10/01/2025

Học sinh ĐBSCL rộn rịp chọn tổ hợp môn thi

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, năm nay học sinh THPT ở ĐBSCL có hai xu hướng chọn tổ hợp môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia. Nếu các trường trung tâm thành phố chọn bài thi khoa học tự nhiên, thì học trò trường huyện lại chọn bài thi khoa học xã hội…

 

Học sinh ĐBSCL rộn rịp chọn tổ hợp môn thi

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, năm nay học sinh THPT ở ĐBSCL có hai xu hướng chọn tổ hợp môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia. Nếu các trường trung tâm thành phố chọn bài thi khoa học tự nhiên, thì học trò trường huyện lại chọn bài thi khoa học xã hội…

 

 

 

Học sinh ĐBSCL rộn rịp chọn tổ hợp môn thi
Giờ học của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long – Ảnh: Minh Tâm

Hiện tại, ở nhiều trường THPT học sinh đang khẩn trương lựa chọn đăng ký môn cho kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 này.

Khoa học xã hội dễ “ăn điểm” hơn?

Thầy Nguyễn Hồng Phước – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long – cho biết tổng số học sinh lớp 12 của trường là 302 em, theo kết quả thống kê của trường về tỉ lệ học sinh đăng ký thi THPT quốc gia 2017 thì số học sinh chọn thi khoa học tự nhiên là 265 em (chiếm tỉ lệ 87,75%), chọn khoa học xã hội là 37 em (12,25%).

Theo thầy Phước, sở dĩ đa số học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên bởi có nhiều khối ngành để lựa chọn xét tuyển, và đầu ra của sinh viên theo học khoa học tự nhiên rộng hơn nhiều so với khoa học xã hội.

Còn ông Hồ Văn Luyến – hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) – cho biết thời điểm này số liệu đăng ký tổ hợp môn thi THPT quốc gia của học sinh tại trường chỉ mới là tạm thời. Theo đó, trường có 137 em đăng ký tổ hợp môn khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).

“Sau kết quả kỳ thi học kỳ 1, điểm số các môn thi của tổ hợp môn khoa học xã hội luôn cao hơn tổ hợp môn khoa học tự nhiên rất nhiều. Học sinh muốn nắm phần chắc trong tay ở kỳ thi quan trọng này, nên không ít em chọn các môn xã hội là đương nhiên”, thầy Luyến nói.

Hiện tại, dù số đăng ký là chưa chính thức nhưng trường đã tổ chức ôn tập theo đúng nguyện vọng của học sinh, tránh tình trạng “nước tới chân mới nhảy”.

Thầy Châu Văn Tuy – hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) – cho biết năm nay nhiều học sinh của trường cũng “ngắm nghía” tổ hợp môn khoa học xã hội, bởi sẽ dễ “ăn điểm” hơn đối với học sinh trung bình – khá.

“Rút kinh nghiệm từ những năm trước, cuối năm học 11, chúng tôi đã có nhiều buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh lẫn phụ huynh. Vì vậy, năm nay ngoài những học sinh trung bình – khá lựa chọn môn thi để đạt tốt nghiệp, thì những em khá – giỏi vẫn chọn các môn xã hội để thi vào các trường KHXH&NV, Học viện Hành chính quốc gia…” – thầy Tuy nói.

Nội ô chọn đại học, ngoại ô “thủ” tốt nghiệp

Theo nhiều hiệu trưởng, tại TP Cần Thơ trong khi học sinh các trường ở quận trung tâm chọn bài thi khối khoa học tự nhiên cho việc xét tuyển vào đại học, các huyện ngoại ô lại chọn bài thi khoa học xã hội để “thủ” tốt nghiệp.

Cô Cao Thị Ngọc Hà – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) – cho biết theo thống kê ban đầu, trong tổng số 185 học sinh lớp 12 của trường, có đến 80% các em chọn bài thi khoa học tự nhiên; 20% chọn bài thi khoa học xã hội.

Tương tự, thầy Võ Đức Chỉnh – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) – cho biết trường có 426 học sinh thì số em chọn bài thi khoa học tự nhiên là 73%, số chọn bài thi khoa học xã hội là 27%.

Còn ông Hồ Thu Sơn – phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang – cũng cho biết khối 12 có tổng số 236 học sinh, số em chọn khoa học tự nhiên với tỉ lệ cao chót vót gần 90%, tương đương 212 em, trong khi chỉ có 24 học sinh với tỉ lệ 10% chọn bài thi khoa học xã hội.

Ngược lại với khuynh hướng chọn bài thi của các trường nội ô, học sinh các trường ở huyện lại chọn tổ hợp môn khoa học xã hội. Ông Nguyễn Hồng Bảo – hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ – cho biết: theo thống kê sơ bộ, số lượng thí sinh đăng ký chọn tổ hợp khoa học xã hội là 219/250; khoa học tự nhiên là 31/250.

Thầy Bảo giải thích do đây là trường vùng ven, chất lượng đầu vào không cao, nên học sinh chọn nghiêng về khoa học xã hội với mục đích “thủ” đậu tốt nghiệp trước rồi mới chọn ngành nghề sau.

Còn tại Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang, tổng số học sinh khối lớp 12 của trường là 310 em, số học sinh chọn bài thi khoa học xã hội chiếm đến 70%, 30% còn lại chọn bài thi khoa học tự nhiên. Theo lãnh đạo nhà trường, các em chọn bài thi khoa học xã hội nhiều bởi đây là trường huyện, lực học của học sinh không mạnh, đa số các em hướng tới thi khối C đại học nhiều hơn là các khối A, B.

Trường chủ động “diễn tập”

Thầy Nguyễn Văn Định, hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT mới, trường đã chủ động cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn thi, sau đó sắp xếp những em chọn tổ hợp giống nhau sẽ học chung lớp.

Song song đó, nhà trường cũng phân công giáo viên dạy theo phương án ưu tiên những giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy những lớp có tổ hợp môn thi mà học sinh chọn.

“Như trường hợp môn giáo dục công dân, do lần đầu tiên tổ chức thi nên nhà trường cũng khuyến khích những giáo viên có thâm niên và dạy tốt chuyên tâm dạy các lớp chọn tổ hợp môn khoa học xã hội”, thầy Định chia sẻ.

Ngay từ đầu năm, Trường THPT Tháp Mười đã tổ chức 2 lần thi “diễn tập”, giống như một kỳ thi chính thức, để học sinh làm quen với hình thức thi mới. Các giáo viên cũng thường xuyên có những buổi họp tổ, tập trung nghiên cứu đề thi, phương pháp giải đề, kinh nghiệm dạy… từ đó có phương pháp ôn luyện cho học sinh tốt nhất.

Cô Huỳnh Thị Kim Tiến, giáo viên dạy hoá, chia sẻ: “Tuần nào tổ hoá chúng tôi cũng ngồi với nhau để giải đề, rồi thảo luận phương pháp giải. Nhờ đó đã tập hợp được nhiều phương pháp giải bài nhanh, chính xác, giúp học sinh rút ngắn thời gian khi làm bài”.

T.TRANG – N.TÀI – M.TÂM