Không để cấp nước “một mình một chợ”
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu như vậy tại buổi làm việc với Đảng bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) ngày 11-2.
Không để cấp nước “một mình một chợ”
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu như vậy tại buổi làm việc với Đảng bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) ngày 11-2.
Sửa ống nước bể trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Quang Khải |
Yêu cầu này đặt ra nhằm thu hút các nguồn lực giúp phát triển ngành cấp nước đáp ứng nhu cầu, chất lượng, đảm bảo an ninh nguồn nước cho 10 triệu người dân TP.HCM trước diễn biến thay đổi rõ nét của biến đổi khí hậu.
Câu chuyện thất thoát nước, giá nước cũng được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo.
TP.HCM thất thoát nước lên đến 28,3%!
Ghi nhận những nỗ lực của Sawaco trong việc cấp nước sạch cho 100% hộ dân ở TP.HCM, sớm hơn chỉ tiêu đề ra đến bốn năm, nhưng nhìn vào tỉ lệ thất thoát nước, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cho rằng còn quá cao so với các nước khu vực và mức bình quân của cả nước.
“Liệu chúng ta có hài lòng không khi Đảng bộ thì trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng người dân chịu tỉ lệ thất thoát nước quá lớn. Trong khi thất thoát nước ở Long An là 25,92%, Tiền Giang 21%, Hà Nội 22,92%, Đà Nẵng 16,88%… thì ở TP.HCM tới 28,31%.
Dù mọi so sánh khập khiễng, TP.HCM có quy mô lớn hơn, phục vụ nhiều hơn nhưng từ số liệu trên chúng ta cần xem lại” – ông Thăng đặt vấn đề.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quang – trưởng ban kinh doanh dịch vụ khách hàng của Sawaco – cho rằng do trước đây phải tập trung nguồn lực cho công tác phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ mới nên trong khoảng 5 năm trở lại đây mới có điều kiện tập trung cho giải pháp giảm thất thoát nước.
Để giảm tỉ lệ thất thoát nước như hiện nay (28,31%), Sawaco đã rất nỗ lực. Tỉ lệ này vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng đã phê duyệt (quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2025) là tỉ lệ thất thoát nước đến năm 2015 đạt 32%.
Tiếp lời, ông Bạch Vũ Hải – phó tổng giám đốc Sawaco – viện dẫn: kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế cho thấy tỉ lệ thất thoát ở mức 50% có thể giảm xuống còn 40%, nhưng khi tỉ lệ kéo về ở mức 30% rồi thì việc giảm mạnh nữa rất khó, chỉ dừng lại ở mức 1-2%/năm.
“Thậm chí đến lúc nào đó phải tính toán lại hiệu quả kinh tế giữa việc tiếp tục đầu tư cho giảm thất thoát nước hay xây nhà máy mới để bù vào” – ông Hải nêu ý kiến.
Ông Đinh La Thăng bác ngay ý kiến này và cho rằng dù tỉ lệ thất thoát nước được Thủ tướng phê duyệt nhưng vẫn trên nền tảng Sawaco xây dựng tham mưu.
“Sawaco phải đặt mục tiêu cao hơn, liệu có thể đưa tỉ lệ thất thoát ở mức 5% vào năm 2020 được không?”, ông Thăng quyết liệt. Đại diện Sawaco không trả lời được câu hỏi này.
Yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM trong cuộc họp ngày 11-2 là đẩy mạnh cổ phần hoá Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) với mục tiêu tăng chất lượng nước sạch – tiến tới uống trực tiếp từ vòi và giảm tỉ lệ thất thoát để giảm giá nước – Ảnh: Q.Khải |
Phải giảm thất thoát dưới 10%
Dẫn lý do Sawaco cho rằng đường ống cũ mục là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát nước, Phó bí thư thường trực Thành uỷ Tất Thành Cang nhận định việc chống thất thoát nước không quá khó.
“Bởi trong vòng 10 năm qua, Sawaco đã thay hơn 2.000km, hiện nay chỉ còn chưa tới 200km đường ống cũ. Nếu tập trung thay thế hết số lượng ống này không chỉ giảm thất thoát mà còn nâng cao chất lượng đường ống để người dân có thể uống nước tại vòi”, ông Cang gợi ý và cho rằng nếu giảm tỉ lệ thất thoát nước càng lớn thì giá nước càng có lợi cho người dân.
Tiếp đó, ông Đinh La Thăng yêu cầu Sawaco không bằng lòng với những kết quả vừa qua mà ít nhất phải phấn đấu đưa tỉ lệ thất thoát nước giảm hơn một số nước khu vực như Philippines (tỉ lệ thất thoát nước là 11%), rồi ông giao chỉ tiêu cụ thể cho Sawaco phải giảm tỉ lệ thất thoát nước dưới 10% vào năm 2020.
Về tỉ lệ thất thoát nước được đưa vào giá nước hiện nay, ông Đinh La Thăng cho rằng cũng còn ở mức cao (tỉ lệ 26% – PV), vì vậy yêu cầu Sawaco và các đơn vị liên quan phải tính toán lại cơ cấu giá nước này cho hợp lý hơn.
Ông Thăng chốt vấn đề và yêu cầu kể từ năm 2020, tỉ lệ thất thoát nước được áp vào giá nước cũng phải ở mức khoảng 10%.
Nhất trí với chỉ đạo trên, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho rằng nếu đưa tỉ lệ thất thoát nước cao vào giá nước thì sẽ không tạo động lực cho Sawaco giảm nhanh thất thoát.
Nhanh chóng cổ phần hóa
Trước vấn đề biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm mặn, Sawaco cho biết đã nghiên cứu hàng loạt giải pháp nhằm đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước. Trước mắt trong năm 2017 sẽ đưa vào vận hành hai bể chứa nước tại Nhà máy nước Thủ Đức và Nhà máy nước Tân Hiệp với dung tích tới 180.000m3.
Khi hoàn thành các công trình này có thể cung cấp nước cho người dân TP.HCM trong vòng 6-8 giờ trong trường hợp nhà máy bị sự cố hoặc nguồn nước nhiễm mặn.
Sawaco còn nghiên cứu sử dụng lại hệ thống 47 giếng khoan cũ, xây các bể chứa nước tại các đài nước (7 thuỷ đài hình nấm) cũng như tiếp cận công nghệ xử lý nước mới. Ngoài ra, đơn vị này dự kiến xây bể chứa nước thô ở Củ Chi cũng như tại các công viên như Gia Định, Thảo cầm viên…
Theo Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang, nhu cầu vốn sơ bộ để phát triển cấp nước từ nay đến năm 2020 cần khoảng 100.000 tỉ đồng.
Do đó một mình Sawaco khó mà đảm đương được nên cần phải đa dạng hoá hình thức đầu tư, kêu gọi xã hội hoá từ vấn đề đầu tư mạng cấp 2-3 đến việc xây dựng các bể chứa nước sạch…
Về vấn đề này, ông Đinh La Thăng yêu cầu Sawaco phải nhanh chóng cổ phần hoá, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị tham gia vào ngành nước từ công tác phát triển nguồn đến mạng lưới chứ không giữ thế độc quyền.
“Trước đây chúng ta chỉ cần một công ty cấp nước nhưng giờ không thể một mình một chợ được. Chúng ta cần huy động mọi nguồn lực thì mới sớm đạt được mục tiêu đảm bảo chất lượng, an ninh nguồn nước nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM” – ông Thăng nhấn mạnh và chỉ đạo UBND TP.HCM sớm tổ chức hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực cấp nước.
Đại diện Sawaco cho biết hiện nay đang xây dựng đề án cổ phần hoá, trong đó từ năm 2020 cổ phần của Nhà nước dưới mức chi phối. Đồng thời đơn vị này cho biết đang kêu gọi nhiều nhà đầu tư bể chứa nước sạch tại vị trí 7 đài nước…
Số tiền người dân phải trả qua các năm do nước bị thất thoát nhưng vẫn được tính vào giá nước (ước tính theo tỉ lệ thất thoát nước được đưa vào giá nước là 26%) – Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Tiến tới uống nước trực tiếp tại vòi
Trong các giải pháp nâng cao chất lượng nước sạch cho người dân TP.HCM, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu phải tiến tới việc uống nước trực tiếp tại vòi trên toàn địa bàn TP.HCM.
Trước mắt ông Khoa đề nghị Sawaco trong tháng 3 phải xây dựng một kế hoạch tổng thể cho vấn đề này, trong đó xây dựng trước cho các địa bàn có nhiều khách du lịch như quận 1, các khu dân cư mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng…
Bên cạnh đó phải ứng dụng khoa học công nghệ trong việc ghi chỉ số, quản lý hệ thống đường ống để tiến tới không còn nhân viên gõ cửa từng nhà ghi chỉ số nước.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Khuyên, chủ tịch HĐQT Sawaco, cho biết trong năm 2016 Sawaco đã tập trung nỗ lực rất lớn trong vấn đề cấp nước sạch cho người dân.
Vì vậy các chỉ tiêu, ý kiến chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP.HCM giao cũng rất áp lực nhưng tập thể Sawaco sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành.
Chấm dứt khai thác nước ngầm Theo Sở Tài nguyên – môi trường, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hơn 308.000 giếng khoan, tổng lượng nước khai thác lên tới 545.000m3, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, bệnh viện sử dụng nước giếng dù nước sạch hiện nay đã đáp ứng nhu cầu. Sau khi được Sawaco trả lời vẫn đáp ứng nước sạch nếu cắt toàn bộ nước ngầm, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường khẩn trương xây dựng lộ trình cấm khai thác. “Có thể đánh thuế tài nguyên cao hơn đối với trường hợp đã có nước sạch tới nơi vẫn sử dụng nước giếng”, ông Thăng cho rằng việc khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lún sụt, ô nhiễm nguồn nước ngầm nặng nề thêm. |