 nguồn tin hải quân Mỹ cho biết các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) sắp tới có thể do các tàu chiến thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson thực hiện. Nhóm tác chiến này đóng tại căn cứ San Diego thuộc bang California, có các tàu khu trục Wayne E.Meyer, Michael Murphy, cùng tàu tuần dương Lake Champlain.
Theo kế hoạch đang được soạn thảo, các tàu chiến Mỹ có thể áp sát và tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trang Pacific News Center đưa tin nhóm tàu trên đã ghé thăm đảo Guam hôm 10.2 trong khuôn khổ đợt triển khai đến tây Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ khi nào nhóm tàu này có mặt tại Biển Đông.
Cũng theo các nguồn tin hải quân Mỹ, kế hoạch mới sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Đây được xem là phép thử cho chính sách đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tân chủ nhân Nhà Trắng.
“Chính quyền ông Trump sẽ phải quyết định những điều mà họ muốn đạt được”, Navy Times dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) phát biểu. Bà nhấn mạnh: “Tôi nghi ngờ việc chính quyền ông Trump có thể buộc Trung Quốc rút khỏi những đảo mới được xây dựng ở Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn hoạt động bồi đắp và quân sự hoá tiếp theo, cũng như không để Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới tạo áp lực lên các quốc gia láng giềng”.
Thông tin về kế hoạch FONOP năm 2017 được đưa ra sau khi báo chí Nhật Bản tiết lộ rằng trong các cuộc họp kín trong chuyến công du châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đảm bảo với giới chức Nhật Bản rằng quân đội Mỹ đang chuẩn bị một “đối sách mang tính quyết đoán” đối với Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc hạ giá nội tệ nhằm gây bất lợi cho hàng hóa Mỹ. Ông cũng đẩy quan hệ với Bắc Kinh tới sát mức khủng hoảng trước khi nhậm chức vào tháng trước bằng cách nhận cuộc gọi điện chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Chưa hết, Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc điều trần tại Thượng viện đã tuyên bố Mỹ có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy vậy, trong những ngày qua, căng thẳng giữa hai bên có vẻ hạ nhiệt. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9.2, Tổng thống Trump đã tuyên bố tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ điều tàu đến Biển Đông chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia bao gồm việc tự do đi lại. Tuy nhiên, hành động này của Washington có thể khiến căng thẳng với Bắc Kinh gia tăng trở lại, và bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng đều làm cho mọi việc “vượt tầm kiểm soát”. Theo Navy Times, nguy cơ này có thể nhìn thấy rõ trong vụ việc ngày 8.2, khi hai máy bay trinh sát của Mỹ và Trung Quốc bay sát nhau với cự ly chỉ hơn 300 m trên vùng trời bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

 

Trùng Quang