11/01/2025

Cấm vay vốn thâu tóm ngân hàng

Theo các chuyên gia, nếu không có quy định cụ thể, cơ chế giám sát chặt chẽ kèm chế tài nặng tay, dự thảo Quy định cấm vay vốn mua cổ phiếu tổ chức tín dụng sẽ rất khó thực thi, khó xoá sổ được những ông chủ cố tình thâu tóm, lũng đoạn hệ thống ngân hàng.

 

Cấm vay vốn thâu tóm ngân hàng

Theo các chuyên gia, nếu không có quy định cụ thể, cơ chế giám sát chặt chẽ kèm chế tài nặng tay, dự thảo Quy định cấm vay vốn mua cổ phiếu tổ chức tín dụng sẽ rất khó thực thi, khó xoá sổ được những ông chủ cố tình thâu tóm, lũng đoạn hệ thống ngân hàng.




Sở hữu chéo tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàngẢNH: NGỌC THẮNG

Sở hữu chéo chằng chịt
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi dự thảo đầu tiên Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu. Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này dành riêng một phần nội dung để giải quyết sở hữu chéo – một trong những khối u ác tính của hệ thống ngân hàng (NH) vẫn chưa được cắt bỏ.
Báo cáo cho thấy, hiện nay tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối các nhà băng đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thao túng hoạt động NH chưa được xử lý triệt để. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số TCTD vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp (DN). Một số vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD. Cụ thể, cho đến nay, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống 3 cặp; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và DN giảm từ 56 cặp xuống 4 cặp…
Theo bản cáo bạch của NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), NH này có hai cổ đông lớn gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation chiếm tỷ lệ 15,13% và NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) chiếm 8,8%; các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ Eximbank chiếm 76,81%. Trong khi đó, Eximbank lại đang nắm giữ hơn 9% cổ phần tại NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Còn NH TMCP Công thương VN (VietinBank) nắm giữ 4,91% tại Saigonbank, Maritime Bank nắm dưới 5% vốn tại MB… Riêng NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) hiện đang sở hữu 65% vốn tại NH liên doanh Lào – Việt, sở hữu 50% tại NH liên doanh Việt – Nga, và 50% tại VID/Public Bank…
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng, sở hữu chéo về bản chất không xấu, có nhiều loại, nhiều hình thức khác nhau và trên thế giới rất nhiều nhà băng lớn sở hữu cổ phần của nhà băng nhỏ hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, công nghệ để cùng phát triển. Tuy nhiên, tại VN nhiều năm qua sở hữu chéo bị biến tướng, theo đó các ông chủ nhà băng thường lập sân sau, thông qua anh em, người thân rút tiền mua cổ phiếu, dùng cổ phiếu thế chấp lấy tiền tiếp tục mua cổ phiếu NH. Từ số vốn ban đầu, sở hữu chéo bắt đầu tăng lên theo cấp số nhân, dòng tiền ảo tăng dần làm hệ thống NH bị méo mó, nợ xấu tăng cao. “Tình trạng này đã được Quốc hội, chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới thấy nó được đề cập chính thức trong một dự thảo văn bản. Nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề, hệ lụy cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Kiêm nói.
Trước đó, một loạt đại gia như “bầu” Kiên (Nguyễn Đức Kiên, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB), Hà Văn Thắm (từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT OceanBank) lập sân sau, Phạm Công Danh (NH Xây dựng) dùng người thân trong gia đình mua cổ phần, thâu tóm và chi phối. Hậu quả, một loạt nhà băng đã bị các ông chủ đẩy vào cảnh mất thanh khoản, nợ xấu tăng cao, âm vốn điều lệ, thua lỗ nặng nề.
Dễ bị lách
Từng lập NH tư nhân đầu tiên trên đất Mỹ vào năm 2005, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngay từ thời điểm đó, ông đã khuyến cáo NHNN nên siết chặt hoạt động cấp tín dụng để mua cổ phần của các nhà băng nhưng không được tiếp thu. “Khi tôi lập NH First Vietnamese – American Bank năm 2005 tại Mỹ, các cơ quan quản lý lập tức yêu cầu phải báo cáo cụ thể, chi tiết tất cả các cổ đông, nguồn vốn góp. Kèm theo đó là một cảnh báo: luật pháp cấm dùng vốn vay tại các TCTD để thành lập”, ông Hiếu kể lại và cho rằng, đến nay đã hơn 10 năm, NHNN bắt đầu xin ý kiến là quá muộn màng khi hậu quả sở hữu chéo quá nặng nề, nhiều NH bị xoá sổ, các ông chủ đua nhau rơi vào vòng lao lý.
Quay trở lại với dự thảo, NHNN cho rằng, hiện nay do chưa có quy định hạn chế sử dụng vốn do các TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của NH cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo. Từ đó, cơ quan này đề nghị bổ sung vào trong luật Các TCTD: Nguồn vốn có được do các TCTD cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ TCTD nào.
Thế nhưng, việc chỉ quy định một cách quá chung chung trong dự thảo như trên, theo các chuyên gia, nếu đi vào thực tiễn sẽ rất khó khả thi, dễ bị lách. Đơn cử như hoạt động giao dịch mua ký quỹ chứng khoán (margin) hiện nay. Đây là giao dịch mua cổ phiếu của khách hàng có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán. Hiện nay tỷ trọng các nhà đầu tư ký quỹ mua cổ phiếu NH, vốn được một thời mệnh danh cổ phiếu vua không phải là ít. “Quy định như trong dự thảo quá chung chung, thiếu cụ thể. Cấm vay vốn là cấm vay trực tiếp tại các NH hay cấm hết. Nếu một nhà đầu tư ký quỹ để vay vốn mua cổ phiếu NH có bị vi phạm quy định hay không”, một chuyên gia kiến nghị.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế và giám sát trong dự thảo sẽ không thể chặt đứt vòi bạch tuộc sở hữu chéo. “Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải khống chế tỷ lệ được phép vay vốn, làm rõ được mối quan hệ giữa ông chủ NH với các DN sân sau, người thân, người quen mới chống được sở hữu chéo. Còn cấm cho vay để mua cổ phiếu cần thiết nhưng lại không thấy NHNN đề cập đến những quy định, cơ chế nào để giám sát, kiểm tra xem đồng nào DN mua cổ phiếu NH, đồng nào DN hay ông chủ đó dùng để đầu tư”, TS Nguyễn Trí Hiếu băn khoăn.
Một trong những nội dung quan trọng của bất cứ dự thảo luật hay quy định nào là chế tài. Chế tài có nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, tuy nhiên, dự thảo của NHNN chưa thể hiện được điều này. Còn nhớ Thông tư 36 (sau đó là Thông tư 06 sửa đổi) của NHNN quy định: một NH thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá hai TCTD khác. Theo lộ trình, các NH thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn hai TCTD khác hoặc nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của các TCTD đó phải tính đến việc thoái vốn. Tuy vậy, tính đến nay, ma trận sở hữu chéo trong hệ thống NH vẫn còn rất phức tạp; còn nhiều NH chưa thoái vốn được, vi phạm quy định nhưng không thấy NH nào bị xử lý.
“Phải có chế tài thật mạnh tay, còn để các NH nhờn luật, vi phạm mà không bị xử sẽ rất khó để chính sách được thực thi hiệu quả”, TS Cao Sĩ Kiêm đề nghị.

 

​Tiêu Phong