29/11/2024

Không nên học thuộc lòng bài thi môn xã hội

Lần đầu tiên, các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trở thành môn thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia.

 

Không nên học thuộc lòng bài thi môn xã hội

Lần đầu tiên, các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trở thành môn thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia.



Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) làm bài thi trắc nghiệm môn giáo dục công dân
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) làm bài thi trắc nghiệm môn giáo dục công dânẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo các giáo viên có kinh nghiệm, ôn tập bài thi này không nên chỉ chú trọng vào việc học thuộc lòng.
Vận dụng công thức 5W Và 1H
Từ nội dung đề thi minh họa và thử nghiệm của Bộ GD-ĐT, thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho hay cách ra đề chú trọng hướng mở, dùng kiến thức liên môn xử lý, phân tích số liệu chứ không yêu cầu nhớ máy móc. Do vậy, học sinh (HS) nên vận dụng công thức 5W và 1H để nắm bắt đủ các nội dung và nhằm tránh cách học thuộc lòng.
Theo đó, HS trả lời lần lượt: What – Sự kiện lịch sử gì đã diễn ra? When – Diễn ra khi nào? Where – Diễn ra ở đâu? Who – Gắn liền với nhân vật lịch sử nào? Why – Vì sao lại xảy ra? How: Đánh giá, bình luận, liên hệ. Trên tinh thần này, HS sẽ nắm các nội dung trọng tâm trong chương trình, hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu, gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử…
Để nhận biết và nêu ra được các ý chính, khi học tập, người học phải hiểu sâu những quy luật, tư tưởng lớn nào chi phối cả một giai đoạn lịch sử lớn. Khi học từng bài học phải hiểu đâu là những ý lớn, đâu là những chi tiết, minh họa, phải biết tóm tắt bài học và diễn đạt sơ đồ ý, dàn ý của từng bài. Đó cũng là một cách để hệ thống kiến thức, chỗ nào quên thì lật sách xem lại nhằm rèn luyện khả năng làm chủ thời gian, khả năng diễn đạt nội dung, văn phong.
Thạc sĩ Tiến nhấn mạnh, muốn có hiệu quả thực sự, HS phải tập chủ động, tự đặt ra và tuân thủ thời gian, tập đi tập lại sao cho trong khoảng thời gian 50 phút có thể trả lời một bài lịch sử trắc nghiệm với đầy đủ các nội dung cần thiết.
Lập sơ đồ tư duy
Đối với môn địa lý, ông Trần Văn Quang, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng do đề thi trắc nghiệm trải dài toàn chương trình nên HS không thể học tủ. Vì thế, HS cần lưu ý một số bước: Sau mỗi bài học, nên trả lời các câu hỏi nhỏ, lưu ý các chi tiết chính yếu. Ví dụ, vùng núi Đông Bắc có hướng gì, hai quần đảo xa bờ của nước ta là quần đảo nào? Lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương, với những nét chính yếu trước. Quan tâm các mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý như khí hậu có ảnh hưởng gì đến địa hình, đến sông ngòi, sinh vật…, vị trí có thuận lợi gì trong việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng…
 
Học từng phần và học đều, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài mà lại khó hiệu quả. Buổi tối nên ôn lại ngay bài vừa học ban ngày khoảng 5 – 10 phút. Nếu có khúc mắc nên ghi lại tìm cách giải quyết và nếu cần sẽ hỏi lại giáo viên, bạn bè. Đừng đợi đến khi sắp thi mới ôn bài, vừa mệt vừa ít có hiệu quả.
Do được sử dụng Atlat nên HS cần nắm vững kỹ năng đọc, nắm rõ từng phần trong Atlat để không mất thời gian đi tìm. Cùng là môn xã hội nhưng khác với môn lịch sử, môn địa lý có các tính toán về số liệu, nên các em cần nhớ công thức.
Hiểu vấn đề và biết cách vận dụng
Lần đầu tiên, giáo dục công dân trở thành môn thi để xét tốt nghiệp. Nhiều HS có tâm lý lo lắng do chưa chú trọng môn học này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), học và thi môn này không khó, chỉ cần nắm vững nội dung và phương pháp căn bản thì việc đạt thành tích cao là hoàn toàn có cơ sở.
Đề thi năm nay có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu có 4 phương án trả lời và có 1 phương án trả lời đúng. Xét tổng thể trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hoá (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nếu đặt mục tiêu phấn đấu cao, HS nên nắm thật chắc kiến thức, đặc biệt là kiến thức để làm những câu hỏi dạng phân hoá.
Nội dung kiến thức dàn trải hầu hết trong chương trình, cũng chính vì lẽ đó HS nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Không nhất thiết HS phải nằm lòng từng khái niệm như SGK, chỉ cần hiểu vấn đề và biết cách vận dụng thì có thể đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài ra nên đọc nhiều thông tin trên sách báo để hỗ trợ kiến thức pháp luật còn thiếu.

 

Bích Thanh