Ông Trump lần đầu đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Trump lần đầu đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngay trước khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 10.2 (tối 9.2 giờ Mỹ). Reuters dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho biết cuộc đối thoại diễn ra “kéo dài và tốt đẹp”. Theo thông cáo, hai nhà lãnh đạo trao đổi nhiều vấn đề, bao gồm chính sách “một Trung Quốc” và “theo đề nghị của Chủ tịch Tập, Tổng thống Trump đã đồng ý sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”. Các đại diện của hai nước sẽ tham gia thảo luận và thương thuyết nhiều vấn đề thuộc lợi ích chung.
Trong tuyên bố phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc sau đó, ông Tập khẳng định Bắc Kinh trân trọng việc Tổng thống Trump giữ vững chính sách “một Trung Quốc”. “Tôi tin Mỹ và Trung Quốc là đối tác hợp tác của nhau, và thông qua các nỗ lực chung, chúng ta có thể đẩy quan hệ song phương lên tầm cao lịch sử”. Cũng trong ngày 10.2, Đài Loan tuyên bố sẽ giữ liên lạc và tiếp xúc chặt chẽ với Mỹ “để duy trì hướng tiếp cận không có sự cố” trong quan hệ còn Nhật Bản gọi cuộc điện đàm là “dấu hiệu tích cực”.
Từ khi đắc cử vào tháng 11.2016, Tổng thống Trump đã điện đàm với một số nhà lãnh đạo trên thế giới nhưng đến nay, ông mới có cuộc đối thoại đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc. Trước đó, vấn đề “một Trung Quốc” đã gây căng thẳng trong quan hệ song phương sau khi ông Trump nhận cuộc gọi chúc mừng thắng cử từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng 12.2016 và sau đó còn tỏ ý Mỹ “không nhất thiết” phải tôn trọng chính sách này.
TIN LIÊN QUAN
Tổng thống Trump điện đàm Chủ tịch Tập, đồng ý tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’
Theo đề nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump qua cuộc điện đàm tối 9.2 đã đồng ý sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Thông báo của hai bên không đề cập vấn đề an ninh khu vực, bao gồm tình hình Biển Đông, vốn cũng gây hục hặc trong thời gian qua. Tổng thống Trump và giới chức Mỹ đã chỉ trích những hành động gây quan ngại của Trung Quốc trên Biển Đông và vào ngày 10.2, truyền thông Mỹ tiếp tục đăng tải thông tin về vụ việc mới nhất giữa lực lượng 2 nước trên Biển Đông.
Cụ thể, CNN dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho biết 2 máy bay trinh sát của Mỹ và Trung Quốc bay sát nhau ở mức “không an toàn” ở cự ly hơn 300 m hôm 8.2 tại khu vực gần bãi cạn Scarborough. Máy bay Mỹ là P-3 Orion chuyên trinh sát biển và săn ngầm, còn phía Trung Quốc là máy bay trinh sát và cảnh báo sớm KJ-200. Chiếc P-3 đã phải đổi hướng bay để đảm bảo không xảy ra va chạm. Trung Quốc chưa có phản ứng về thông tin này.
Cùng ngày, Đài CNBC dẫn hình ảnh vệ tinh mới nhất của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho thấy dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục nâng cấp phi pháp cơ sở hạ tầng quân sự tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo AMTI, các cơ sở quân sự quy mô lớn đang hiện diện trên 8 đảo. Ba đảo trong số này có hải cảng đủ khả năng tiếp nhận số lượng lớn tàu hải quân, dân sự và một cảng mới đang trong quá trình xây dựng phi pháp trên đảo Duy Mộng. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đã xây bãi đáp trực thăng trên 5 đảo và thậm chí đảo Quang Hoà có căn cứ trực thăng đầy đủ.
Tòa án Mỹ chặn sắc lệnh nhập cảnh
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Trump ngày 10.2 còn có cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. AFP đưa tin ông al-Abadi yêu cầu ông Trump xóa tên Iraq khỏi danh sách 7 nước Hồi giáo có công dân bị cấm nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày theo sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi đưa ra cuối tháng 1.
Hiện sắc lệnh này đang bị đình chỉ sau phán quyết cùng ngày của Toà phúc thẩm Liên bang khu vực 9 đóng tại thành phố San Francisco. Với kết quả biểu quyết 3/0, cả ba thẩm phán của toà đều cho rằng chính quyền không chứng minh được liên hệ giữa quan ngại về an ninh quốc gia với việc cần phải khôi phục sắc lệnh, vốn đã bị thẩm phán James Robart ra lệnh đình chỉ ngày 3.2.
Theo tờ USA Today, tân Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hiện đứng trước quyết định có tiếp tục kháng cáo lên Toà án tối cao hay không. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Tổng thống Trump phản ứng mạnh mẽ với phán quyết mới. “Gặp lại các người tại toà. An ninh quốc gia đang gặp nguy hiểm!”, ông viết trên Twitter và khẳng định chính quyền sẽ giành thắng lợi sau cùng.
Thụy Miên
|
Trùng Quang