11/01/2025

Quân sư quyền lực trong Nhà Trắng

Đang có rất nhiều tranh cãi xoay quanh chiến lược gia trưởng Steve Bannon, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng nhất hiện nay.

 

Quân sư quyền lực trong Nhà Trắng

Đang có rất nhiều tranh cãi xoay quanh chiến lược gia trưởng Steve Bannon, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng nhất hiện nay.



Tổng thống Trump (trái) và cố vấn Steve Bannon /// AFP

Tổng thống Trump (trái) và cố vấn Steve BannonAFP

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thiết lập vị trí mới gọi là chiến lược gia trưởng để ông Steve Bannon phụ trách, giới bình luận lập tức xôn xao rằng đây sẽ là nhân vật quyền lực thứ hai trong Nhà Trắng. Những ngày qua, phe phản đối lại ầm ĩ tuyên bố chính ông Trump mới là “số 2”.
Bảo hoàng hơn vua
Có quá nhiều lý do để Tổng thống Trump đặt trọn niềm tin vào ông Bannon. Hơn hết, khi còn đóng vai trò Giám đốc điều hành chiến dịch tranh cử, đây là vị kiến trúc sư trưởng đã vẽ ra con đường đưa ông Trump tiến thẳng vào Nhà Trắng, đánh bật mọi thăm dò dư luận, mọi dự đoán của giới chuyên môn và kinh nghiệm sừng sỏ của đối thủ Hillary Clinton. Việc ông Trump mời Bannon, lúc đó đang làm Giám đốc điều hành báo Breitbart News, để lãnh đạo chiến dịch tranh cử ở giai đoạn 3 tháng nước rút cuối cùng trước ngày bỏ phiếu thật ra chỉ nhằm chính thức hóa một liên minh đã tồn tại trước đó từ lâu.
Ở giai đoạn ông Bannon làm lãnh đạo, Breitbart News là tiếng nói tích cực của phong trào “cánh hữu mới”, liên tục chỉ trích Hồi giáo, bài ngoại và mỉa mai giới chính trị truyền thống. Tất cả đều trùng khớp với quan điểm của ông Trump. Tờ này đăng tải hàng loạt bài viết ủng hộ ông Trump hết mình, đi ngược trào lưu chung của báo chí chính thống Mỹ giai đoạn đó. Theo tờThe Hollywood Reporter, trước ngày bầu cử, Bannon đã nói với cây bút bình luận Michael Wolff rằng cùng với ông Trump, 2 người “sẽ tiến hành kế hoạch phá hủy hệ thống chính trị cũ để xây dựng một phong trào hoàn toàn mới”.
Trên thực tế, quân sư Bannon còn tiến xa hơn Tổng thống Trump rất nhiều xét ở khía cạnh cực đoan. Trong khi chủ nhân Nhà Trắng chỉ chĩa mũi dùi vào diện nhập cư không giấy tờ và gọi những người di trú hợp pháp là “tuyệt vời” thì chiến lược gia trưởng nói họ “gây rắc rối”. Trong khi ông Trump tỏ ra tôn trọng giới tinh hoa giàu có ở Phố Wall và Hollywood thì ông Bannon tỏ thái độ khinh khỉnh với họ. Ông này thậm chí còn dự đoán rằng Mỹ sẽ tham chiến ở Biển Đông trong vòng 10 năm tới.
Nghi vấn thâu tóm quyền lực
Kể từ khi nhậm chức ngày 20.1, Tổng thống Trump đã ký ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp và 2 quyết định gây tranh cãi nhất trong số này đều liên quan trực tiếp đến cố vấn Bannon. Thứ nhất, theo AP, ông cùng trợ lý chính sách Stephen Miller chính là 2 nhân vật soạn thảo sắc lệnh di trú đang khiến thế giới xôn xao. Thứ hai là sắc lệnh bổ nhiệm Bannon vào Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cơ quan chuyên trách thảo luận và quyết định những vấn đề quốc phòng – an ninh tối mật.
 
Ngay đến Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cũng không được tham dự các cuộc họp thường kỳ của NSC mà chỉ hiện diện khi có yêu cầu. Điều đáng nói hơn nữa là truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin giấu tên từ Nhà Trắng tiết lộ chính cố vấn Bannon là tác giả sắc lệnh bổ nhiệm mình vào NSC và “gài” Tổng thống Trump ký. Theo nguồn tin, Tổng thống Trump được cho là rất tức giận vì không được báo cáo chi tiết rõ ràng trước khi đặt bút ký ban hành sắc lệnh này.
Tờ The New York Times dẫn lời giới chuyên gia nhận định sở dĩ ông Bannon lấn lướt tại Nhà Trắng là do chưa có nhân vật nào đủ lực để làm đối trọng. Con rể ông Trump là Jared Kushner, dù giữ vị trí cố vấn cấp cao, nhưng dường như vẫn chưa thật sự quen với đời sống chính trị. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, một trong những cố vấn có kinh nghiệm quản lý nhất của ông Trump, thì đã bị loại khỏi vị trí trưởng nhóm tiếp nhận chuyển giao quyền lực từ tháng 11.2016.
Trong tình hình này, tại Mỹ bắt đầu xuất hiện nhan nhản cụm từ “Tổng thống Bannon” trên báo đài và các mạng xã hội. Cư dân mạng thuộc giới phản đối ông Trump bày ra phong trào “viết thư cho tổng thống Bannon” để trình bày ý kiến. Tạp chí Time thì đăng chân dung vị chiến lược gia trưởng lên trang bìa, kèm dòng tít Kẻ giật dây vĩ đại. Tương tự, chương trình truyền hình trào phúng nổi tiếng The Daily Show ví von vụ ông Trump ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Bannon vào NSC chẳng khác nào người đi siêu thị bị đứa con nhỏ lén bỏ gói kẹo vào giỏ hàng rồi “tẽn tò” lúc tính tiền. Người dẫn chương trình Trevor Noah còn nhận định Bannon “là quyền lực thực sự đứng sau ngai vàng”.
Quân sư quyền lực trong Nhà Trắng - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Sóng ngầm trong Nhà Trắng

Mâu thuẫn giữa các trợ lý cấp cao bị cho là đã gây hệ lụy đến việc điều hành của ông Donald Trump trong hai tuần đầu trên cương vị tổng thống Mỹ.
Trước làn sóng xôn xao của dư luận, chủ nhân Nhà Trắng đã có một số động thái trấn an. Dù tỏ ra vẫn tin tưởng quân sư số 1 của mình, Tổng thống Trump lên Twitter khẳng định chính ông mới là người đưa ra mọi quyết định. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ đạo áp dụng phương thức quy củ hơn để ông có thể tham gia sớm vào quá trình soạn thảo các sắc lệnh hành pháp đồng thời thiết lập cơ chế kiểm tra đối với các cố vấn để ngăn chặn sự tự tung tự tác.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Quân sư quyền lực trong Nhà Trắng - ảnh 3

Ông Priebus (trước) và ông Bannon bằng mặt nhưng không bằng lòng? AFP

       

Theo nguồn tin rò rỉ, người duy nhất hiện đang ra sức kiềm chế chiến lược gia trưởng Bannon là Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus. Vị trí này xưa nay là trợ lý số 1 của tổng thống Mỹ và tờ The Wall Street Journal đưa tin bản thân Tổng thống Trump từng nói tất cả các thay đổi về chính sách đều phải đi qua ông Priebus.

Trong một thông cáo báo chí chính thức, ông Trump khẳng định 2 ông Priebus và Bannon sẽ làm việc “ngang bằng” với nhau. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay Chánh văn phòng Priebus bất mãn vì vị thế của mình kém cạnh những người tiền nhiệm trong bối cảnh cố vấn Bannon ngày càng lấn lướt. Do đó, ông Priebus hiện đang rất tích cực giúp tổng thống đưa hoạt động của Nhà Trắng vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là về chính sách và truyền thông

Trước khi dấn thân vào chính trường, ông Bannon từng trải qua nhiều nghề, chủ yếu trong ngành truyền thông.
Trong đó, đáng chú ý là ông từng viết kịch bản, sản xuất hoặc đạo diễn nhiều bộ phim truyện và tài liệu mang đậm màu sắc chính trị cánh hữu. Theo tờ The Washington Post, do nhận vị trí trong Nhà Trắng mà vị cố vấn này phải bỏ dở kế hoạch làm một bộ phim cảnh báo về “hiểm hoạ Hồi giáo”. Kịch bản của phim vẽ ra viễn cảnh Mỹ trở thành một quốc gia Hồi giáo với lá cờ mang hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao (một biểu tượng của đạo Hồi) bay phần phật trên toà nhà quốc hội. Nước này sẽ áp dụng luật Sharia hà khắc và người Mỹ bước đi “trên con đường dẫn tới địa ngục trần gian”.

 

Kiều Oanh